Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

M.U hạ Crystal Palace: Thắng đấy, mà lo vẫn hoàn lo!

Chủ Nhật 23/02/2014 14:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trên sân Selhurst Park, hai bàn thắng của Van Persie và Rooney đã giúp M.U chấm dứt mạch 3 trận không thắng. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để khỏa lấp đi những vấn đề rất lớn trong lối chơi của đội bóng thành Manchester.

Hành quân tới thủ đô London để gặp tân binh Crystal Palace, đối thủ không thực sự được đánh giá cao nhưng HLV David Moyes vẫn mang "dao mổ trâu để... giết gà". Ông tung tất cả những quân bài tốt nhất trong tay của mình ra sân nay từ đầu. Marouane Fellaini sau hai tháng ngồi ngoài dưỡng thương đã trở lại đội hình chính để đá cặp tiền vệ trung tâm cùng Michael Carrick.

 

Trên hàng công, lần đầu tiên chiến lược gia người Scotland sử dụng bộ tứ xuất sắc nhất ở thời điểm hiện tại: Juan Mata - Adanan Januzaj - Wayne Rooney - Robin van Persie. Trên lý thuyết, đây là đội hình tấn công tối ưu của M.U. Và thực tế là với đội hình đó, Quỷ đỏ đã có được chiến thắng đầu tiên sau 3 trận toàn hòa và thua. Van Persie có bàn thắng thứ 11 ở mùa giải năm nay, trong khi Rooney cũng đã có bàn thắng đầu tiên kể từ ngày Boxing Day năm 2013 (cũng là bàn đầu tiên từ thời điểm anh trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất Premier League).

Chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 trước chủ nhà Crystal Palace đã giúp M.U vươn lên vị trí thứ 6 trên BXH với 45 điểm. Họ tiếp tục nuôi tham vọng có được một suất trong top 4 hay ít nhất là một tấm vé tham dự Europa League mùa giải tới. Tuy nhiên, 3 điểm trước đội chủ sân Selhurst Park cũng đã phơi bày ra rất nhiều những vấn đề lớn trong lối chơi mà HLV David Moyes cần phải nhìn nhận và thay đổi, nếu muốn cỗ máy M.U hoạt động trơn tru hơn.

1. Mata và Rooney thường xuyên giẫm chân nhau

Trong sơ đồ chiến thuật đầu trận, Mata được bố trí đá tự do bên hành lang cánh phải thay cho vị trí của Valencia. Trong khi đó, Rooney đá hộ công ngay phía sau Van Persie trong khi Januzaj ở bên cánh đối diện. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống chiến thuật này lại không duy trì một cách thường xuyên như thế, đặc biệt là ở hai vị trí của Mata và Rooney.

Khoảng 10 phút đầu tiên, Mata luôn thi đấu bám biên. Song do không nhận được sự hỗ trợ tích cực của hậu vệ cánh Chris Smalling, dần dần về sau tuyển thủ Tây Ban Nha phải thường xuyên di chuyển vào khu trung tuyến để tìm kiếm bóng, đồng thời tránh sự đeo bám quyết liệt của hai cầu thủ chạy cánh của chủ nhà là Jonathan Parr cũng như Puncheon.

Rooney dược bố trí đá như một hộ công, nhưng do Van Persie thường xuyên đá lùi lại phía sau để tránh sự kèm cặp của hậu vệ đối phương, "số 10" của đội bóng áo đỏ cũng buộc phải lùi sâu ngay sát với hàng tiền vệ. Chính điều này vô hình chung khiến tuyến giữa của M.U trở nên rất rối rắm, đặc biệt là việc Rooney và Mata thường xuyên giẫm lên chân nhau trong các pha lên bóng.

