Số tiền trên là quá nhỏ bé so với doanh thu tăng thêm từ việc lọt vào Champions League mùa sau (nếu thành công), và không có gì ngạc nhiên khi M.U vẫn đủ sức thực hiện bản HĐ bom tấn mang tên Ronaldo.
Old Trafford là khả dĩ nhất
Ronaldo sẽ rời Real Madrid, đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cựu Chủ tịch Ramon Calderon của Real đã tiết lộ rằng siêu sao người BĐN cảm thấy không hài lòng khi Real liên tiếp nói lời chia tay với những cầu thủ quan trọng, những đồng đội ăn ý với Ronaldo như Higuain, Oezil, Alonso hay Di Maria.
Tuy nhiên ở châu Âu không có nhiều CLB đủ tiềm lực tài chính để chiêu mộ Ronaldo và hai trong số đó (Chelsea, PSG) đã khẳng định sẽ không theo đuổi thương vụ này, trong khi CR7 sẽ không đời nào chuyển đến Barcelona hay Man City. Như vậy, điểm đến khả dĩ nhất của anh chính là đội bóng cũ M.U.
Dù không được dự Champions League mùa giải này, những vụ chuyển nhượng Di Maria và Falcao đã cho thấy M.U vẫn hoàn toàn đủ sức thu hút những cầu thủ ở đẳng cấp thế giới và nếu họ có thể giành quyền góp mặt tại Champions League 2015/16 thì khả năng “Quỷ đỏ” thuyết phục thành công Ronaldo - cầu thủ luôn nói rằng M.U vẫn ở trong trái tim mình - là không hề nhỏ. Và theo nguồn tin từ báo chí Anh thì đội chủ sân Old Trafford đã chuẩn bị sẵn 60 triệu bảng để đổi lấy sự phục vụ của CR7 trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông (tương đối khó) hoặc khả thi hơn là trong mùa hè năm 2015.
Tiêu trước, hạch toán sau
Vấn đề nẳm ở chỗ, 60 triệu bảng dường như là một con số khá lớn nếu xét đến việc M.U đã chi tiêu rất mạnh tay trong mùa hè vừa qua. Các bản hợp đồng mới có tên Angel Di Maria, Radamel Falcao, Luke Shaw, Ander Herrera, Marcos Rojo hay Daley Blind đã “ngốn” của họ xấp xỉ 160 triệu bảng và theo chiều ngược lại thì M.U mới chỉ thu về 36 triệu bảng từ việc bán cầu thủ. Tính tổng cộng, M.U đang chi tiêu ròng 124 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng hè 2014 và con số này lớn gần gấp đôi so với mức 66 triệu bảng mua ròng cùng kỳ năm ngoái. Vậy thì M.U kiếm đâu ra 100 triệu bảng nữa để trang trải cho các thương vụ Ronaldo, Hummels, Strootman (nếu thành hiện thực) vào năm sau?
Giống như nhà đất hay trang thiết bị tập luyện, trong bảng cân đối kế toán của các CLB bóng đá thì cầu thủ cũng được coi là một dạng tài sản và giá trị của “tài sản” này sẽ được tính khấu hao đều đặn theo hàng năm, cho đến khi nào hợp đồng của họ hết hạn hoặc họ chuyển sang CLB khác. Ví dụ, M.U đã bỏ ra 60 triệu bảng để mua Di Maria và ký HĐ 5 năm thì mỗi năm họ sẽ phải chịu chi phí khấu hao là (60/5 =) 12 triệu bảng. Tương tự, Luke Shaw (giá 33 triệu bảng, ký HĐ 5 năm) sẽ có mức khấu hao khoảng 6,6 triệu bảng/năm, Herrera (giá 32 triệu bảng, ký HĐ 4 năm) có mức khấu hao 8 triệu bảng/năm, Rojo và Blind có mức khấu hao xấp xỉ 4 triệu bảng mỗi mùa giải còn phí mượn Falcao là 6 triệu.
Như vậy, trên báo cáo kết quả kinh doanh mùa giải 2014/15 thì M.U chỉ phải gánh chịu chi phí là (12 + 6.6 + 8 + 4 + 4 + 6 =) 40 triệu bảng cho các vụ chuyển nhượng nêu trên mà thôi, và 120 triệu bảng còn lại sẽ được phân bổ dần sang các mùa giải sau.
Canh bạc hợp lý
Theo chiều ngược lại, M.U có thể hạch toán một khoản tiền khá lớn từ bán cầu thủ thẳng vào báo cáo kết quả kinh doanh mùa 2014/15. Mức phí chuyển nhượng 17,6 triệu bảng mà Arsenal trả cho Welbeck có thể không phải là quá cao nếu xét đến việc anh mới 23 tuổi và đã là tuyển thủ Anh, nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ Welbeck là cầu thủ mà M.U tự đào tạo. Giá vốn của Welbeck vì thế cũng bằng 0, và toàn bộ số tiền bán Welbeck sẽ được hạch toán vào lợi nhuận của “Quỷ đỏ”.
Tương tự, những nguyên tắc kế toán cũng giúp M.U thoát được lỗ trong thương vụ Kagawa và thậm chí có lãi trong vụ chuyển nhượng Buttner. Tiền vệ người Nhật được mua về với giá 14 triệu bảng vào hè năm 2012, nhưng sau hai mùa thì giá trị sổ sách của anh (ký HĐ 4 năm với M.U) đã bị khấu hao mất phân nửa và số tiền 7 triệu bảng mà Dortmund thanh toán là vừa đủ để hòa vốn.
Lúc mới đến M.U vào hè 2012 hậu vệ người Hà Lan có giá gốc là 4,4 triệu bảng, nhưng giờ đây giá trị sổ sách của anh chỉ còn là 2,2 và M.U có thể ghi nhận một khoản lãi 2,6 triệu bảng khi đẩy Buttner sang Dinamo Moscow. Cộng thêm 1,1 triệu bảng tiền bán Tom Lawrence (cũng thuộc dạng tự đào tạo) và 2 triệu bảng phí cho mượn Chicharito thì M.U đã ghi nhận được tổng cộng gần 25 triệu bảng doanh thu từ bán cầu thủ, và hạng mục “Chi tiêu ròng mua cầu thủ” của họ chỉ còn bị âm khoảng 15 triệu bảng mà thôi. Doanh thu từ việc lọt vào Champions League mùa sau (nếu xảy ra) dư sức bù đắp khoản chi nói trên, và chẳng có gì ngạc nhiên khi các ông chủ Mỹ của M.U sẵn sàng chấp nhận canh bạc này…
Theo BĐTC