Đó không còn là một cặp đấu cân tài cân sức, như cuộc chiến giữa hai đội bóng vĩ đại nhất nước Anh đáng ra phải thế. Nhưng đó là một trận đấu mà người thất bại Liverpool vẫn xứng đáng được tôn trọng, và kẻ chiến thắng M.U cần phải học cách tôn trọng đối thủ.
Không có gì phải bàn nhiều về khoảng cách trình độ giữa hai đội, lẫn sự vượt trội về việc cụ thể hóa đẳng cấp trên sân cỏ của đội chủ nhà. M.U được tổ chức tốt hơn hẳn, và tự tin hơn hẳn. Old Trafford là nơi chứng kiến họ đánh bại Liverpool tới 8 lần trong 9 trận gần đây. Chân sút chủ lực của họ, Robin van Persie, không những đang đạt phong độ rất cao, mà cũng là một "hung thần" của Liverpool: Bàn thắng đêm qua là lần thứ 7 anh sút tung lưới đội bóng thành phố cảng trong 8 lần đối đầu gần đây, trong cả màu áo Arsenal lẫn M.U.
Trước mặt họ không còn là một Liverpool vĩ đại của Kevin Keegan, Kenny Dalglish, Ian Rush, hay chí ít là đội Liverpool của cú ngược dòng thần kỳ ở trận chung kết Champions League trước AC Milan tại Istanbul 2005, mà là một đội bóng tầm thường, hỗn loạn về mặt tổ chức và còn quá non nớt. Thất bại tại Old Trafford là điều có thể lường trước, và có lẽ chỉ các CĐV Liverpool mới tin rằng tập thể ấy có thể làm nên phép màu.
Bên cánh phải hàng thủ, cầu thủ sinh năm 1993 Andre Wisdom, với sự nghiệp chỉ gói gọn trong 9 trận ra sân tại Premier League, còn quá non nớt để chơi một trận đấu quan trọng (về danh dự) nhường này. Chính anh là người đã run đến... trượt chân khi cố sút bóng trong một cơ hội khá rõ ràng mà Luis Suarez trao cho ở nửa cuối hiệp hai.
Raheem Sterling, sinh năm 1994, được coi là tương lai của Liverpool, chơi bóng một cách quá bản năng và nông nổi, mất bóng liên tục với những pha đi bóng như đâm đầu vào tường. Một chú nhóc đích thực giữa hàng phòng ngự già dơ và bản lĩnh của M.U.
Lịch sử vĩ đại của đội bóng áo đỏ hẳn đã rất đau lòng khi nhìn thấy Liverpool chống lại kình địch màu đỏ sống cách họ 33 dặm với những cậu nhóc như thế. Hai cầu thủ sinh năm 1990 của M.U đêm qua, Rafael và Danny Welbeck, thậm chí đã chơi cho đội một từ cách đây 4 năm, với mỗi người xấp xỉ 60 trận tại Premier League.
Tôn trọng đối thủ là tôn trọng chính mình
Trong các cầu thủ còn lại của Liverpool, chỉ có Steven Gerrard, người đã gián tiếp đem về bàn gỡ 1-2, và Luis Suarez, là đủ bản lĩnh để đương đầu trong trận đấu đêm qua. Nhưng một người thì đã sa sút nhiều vì tuổi tác, còn người kia thì luôn đơn độc.
Với sự chênh lệch rõ rệt, đáng ra trận đấu có thể kết thúc sớm hơn, thậm chí là với tỉ số đậm hơn, nếu M.U thật sự chơi tập trung và nghiêm túc. Nhưng họ chỉ đá nghiêm túc cho đến khi Robin van Persie mở tỉ số. Những dấu hiệu chủ quan xuất hiện càng lúc càng rõ ràng khi thời gian trôi đi, mà bàn gỡ 1-2 cho Liverpool, sau một pha bật nhả ở trung lộ cẩu thả của tuyến tiền vệ M.U.
Trước đó, cái gót chân phải (không phải chân thuận) của van Persie cũng có thể khiến hàng thủ Liverpool khốn đốn. Thủ môn Pepe Reina thậm chí đã bị đau trong lần lăn xả cản phá đầu tiên, nhưng đến lần thứ hai, thì cú đánh gót ấy không còn gây bất ngờ nữa. Nó đã bị lạm dụng.
Liverpool, dù chơi xộc xệch, non nớt và thiếu tự tin, nhưng không hề thiếu quyết tâm. Suarez, trong một ngày ít tham lam hơn thường lệ, bỗng trở thành cầu thủ thể hiện rõ ràng nhất ý chí chiến đấu của toàn đội, dù anh có phần lạc lõng và đơn độc giữa các đồng đội ở đẳng cấp thấp hơn hẳn. Hạn chế về kỹ chiến thuật và kinh nghiệm đã không thể giúp Liverpool giành được ít nhất là một điểm.
M.U giành thắng lợi là điều không bất ngờ, và Sir Alex có quyền bảo lưu nhận xét rằng bây giờ, ông "không cần quan tâm Liverpool đứng đâu". Nhưng tôn trọng đối thủ cũng là một nguyên tắc không hề cũ, dù Liverpool giờ chỉ còn là cái xác so với lịch sử của họ. Và không chỉ Liverpool, mà bất kỳ một đội bóng nào thua kém về nhiều mặt so với M.U, nhưng vẫn quyết tâm đến phút cuối, đội bóng ấy đều xứng đáng được tôn trọng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)