Thứ Bảy, 21/09/2024Mới nhất
Zalo

Mourinho và hồi kết tại Chelsea

Thứ Năm 20/09/2007 16:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhiều người đã nghĩ rằng Mourinho sẽ rời khỏi Chelsea, nhưng có lẽ không ai nghĩ điều này lại đến sớm và đột ngột đến thế, khi mà mùa giải 2007/2008 chỉ vừa mới bắt đầu.

Những ngày tháng như thế này chỉ còn là hoài niệm

End of an era... and an ego - không phải ngẫu nhiên mà tờ Daily Mail lại tiễn đưa Mourinho bằng một cái tít như vậy - Sự chấm dứt của một thời kỳ và của một... cá tính. Đúng như vậy, Chelsea của Mourinho (chứ không phải của Abramovich) là một Chelsea thành công nhất, cũng có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử 100 năm tồn tại của đội bóng này.

3 năm của Mourinho là 3 năm đầy chiến thắng. 2 chức vô địch giải Ngoại hạng, 2 Carling Cup, 1 Cúp FA, 1 Cúp Community Shield. Thậm chí mùa giải 2006/2007 được xem là tồi tệ vừa qua, Mourinho cũng đã giành được 2 danh hiệu không tồi là Carling Cup và Cúp FA.

  Như vậy, chỉ trong 3 năm ngắn ngủi đó, Mourinho đã giành được nhiều danh hiệu còn hơn cả 99 năm tồn tại trước đó của Chelsea gộp lại. Và dẫu cho Champions League vẫn đang là một sự nuối tiếc lớn nhưng bảng thành tích dẫn dắt Chelsea lọt vào đến 2 trận bán kết trong 3 màu giải vừa qua cũng cho thấy được khả năng của HLV này.

Người ta có thể cho rằng sở dĩ Mourinho thành công được như vậy là nhờ tiền của Roman Abramovich, nhưng liệu có cần phải nhắc lại xem Ranieri đã làm được gì trong điều kiện tương tự như Mourinho, rằng Massimo Moratti của Inter thậm chí còn tiêu số tiền nhiều gấp đôi so với Abramovich (gần 1 tỷ euro trong hơn 10 năm qua) nhưng mãi đến năm ngoái, Inter Milan mới có được scudetto đầu tiên...

Trận hòa với Rosenborg khiến cho Mourinho hết cửa

Nhưng những đóng góp của Special One cho Chelsea không chỉ nằm ở các danh hiệu. Với sự xuất hiện của Mourinho, lần đầu tiên, các cầu thủ Chelsea có được sự tự tin vào bản thân, giống như lời chào như... chửi vào mặt họ ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên vào một chiều hè năm 2004: "Tôi chỉ nhìn thấy trong mắt các cậu sự sợ hãi. Không tin vào chính bản thân mình thì làm sao các cậu có thể chiến thắng".

Không phải ngẫu nhiên mà với sự xuất hiện của Mourinho, Lampard và Terry đã tiếp tục phát triển để trở thành một trong những người xuất sắc nhất thế giới ở vị trí của mình, Didier Drogba cũng từ một chân sút vụng về trở thành tiền đạo sắc bén nhất châu Âu, giành Quả bóng vàng châu Phi từ tay kình địch Samuel Eto'o sau 3 năm tranh chấp.

  Quả thật, một Chelsea tự tin đã trở thành một Chelsea chinh phục. Tại Premier League, họ lật đổ cuộc chơi song mã của M.U và Arsenal, đẩy cả đôi xuống hàng thứ hai, biến giải Ngoại hạng thành một cuộc chơi đơn độc của chính mình.

Tại châu Âu, họ cũng khiến tất cả phải sợ hãi, và chỉ vì thiếu một chút duyên cũng như may mắn, Chelsea mới không đi đến tận cùng và giành chiến thắng ở đấu trường Champions League.

