Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

M.U: Hàng thủ cũng phải có… “sát thủ”

Thứ Hai 25/02/2013 16:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bán kết World Cup 1998, khi Thuram băng lên ghi 2 bàn quyết định vào lưới Croatia, đó cũng là hai bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Ngày ấy, người ta coi đó như chuyện lạ. Còn hôm nay?

Hơn một thập kỷ trước, những hậu vệ kiểu như Carlos; Cafu; Panucci; Zambrotta… là của hiếm. Khả năng dứt điểm lúc ấy vốn chỉ được coi là phần thưởng trời cho dành cho những hậu vệ khác biệt hẳn so với phần còn lại. Mặc dù việc hậu vệ ghi bàn không phải là chuyện gì đó lạ lẫm, mới mẻ (điển hình như bàn thắng của Boli vào lưới Milan ở chung kết cúp C1) nhưng sự phân nhiệm của bóng đá thời kỳ ấy vẫn có ranh giới mạch lạc: việc ghi bàn là của hàng công và việc ngăn đối phương ghi bàn là của hàng thủ.

Manchester United gần như đã chạm một tay vào chức vô địch Premier League mùa này
 

Khái niệm đó đã cũ ở thời điểm hiện tại. Sự chặt chẽ của bóng đá hiện đại đã khiến hàng công lắm khi đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà vẫn không có nổi bàn thắng. Những lúc đó, nếu hàng thủ biết tham gia tấn công, tạo thành các mũi đột biến lớn, đội bóng sẽ có thể nắm chắc phần chiến thắng. Và vì lý do đó, bóng đá hiện đại cũng đòi hỏi cầu thủ phải đa năng hơn.

Song song với yêu cầu một tiền đạo (như Rooney chẳng hạn) nhiều khi phải biết lui về hỗ trợ phòng ngự thì cũng tồn tại một nhu cầu: hậu vệ phải biết cả tham gia tấn công. Chính vì thế, đã tạo ra những kiểu cầu thủ như Gareth Bale, Daniel Alves, Jordi Alba, Lahm…, những người đá hậu vệ biên cũng được mà dâng lên đá tiền vệ cũng ổn.

Theo thống kê, số bàn thắng mà hàng thủ ghi được ở mỗi mùa Premier League trong vòng hơn chục năm trở lại đây đều dao động từ 13-16% tổng số bàn thắng của mùa giải. Đó không phải là con số quá lớn nhưng nếu nhìn vào hiện tượng số bàn thắng của hàng thủ M.U vượt trội cả số bàn thắng của hàng tiền vệ, ta sẽ nhận ra một thực tế là muốn dẫn đầu hoặc cạnh tranh ở tốp đầu, nhất thiết phải có một hàng thủ biết làm “sát thủ”. M.U hiện nay có những cầu thủ dứt điểm rất tốt như Evra; Evans; Rafael; Vidic… Chính họ đã cứu nguy cho M.U không ít lần, không phải bằng khả năng phòng thủ mà nhờ khả năng dứt điểm. So sánh với các đối thủ khác, ta sẽ giật mình nhận thấy cả Chelsea, Arsenal, Man City… đều có tỷ lệ bàn thắng của hàng thủ kém xa M.U (từ 8-9% mà thôi).

Nhìn sang các đội bóng lớn dẫn đầu các giải đấu châu Âu khác, ta cũng sẽ nhìn thấy những “hàng thủ sát thủ” như thế. Tại Juve, đó là những Peluso; Lichtsteiner; Bonucci… Tại Barca là Alves; Alba; Puyol… Tại Real là Ramos; Marcelo; Varane. Còn ở Bayern Munich là Lahm; Martinez và ở PSG là Sakho; Maxwell; Silva… Có thể nói, nếu cần, ta có thể xếp hẳn 2 đội hình toàn các hậu vệ để thi đấu với nhau mà tất cả các cầu thủ hậu vệ đó đều đảm nhiệm tốt nhiệm vụ không phải sở trường (tất nhiên, trừ vị trí thủ môn).

Anh Linh - Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X