Các CĐV Man United hẳn đang kêu gào sa thải David Moyes đến khản cổ. Các nhà chuyên môn và những người được cho là hiểu rõ Moyes (Sir Alex Ferguson, thủ môn Tim Howard) thì lại bênh ông, và cho rằng Moyes cần thêm thời gian. Nhưng liệu vị trí của Moyes có quan trọng đến mức ấy không?
1. Tháng 6/1969, Wilfred McGuinness đã được bổ nhiệm vào ghế HLV trưởng Man United thay nhà cầm quân huyền thoại Matt Busby, tương tự David Moyes thay Sir Alex Ferguson hiện tại. McGuiness bị sa thải chỉ sau 18 tháng, sau rất nhiều những tranh cãi, cũng giống như Moyes bây giờ.
Người thay McGuinness chính là… Sir Matt Busby, cũng giống như Sir Alex Ferguson, được cho là người duy nhất có thể trục vớt Man United khỏi khủng hoảng. Nhưng trớ trêu thay là cho đến lúc ấy, chính Matt Busby cũng không thể xoay chuyển tình thế: Man United kết thúc mùa giải ở vị trí thứ tám, kém đội vô địch Arsenal những 22 điểm, còn ít hơn 2 điểm so với những gì mà Man United của McGuinness làm được mùa trước đó.
Sir Matt Busby hẳn là một HLV vĩ đại, nhưng vào thời điểm ấy, có lẽ với Man United, ai ngồi vào ghế HLV cũng không quan trọng nữa. Thời ấy, các HLV giống như Ferguson bây giờ: Họ quán xuyến mọi thứ, từ những chi tiết nhỏ đến những vấn đề chiến lược vĩ mô của CLB. Khi họ ra đi, đội bóng cũng sụp đổ, và chính họ cũng không thể khôi phục lại CLB từ đống đổ nát nữa.
2. Nếu Sir Alex quay lại Man United ngay lúc này, có lẽ chính ông cũng sẽ rơi vào tình cảnh của Sir Matt Busby năm xưa. Man United là do ông tạo ra, kiểm soát và chi phối từng chi tiết nhỏ một, và muốn khôi phục lại nó theo cách mà ông đã đặt từng viên gạch để tạo ra Đế chế vĩ đại của mình, Ferguson có lẽ cũng cần rất nhiều thời gian, và cả sự đau đớn. Chưa chắc đã ít hơn những gì mà Moyes đang phải chịu.
Hãy thử lấy một ví dụ về sự chuyển giao dễ dàng: Barcelona. Đã có thời điểm, người ta tự hỏi rằng ai là HLV liệu có quan trọng với Barca hay không, khi Tito Vilanova thay thế Pep Guardiola quá tốt trong giai đoạn đầu, và lúc Tito đi chữa ung thư, thì trợ lý Jordi Roura cũng đã cầm cự tốt. Tất nhiên, để thành công dài hơi, họ cần một người kiệt xuất như Pep, nhưng để hoàn thành tốt giai đoạn chuyển giao, thì một trợ lý là đủ với Barca. Vì sao? Họ có một cơ chế vận hành thống nhất, một tinh thần vững vàng và được tạo ra bởi nhiều cá nhân, không phải như Man United: Tất cả được tạo ra nhờ một siêu nhân, và khi siêu nhân ấy rời đội, thì tất cả cũng sụp đổ.
Ở Barca trước đây, triết lý và lối chơi được phát triển từ nền móng của Johan Cruyff, chuyển nhượng và xây dựng đào tạo trẻ là việc của các Giám đốc thể thao, còn quản lý kinh doanh và trấn an các cổ đông là công việc của Chủ tịch. Pep là một nhà chuyên môn thuần túy, được hỗ trợ bởi nhiều người. Ông rất quan trọng, nhưng không phải là không thể thay thế.
3. David Moyes có lẽ không phải một HLV đủ bản lĩnh và thích hợp để chịu áp lực khủng khiếp nhường này, nhưng vị trí này thuộc về ai cũng không phải vấn đề lớn nhất của Man United lúc này. Điều quan trọng nhất là những ai sẽ giúp đỡ người ngồi lên chiếc nóng ở Old Trafford, để thay thế những gì mà một mình “siêu nhân” Ferguson đã làm?
Sir Alex cũng đã mất ba thập kỷ mới “cấy” đủ cá tính của ông vào mạch máu Man United, nhưng xử lý đống đổ nát hiện tại có lẽ cũng không phải chuyện đơn giản với chính bản thân ông. Một thời kỳ đã qua và không bao giờ trở lại. Ngay cả một siêu nhân có ngồi lên ghế HLV Man United lúc này, thì ông ta cũng sẽ phải mất hàng chục năm mới hòng tạo dựng được một Đế chế như dưới thời Ferguson.
Vì thế, điều mà Man United cần lúc này không phải là tìm một HLV như thế nào, mà là việc sẽ giúp đỡ họ thế nào.
Theo Thể Thao Văn Hoá