Bộ sậu lãnh đạo của Chelsea mất đi người đặc biệt

Mọi sự về Mourinho lẽ ra vẫn chưa có gì đặc biệt, nếu như bản thân con người HLV này không gây cả những cảm giác rất... mâu thuẫn khi cho những người xung quanh khi vừa yêu, vừa ghét, vừa thích thú, vừa sợ hãi, vừa cảm phục, vừa thấy... bực bội.

Ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Stamford Bridge, Mourinho đã phủ đầu các cầu thủ với một câu: "Tại Chelsea, tôi là người số 1, một người đặc biệt (chứ không phải không chủ Abramovich", còn báo chí Anh vớ được một danh hiệu lần đầu tiên xuất hiện: The Special One - nghe không khác gì cái tên Air Force One, Cadillac One, Marine One dành cho... Tổng thống Mỹ cả.

Dĩ nhiên, các cầu thủ của Chelsea rất thích thú với một HLV cá tính như vậy khi ông ta truyền được cảm hứng và khát vọng chiến thắng cho họ khi thi đấu, đồng thời, cũng làm cho họ sợ hãi vì tính kỷ luật và các yêu cầu khe khắt của chính mình.

  Với các đối thủ, phải đối đầu với Mourinho là một trải nghiệm không mấy hào hứng. Một bậc thầy về chiến tranh tâm lý như Alex Ferguson cũng đành bó tay với những đòn phép bên ngoài sân cỏ của tay HLV trẻ hơn mình đến hai chục tuổi này. Còn Wenger hay Benitez, chỉ cần diễn tả một cách đơn giản: họ luôn tức điên lên trước những lời bình luận của Mourinho, còn ngược lại, Mourinho cũng chỉ cười khẩy khi bị khiêu khích.

Thậm chí cái mồm độc địa của Mourinho cũng không tha cả các ông kẹ như LĐBĐ châu Âu (UEFA) hay LĐBĐ Anh (FA) bằng những lời công kích trực diện, không thèm che giấu.

Nhưng thế mới là Mourinho, mới là Special One. Nhưng cũng vì cá tính quá mạnh đó cũng khiến Mourinho sớm rời bỏ Chelsea, sớm hơn rất nhiều so với dự định trước đây, đặc biệt là khi mùa giải 2007/2008, mùa giải vốn được Mourinho kỳ vọng sẽ cùng Chelsea chinh phục Champions League, mới chỉ bắt đầu được 40 ngày.

Học trò cưng Lampard là người nhận được tin đầu tiên

Hãy quên đi những lời đe dọa từ chức trước đây của Mourinho, bởi đơn giản, đó chỉ là "bài" trong chiến lược đối phó lại sự can thiệp của ông chủ giàu có, Roman Abramovich vào công việc của mình, nhưng khi chuyện từ chức này xảy ra thật, thì đây là hệ quả cuối cùng của mối quan hệ đã đến mức không thể chịu đựng nổi giữa Mourinho với Abramovich.

Người ta tin rằng lý do dẫn đến cuộc chia tay kể trên là chuỗi thành tích tồi tệ thời gian vừa qua, đó là trận hòa 1-1 với Rosenborg, Blackburn, thất bại trước Aston Villa. Nhưng liệu đó có phải là lý do thực sự khi mùa giải mới chỉ vừa bắt đầu, Chelsea vẫn chỉ kém đội đầu bảng tại giải Ngoại hạng, Arsenal có 2 điểm, còn vòng bảng Champions League vẫn còn tới 7 trận đấu nữa kia mà!

 Trước tiên, Abramovich đã không còn thích một HLV biết cách chiến thắng nhưng lại quá cứng đầu và không thể kiểm soát nổi như Mourinho. Trong mắt tỷ phú người Nga, sự thất bại của Ballack và Shevchenko không phải là do họ kém tài năng hay không thể hòa nhập với bóng đá Anh, mà nằm ở chuyện Mourinho đã không biết cách sử dụng họ như thế nào. Rồi những rắc rối bên ngoài sân cỏ mà HLV này gây ra vì sự lắm lời của mình cũng đã khiến Abra cảm thấy hết sức chịu đựng.

