Nhiều người hâm mộ M.U đang chờ đợi sự khác biệt đến sau kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải. Nhưng với tình hình đương thời, mùa đông lạnh lẽo có lẽ sẽ kéo dài ở Old Trafford, M.U không tỏ ra có quá nhiều tiềm lực để đoạt lấy gì đó trong phiên chợ này.
Mua ai, ai về
Tất nhiên câu hỏi mua ai thì dễ trả lời, nhưng mua được hay không lại là vấn đề khác hẳn. Những vị trí mà M.U cần được bổ sung hay mạnh dạn hơn là thay mới thì rất nhiều, nguyên tính trong 11 cầu thủ đá chính. Dẫu vậy, sự cần kíp mà với nhiều đại gia là sống còn, là bức thiết ấy, nó không phải thói quen của Quỷ đỏ tính từ thời Sir Alex. Sir Alex tiết kiệm, thích xoay xở thì đã đành, nhưng ông vẫn thi thoảng có được những bản hợp đồng giá trị, béo bở, thất bại nhiều nhưng thành công thường cũng vừa đủ để duy trì vị thế, dù M.U chưa bao giờ là “dải ngân hà”. So với một huyền thoại được thời gian hun đúc như thế, hoàn cảnh của David Moyes rõ ràng éo le hơn.
Chưa cần biết đó là M.U hay đội bóng nào, chưa cần biết truyền thống của họ ra sao. Chỉ nói đơn giản về xu hướng của hầu hết các nhân tài bóng đá, nhất là các tài năng trẻ, họ tìm đến điều gì? Họ luôn hướng về một môi trường thi đấu đỉnh cao bên cạnh những đồng đội xuất sắc, đưa tên tuổi mình đi lên cùng những danh hiệu tập thể, sau đó là cá nhân. Họ muốn một câu lạc bộ ổn định, vững mạnh, có sức cạnh tranh hàng đầu, chơi bóng dưới quyền một huấn luyện viên danh tiếng. Mặt khác, nhiều ngôi sao còn tìm kiếm nơi nào thỏa mãn tự do cá nhân, mức đãi ngộ phóng khoáng, lấp lánh những vinh hoa nghề nghiệp.
M.U không có, không nổi bật, không hứa hẹn được nhiều như thế. Mà giả dụ cứ coi M.U là một đế chế sắp khởi tạo, là cơ hội cho những người đi đầu, có nền móng vững chắc để dựa vào, thì khi một ngôi sao bị chèo kéo, họ vẫn sẽ bị hấp dẫn hơn bởi sự hào nhoáng của những Real, Barca, Bayern, hay sự chịu chơi của Chelsea, Man City, PSG. Những đội không “khỏe tiền” thì lại có thứ khác đáng chú ý, như Arsenal hay Dortmund, với lối đá đầy mỹ thuật, bắt mắt, tiềm năng sáng sủa. Để mua “hàng tốt”, M.U phải cạnh tranh với đối thủ lớn, họ chịu lép vế kể cả có tiền, còn hàng rẻ và ít bị giành giật thì dĩ nhiên chẳng thể nào đủ “xịn”.
Hệ lụy khó lường
Sự bất lực trên thị trường chuyển nhượng thì không phải lỗi của David Moyes. Chỉ có điều, nếu như hệ thống dưới quyền Sir Alex vẫn thi thoảng “khai quật” được những viên ngọc thô hảo hạng chưa mấy bị thế gian dòm ngó, thì David Moyes cùng cộng sự vẫn vô cùng bị động, “lang thang” trong việc sử dụng tiền.
Ở Old Trafford đang có tình trạng thừa ra những cái tên gần như không có cơ hội đá, họ thui chột,họ lóng ngóng, đá nghèo nàn khi may mắn được vào sân, đó là những Buttner, Fabio, Zaha… Những người được đá thường xuyên thì ổn định hơn, nhưng là ổn định ở một ngưỡng chẳng hề lạc quan chút nào, như những Ashley Young, Cleverley. Quan trọng nhất, những người mang nhiệm vụ dẫn dắt, biểu tượng, nguồn sống của cả đội đang không có vai trò đủ lớn, Van Persie đang trở về với hình ảnh “thương tật”, Rooney thì có thể ra đi bất cứ lúc nào, tâm trí, trái tim anh không ở hết M.U nếu đội bóng không vào top 4, hoặc ít ra thể hiện tham vọng qua những bản hợp đồng.
Peter Schmeichel đã nói, có khá nhiều cầu thủ không xứng đáng khoác áo M.U, một số khác không dồn hết tâm trí vì câu lạc bộ, ông nói chẳng sai. Đồng lòng trong một đế chế đã khó, đồng lòng trong một cuộc suy thoái, tái tạo càng khó hơn bội phần. Một đế chế bền vững là thế, quy củ là thế từ tay Sir Alex, giờ tiềm ẩn quá nhiều những mắt xích khô dầu, những ốc vít lỏng lẻo, làm sao vận hành được trơn tru?
Với Sir Alex, việc tuyên bố mua sắm ai hay không mua ai có thể là đòn gió, là rất nhiều toan tính, còn nếu David Moyes nói M.U không mua ai người ta nghĩ ngay là thật. M.U mua được ai tốt hơn những người hiện có mà không bị các đại gia giành giật? khó lắm. Phiên chợ đông sẽ qua rất chóng bởi guồng quay của mùa giải còn tiếp tục, nhưng việc phải đợi tới phiên chợ hè vẫn sẽ không phải điều mà các Manucian mong muốn. Còn nếu thế thật, thì cũng phải chịu thôi.
Theo Bongda