Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

M.U: Van Gaal và chủ nghĩa cá biệt

Thứ Bảy 07/03/2015 16:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vị chiến lược gia người Hà Lan xứng đáng nhận được sự tôn trọng nhiều hơn sau những gì đã làm được kể từ khi dẫn dắt đội bóng thành Manchester.

Trải qua 7 tháng làm việc tại sân Old Trafford, nhìn vào thành tích của M.U hiện giờ, đương nhiên người ta cũng có thừa lý do để đưa ra những lời chỉ trích dành cho HLV Van Gaal. Bất chấp việc đã tiêu tốn tới hơn 150 triệu bảng từ ban lãnh đạo Quỷ đỏ để chiêu mộ hàng loạt bản hợp đồng đình đám trong mùa Hè 2014 (Di Maria, Falcao, Herrera, Shaw…), nhưng cho đến thời điểm này, đội bóng thành Manchester vẫn thể hiện một diện mạo rất kém thuyết phục. Bằng một lối chơi nhạt nhòa, thiếu bản sắc và không được định hình rõ ràng, thầy trò Van Gaal thậm chí đang phải chật vật để duy trì một vị trí trong top 4 Premier League.

Loi choi cua M.U duoi thoi Van Gaal la chu nghia ca biet hinh anh
Van Gaal đang nỗ lực xây dựng một M.U hoàn toàn mới dưới triều đại của mình

Dễ dàng nhận thấy, dưới thời vị chiến lược gia người Hà Lan, lối chơi của M.U đã thay đổi tương đối đáng kể. Thay vì duy trì phong cách “tạt cánh đánh đầu” đơn giản từ triều đại David Moyes, Quỷ đỏ chấp nhận triển khai một lối đá chủ động, nhịp nhàng và thanh thoát hơn. Thế nhưng, khi mà những đợt tấn công của đội bóng chủ sân Old Trafford chưa đạt tới tốc độ cần thiết, thầy trò Van Gaal cũng thường xuyên tỏ ra thiếu sắc bén trong các tình huống xử lý cuối cùng. Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao M.U chưa thể thi đấu hiệu quả mặc dù đã kiểm soát bóng nhiều hơn kể từ đầu mùa.

Xét trên nhiều phương diện, màn trình diễn của Quỷ đỏ dưới thời Van Gaal có thể là không mấy thuyết phục, đối với đa số các CĐV “Nhà hát của những giấc mơ”. Nhưng ở một góc nhìn công bằng và có phần tích cực hơn thì điều này chỉ xảy ra trong trường hợp người ta so sánh M.U với Chelsea hay Man City chẳng hạn, đều là những đội bóng đã đi vào quỹ đạo ổn định ở vài mùa giải gần đây. Đồng nghĩa rằng, M.U của Van Gaal cũng giống như một “kẻ xuất phát sau” và có điểm khởi đầu thấp hơn hẳn. Do đó, sự hạn chế về mặt chuyên môn, nhân sự cũng như khả năng cạnh tranh đường dài đương nhiên không thể sánh bằng các đối thủ vừa nêu trên. Bản thân Van Gaal, bất chấp việc đã sở hữu một bản CV “đẹp mắt” (thành công tại Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức) nhưng rõ ràng, khi mà vị chiến lược gia người Hà Lan còn chưa bao giờ nếm trải “nền văn hóa bóng đá Anh” (theo định nghĩa của ông này), chắc chắn nhà cầm quân 64 tuổi cũng không thể tránh khỏi những sự bỡ ngỡ ban đầu.

Thực tế đã cho thấy, Van Gaal là mẫu HLV thích làm việc theo kiểu “độc đoán”, một mình một ý tưởng. Phần đông giới mộ điệu đều đưa ra nhận định rằng cựu chiến lược gia Bayern Munich là một… gã có tư duy bảo thủ, không hơn không kém. Tuy nhiên, hãy đặt giả thiết ngược lại rằng “Tuy-lip thép” có thể thành công từ chính những gì mình xây dựng. Khi đó, phương pháp “độc tài” vừa nêu trên sẽ chỉ phản ánh một thông điệp duy nhất, rằng: “Van Gaal đã đúng và ông có quyền tự tin vào những gì mình làm được”. Nói chính xác hơn thì tính cực đoan theo chủ nghĩa cá biệt cũng chính là bản sắc của M.U dưới triều đại Van Gaal. Đến thời điểm hiện tại, điều này vẫn chưa mang đến thành công vang dội cho Quỷ đỏ như kỳ vọng của nhiều người. Nhưng ít nhất, đội bóng thành Manchester đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác.

Loi choi cua M.U duoi thoi Van Gaal la chu nghia ca biet hinh anh 2

Cụ thể, hãy nhìn vào lối đá của M.U trong những vòng đấu gần đây, vẫn là một phong cách kiểm soát bóng linh hoạt dựa trên nền tảng hàng tiền vệ hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các đợt tấn công giàu tính trực diện và tốc độ, Van Gaal đã quyết định sử dụng Marouane Fellaini như một nhân tố làm nhiệm vụ thu hút trên hàng công. Theo đó, cầu thủ người Bỉ sẽ hoạt động bao quát như một “thỏi nam châm” và tạo ra những khoảng trống để các mũi nhọn còn lại bên phía Quỷ đỏ xâm nhập khu vực cấm địa đối phương. Do đó, cũng không có gì bất ngờ khi có nhiều thời điểm, thầy trò Van Gaal sẵn sàng sử dụng những đường bóng dài lên phía trên dành cho cựu ngôi sao Everton như một phương án mang lại hiệu quả tối ưu.

Dĩ nhiên, nếu như phải đưa ra đánh giá một cách tổng thể thì phong cách này vẫn chưa đạt đến độ hoàn thiện cao nhất. Đơn giản, bởi Van Gaal có quá ít thời gian để triển khai toàn bộ các ý tưởng cũng như thử nghiệm của mình. Chính bởi vậy, thay vì chỉ trích nhà cầm quân người Hà Lan, có lẽ dư luận, giới truyền thông và các CĐV nên tỏ ra kiên nhẫn hơn. Cần phải biết rằng, hàng thủ của M.U hiện đang xếp thứ 3 Premier League về độ chắc chắn (thủng 26 bàn kể từ đầu mùa), một yếu tố cho thấy sự hiệu quả mà lối chơi kiểm soát bóng mang lại.

Giai đoạn sắp tới, đội bóng thành Manchester sẽ có chặng “Tourmalet” cực kỳ gian nan khi lần lượt phải chạm trán các đối thủ “cứng cựa” là Arsenal, Tottenham, Liverpool, Chelsea và Man City. Về mặt lý thuyết, Quỷ đỏ hoàn toàn có nguy cơ “trắng tay” sau tháng Tư. Thế nhưng, trong trường hợp thầy trò Van Gaal vượt qua những thử thách một cách “êm thấm”, chắc chắn mọi chuyện sẽ bước sang một chương mới. Không phải danh hiệu, không phải chức vô địch hay điều gì quá xa vời cả, mà chính là lối chơi mới, bản sắc mới dưới triều đại “Tuy-lip thép”, một phiên bản M.U theo chủ nghĩa cá biệt đích thực…

Xem thêm video trận Newcastle 0-1 M.U (Vòng 28 Premier League 2014-2015)


Xem thêm tin tuc ve bong da Anh.

Nam Anh

Dòng sự kiện

"Siêu kinh điển" nước Anh phiên bản cúp FA, M.U vs Arsenal

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X