Ở chiều ngược lại, Mourinho luôn ghét cảm giác bị kiềm chế hay kiểm soát. Ấy vậy mà những động thái trong 2 năm vừa qua vẫn cho thấy Abramovich đang làm điều đó một cách từ từ nhưng sắt đá.

Mourinho - Abramovich: Đường ai nấy đi

Frank Anersen xuất hiện và cướp mất quyền lực của Mourinho với hệ thống đào tạo trẻ và hoạt động chuyển nhượng. Thêm Avram Grant xuất hiện với chức danh Giám đốc Kỹ thuật lại càng khiến "không gian sinh tồn" của Mourinho thêm bức bối khi ông chỉ còn quyền kiểm soát duy nhất tại đội hình một của Chelsea.

Rồi những mệnh lệnh liên tiếp, từ... phải sử dụng Shevchenko, phải chơi thứ bóng đá đẹp mắt nhưng hiệu quả, phải giành chức vô địch Champions League... Có lẽ sự khó chịu từ việc bị can thiệp đã khiến Mourinho lựa chọn ra đi, chứ không phải sức ép giành chiến thắng hay các danh hiệu, điều mà Mourinho vốn rất quen thuộc, thậm chí là thích thú.

Sự ra đi của Mourinho cũng rất khác người: vẫn chưa có họp báo hay công bố, đơn giản chỉ với 5 tin nhắn SMS từ biệt dành cho Didier Drogba, Frank Lampard, John Terry, Petr Cech và Michael Essien, 5 cầu thủ Chelsea được Mourinho tin tưởng và đánh giá cao nhất.

Tất cả chỉ có thế, vẫn chưa rõ là Mourinho bị sa thải (đồng nghĩa với việc ông được hưởng 20 triệu bảng tiền bồi thường hợp đồng) hay là tự nguyện ra đi. 

Một giai đoạn trong lịch sử của Chelsea đã qua cùng với cuộc chia tay của Mourinho, nhưng những gì mà HLV này nói và làm trong quãng thời gian hơn 3 năm vừa qua thực sự sẽ để lại những dấu ấn không thể quên tại sân Stamford Bridge, điều đồng nghĩa với áp lực không nhỏ dành cho người nào chấp nhận ngồi vào chiếc ghế nóng mà Mourinho để lại.

Avram Grant (phải) sẽ tạm thời dẫn dắt Chelsea

Tiền của Abramovich, thực lực của Chelsea, khát vọng chinh phục của The Blue, chừng đó thứ gộp lại chắc chắn sẽ đem về cho Chelsea một cái tên danh tiếng trong hàng loạt cái tên đang được đồn đại là đang trong giai đoạn đàm phán với Peter Kenyon.

Bộ đôi người Ý, Marcello Lippi và Fabio Capello đang được chú ý nhất, không chỉ vì tài năng của họ đã được khẳng định mà còn bởi vì cả hai đều đang... thất nghiệp. Một ứng cử viên cũng sáng giá không kém là Juande Ramos của Seville, người được cho rằng đã từ chối Tottenham để chờ đợi một cơ hội lớn hơn, có thể là từ Chelsea chăng.

Trong vòng một tuần nữa, chiếc ghế của Mourinho sẽ có người tiếp quản, nhưng sự trống vắng chắc sẽ tồn tại còn lâu. Các CĐV Chelsea sẽ nhớ, các cầu thủ Chelsea cũng sẽ nhớ.

Và có lẽ cả Alex Ferguson của M.U cũng sẽ nhớ người đồng nghiệp trẻ tuổi nhưng đã khiến ông bạc đầu thời gian vừa qua khi M.U và Chelsea chạm trán cuối tuần này.

  • Theo VTC

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X