M.U vừa nhất trí một hợp đồng 8 năm trị giá tới 180 triệu bảng (22,5 triệu bảng/năm) với hãng Aon đổi tên sân tập Carrington của họ lại thành Khu phức hợp huấn luyện Aon, ngay trước trận derby Manchester với kình địch Manchester City tại Old Trafford.
Hợp đồng này cho thấy sức hút thương mại khổng lồ của M.U. Aon vớt vát hợp đồng này sau khi không đủ tiền theo đuổi tiếp hợp đồng tài trợ áo đấu hiện nay, trị giá 25 triệu bảng mỗi năm. Từ năm tới, M.U sẽ thay Aon bằng Chevrolet trong hợp đồng mới trị giá hơn gấp đôi, 53 triệu bảng mỗi năm. M.U cũng đang hoàn tất hợp đồng quảng bá 100 triệu bảng với một hãng hàng không giấu tên sau khi hợp đồng hiện giờ với Turkish Airlines kết thúc.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch điều hành CLB, Ed Woodward, đã khẳng định tất cả các kế hoạch trên không dính dáng gì tới tên gọi của sân Old Trafford. Woodward, người vừa thay David Gill trong mùa Hè này, khẳng định rằng tên gọi Nhà hát của những giấc mơ “không phải để bán”.
Tình cờ, hay không tình cờ, hợp đồng đổi tên sân tập của M.U trùng với trận derby Manchester nhiều khả năng sẽ khẳng định chức vô địch Anh thứ 20 của họ vào rạng sáng nay. Cho tới trước trận derby, Man City đang kém họ 15 điểm và đội bóng của Sir Alex Ferguson chỉ còn cách chức vô địch 3 trận thắng.
Có hai điểm đáng chú ý trong hợp đồng đổi tên sân tập thành Aon của M.U. Thứ nhất, nó cho thấy sức hút của một đội bóng thực sự có quy mô và tiếng tăm toàn cầu. Có thể M.U không có tới 600 triệu người hâm mộ như họ tuyên bố, nhưng việc họ là thương hiệu thể thao số một hành tinh là điều rất khó tranh cãi.
Còn nhớ cách đây gần 10 năm, vào tháng 10/2004, Arsenal đã bán lại quyền đặt tên sân nhà của họ cho tập đoàn hàng không Emirates với giá “chỉ” 100 triệu bảng trong 15 năm. Tính toán chi ly, mỗi năm Arsenal nhận được 6,66 triệu bảng. Trong khi đó, với việc đổi tên Carrington thành Aon, cho riêng sân tập, mỗi năm M.U đã nhận 22,5 triệu bảng. Trượt giá đương nhiên là vấn đề phải tính đến, nhưng nên nhớ rằng năm 2004, Arsenal vẫn còn đang ở đỉnh cao và kinh tế toàn cầu lúc đó không khó khăn như bây giờ.
Thật ra, HLV Arsene Wenger và đội bóng của ông vẫn luôn nổi tiếng là những kẻ kiếm tiền khôn ngoan, nhưng những gì M.U làm được với sân Carrington cho thấy còn có những cách kiếm tiền khác khôn ngoan hơn. Arsenal đã chấp nhận tất cả, thua thiệt ở sân chơi trong nước và châu Âu, những ngôi sao sáng nhất lần lượt bỏ đi, mua về các cầu thủ giá rẻ, dùng người từ đội trẻ một cách vội vàng, nâng giá vé lên cao nhất Premier League và 8 mùa giải trắng tay liên tiếp, chỉ để đảm bảo mỗi năm họ đều có lãi.
Nhưng nếu như Arsenal hy sinh danh hiệu để kiếm tiền, thì M.U giành về các danh hiệu để từ đó còn đẻ ra nhiều tiền hơn. Tính từ lúc Arsenal bán tên sân của họ tới nay, đội bóng của Wenger chỉ có thêm mỗi chiếc Cúp FA năm 2005. Trong khi đó, M.U giành 4 chức vô địch Premier League và 1 Cúp Champions League. Dễ hiểu là tại sao giờ họ lại bán được tên sân tập Carrington với ngần ấy tiền, lại sắp vô địch Premier League, còn Arsenal đang phải xoay xở để tìm cách dự Champions League mùa sau.
Vấn đề thứ hai của bản hợp đồng này là những ông chủ Mỹ không hề là "những kẻ phá hủy" đội bóng, ít ra là về mặt tài chính, như nhiều CĐV áo đỏ đã quy kết trước đó. Gia đình Glazer là những doanh nhân lạnh lùng. Họ có thể không đếm xỉa tới bóng đá, nhưng họ chắc chắn là những doanh nhân giỏi giang luôn muốn tối đa hóa giá trị tài sản của mình. Aon và Chevrolet, đều là những thương hiệu lớn nhất nước Mỹ, có lẽ đã đến với M.U nhờ những liên hệ của nhà Glazer. Hơn thế nữa, những thương vụ này mở ra một tương lai tài chính bền vững cho Old Trafford và sẽ khó có đối thủ nào ở Anh sánh được với họ trong một thời gian dài sắp tới.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)