Ở trận này, M.U liên tục dùng những miếng đánh trung lộ để tiếp cận khung thành thủ môn Speroni. Tuy nhiên, việc Fellaini dâng cao, Mata bó vào trong và Rooney cũng như Van Persie thường xuyên lùi sâu đã khiến những tình huống tổ chức tấn công trở nên rối rắm. M.U rất khó xuyên thủng hàng phòng ngự được tổ chức tốt của đội chủ nhà, dù rằng tỷ lệ kiểm soát bóng trong hiệp 1 lên tới hơn 70%.

2. Tốc độ triển khai bóng chậm

Lối chơi tấn công của M.U vẫn không có gì đặc sắc, thậm chí có thể nói là "buồn ngủ" và rất dễ bị bắt bài. Trong cả trận, Quỷ đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn về quyền kiểm soát bóng với tỷ lệ 66%, nhưng số cơ hội nguy hiểm, những cú dứt điểm đi trúng khung thành lại không bằng chủ nhà (14 (5) so với 15 (6)) .

Nguyên nhân chính của việc cầm bóng nhiều, nhưng không tạo ra được cơ hội ngon ăn xuất phát từ việc những đường triển khai bóng của M.U rất chậm chạp. Việc bị các cầu thủ chủ nhà bắt bài lối chơi, chủ động chơi phòng ngự chặt chẽ và bắt người rát từ giữa sân khiến các ngôi sao bên phía M.U chủ yếu chuyền bóng lòng vòng cho nhau. Tổng số đường chuyền của 4 cầu thủ tích cực phối hợp nhất M.U (454) là Carrick (155), Mata (111), Fellaini (98), Rooney (90) đã cao gấp rưỡi tổng số đường chuyền của tất cả các cầu thủ Crystal Palace (322) cộng lại.

Ngoài những bài đánh trung lộ, M.U cũng có đôi lúc chuyển sang đánh biên với chủ yếu là bên hành lang cánh tránh với các pha bứt tốc của Patrice Evra cùng khả năng quấy rối của Januzaj. Chính những pha lên bóng này đã chuyển hóa thành hai bàn thắng của Van Persie (62') và Rooney (68'). Đặc biệt là ở bàn thắng thứ 2 của Rooney, các cầu thủ M.U cần phải phát huy nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Rõ ràng, lối chơi của M.U hiện không còn đa dạng và không đủ gây sức ép một cách thường xuyên lên hàng phòng ngự đối phương. Nếu muốn cải thiện được thành tích, hơn lúc nào hết HLV David Moyes phải sử dụng các phương án tấn công hợp lý hơn và duy trì được tính liên tục một cách thường xuyên hơn.

3. Hàng thủ vẫn là tử huyệt

Tỷ lệ cầm bóng của Crystal Palace chỉ là 34%, hàng công của chủ nhà cũng không có gì ghê gớm với những cầu thủ chỉ dừng ở mức trung bình, thế nhưng thủ thành David de Gea cũng có một ngày hoạt động vất vả và nhiều lần khiến người hâm mộ thót tim với các pha dứt điểm của Tom Ince, Chamakh hay Puncheon.

Vấn đề thi đấu mất tập trung đang là gót Achilles của hàng phòng ngự M.U ở mùa giải năm nay. Trong trận đấu tối qua, trước sức ép không quá lớn của các cầu thủ chủ nhà nhưng cũng có không dưới 2 lần trung vệ đội trưởng Nemanja Vidic "hồn nhiên" chuyền thẳng bóng vào chân đối phương, và hậu quả là cầu thủ người Serbia đã nhận một thẻ vàng và khung thành De Gea bị một phen sóng gió.

Người thi đấu tập trung nhất trong hàng phòng ngự M.U đêm qua có lẽ chính là thủ thành De Gea, người đã có 7 tình huống cứu thua trước những cú dứt điểm của các cầu thủ chủ nhà. Vì thế, không bất ngờ khi thủ thành người Tây Ban Nha được bầu chọn xuất sắc nhất trận. Song, liệu chăng cầu thủ 23 tuổi này có mãi tỏa sáng để sửa sai cho các đồng đội?

Theo Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X