(Bongda24h) - Binh đoàn "Quỷ đỏ" dưới sự dẫn dắt của "Cáo già" Alex Ferguson đã bước vào mùa giải 2009-2010 với tham vọng lập nên kỳ tích 4 lần liên tiếp vô địch nước Anh (chưa từng có một đội bóng nào làm được điều này), qua đó vượt lên trên Liverpool để trở thành CLB vô địch quốc gia nhiều lần nhất (19 danh hiệu). Thế nhưng, cái giấc mơ đó đã tan thành mây khói và MU đành ngậm ngùi nhìn đối thủ lớn nhất ở đảo quốc sương mù trong hơn 6 năm qua, Chelsea đăng quang thuyết phục. Liệu rằng thất bại này đã được báo trước ngay từ đầu mùa giải hay MU đã gục ngã ở những thời khắc quyết định. Hãy cùng phân tích 10 nguyên nhân chính dẫn tới sự thua cuộc của thày trò Sir Alex trong mùa bóng vừa qua.
>>> MU bị hạ bệ, CĐV giận dữ biểu tình
>>> Giải mã ngôi Vương của Chelsea: 10 nhân tố quyết định
>>> Sir Alex chúc mừng đối thủ, tự tin về thực lực của MU
1. Dimitar Berbatov
Kể từ khi tới sân Old Trafford với bản hợp đồng trị giá hơn 30 triệu bảng vào năm 2008, những gì Berbatov để lại chỉ nỗi thất vọng lớn lao và chưa có hồi kết. Chân sút "Hoa hồng" đã đánh mất đi bản năng sát thủ của mình và thường xuyên thể hiện sự vô duyên trước khung thành đối phương. Mỗi lần được thi đấu, tối thiểu Berbatov phải bỏ lỡ từ 2-3 cơ hôi ngon ăn. Sự kiên nhẫn của ông già Ferguson cùng các CĐV cũng đã đi đến giới hạn cuối cùng bởi chưa bao giờ anh đáp ứng được kỳ vọng dù đã chơi ở đây 2 năm trời. Khi Rooney chấn thương, Berbatov thừa hiểu trọng trách lớn lao của mình nhưng rốt cục, anh vẫn chơi tồi như thế và chả có chút tiến bộ nào. Cánh cửa ra đi đã vô cùng rộng mở với Berbatov.Berbatov: Nỗi thất vọng vô bờ bến
2. Hàng thủ khủng hoảng vì chấn thương
Trong vài năm qua, sự chắc chắn của hàng phòng ngự chính là điểm tựa vững chắc để MU vươn tới thành công với 3 chức vô địch Premier League liên tiếp và 1 cúp Champions League. Thế nhưng, bước sang mùa giải này, hàng thủ thép đó đã suy yếu đi rất nhiều. Nguyên nhân: sự hoành hành của nạn chấn thương bên cạnh thực tế không thể phủ nhận: phong độ giảm xuống rất nhiều (cũng có thể do chấn thương chăng?). Cặp trung vệ một thời đứng đầu nước Anh và châu Âu, Vidic - Ferdinand thường xuyên vắng mặt do sức khoẻ không đảm bảo, lúc thì một người, lúc thì cả hai. Cầu thủ đa năng John O'Shea và hậu vệ phải Wes Brown cũng chỉ ra sân chưa đến 20 trận. Tài năng trẻ Rafael cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có những thời điểm, Sir Alex không lấy đâu ra đủ người để lắp ghép vào hàng phòng ngự. Do vậy, không khó để lý giải tại sao MU lại thua tới 7 trận mùa này.
3. Michael Owen
Lúc MU chiêu mộ "hàng sắp hết date" Michael Owen, nhiều chuyên gia đã tỏ ra nghi ngại về khả năng thành công của tiền đạo người Anh, nhất là khi Owen thường gặp vấn đề liên quan đến thể lực. Vài người lạc quan hơn thì cho rằng lớ ngớ MU sẽ lãi to khi không tốn một xu mà có được một "siêu dự bị" cho Rooney và Berbatov. Dĩ nhiên, xét về tài năng, trình độ và kinh nghiệm thì Owen có thừa nhưng nó chỉ được phát huy khi anh khoẻ mạnh. Đằng này, Owen chỉ đủ sức le lói trong vài trận đấu, trong đó ấn tượng nhất là bàn thắng quyết định vào lưới đội bóng cùng thành phố Man City vào những phút bù giờ và rồi chính thức tắt hẳn kể từ tháng 2. Bây giờ, "thương binh" Owen vẫn đang năm trong diện "chăm sóc đặc biệt" của MU.
4. Carlos Tevez
Không thèm níu kéo "Vua sư tử" ở lại Old Trafford có lẽ là quyết định sai lầm nhất của Alex Ferguson. Chỉ vì chút tiền chuyển nhượng mà MU đã mất đi một tay săn bàn vô cùng lợi hại. Ở Tevez không chỉ có bản năng sát thủ mà còn cả tinh thần thi đấu máu lửa. Tevez luôn ra sân như một chiến binh thực thụ nên việc anh không thể trở thành một kẻ thất bại nữa khi dám rời bỏ MU nằm trong dự liệu của nhiều người. Tại Man City, tiền đạo người Argentina dễ dàng trở thành chân sút số 1 đội bóng với 29 bàn thắng (23 bàn ở Premier League, kém Rooney có 3 bàn). Không hiểu đến lúc này, Sir Alex có còn mạnh dạn tuyên bố "không hối tiếc khi bán Tevez" khi anh được đánh giá là bản hợp đồng thành công nhất giải Ngoại hạng mùa này.Không giữ chân Tevez là một sai lầm lớn
5. Sự phụ thuộc vào Wayne Rooney
Trong một đội bóng, luôn cần tồn tại một hoặc vài ngôi sao sáng nhất, có phong độ vượt trội so với phần còn lại để làm đầu tàu đưa cả đội đi lên. Tuy nhiên, song song với đó, các đội sẽ phải đứng trước tình huống "quá phụ thuộc vào một cá nhân" mà nếu không giải quyết được, khó lòng vươn tới thành công. Và MU luôn loay hoay với bài toán này. Khi Ronaldo còn thi đấu cho MU, họ không tìm ra cách "sống mà thiếu CR9" và khi Ronaldo ra đi, họ lại phải đối mặt với mối lo mới "thi đấu ra sao nếu thiếu Wayne Rooney". Việc Rooney vụt sáng trở thành ngôi sao của cả đội là một điều mừng cho "Quỷ đỏ" thành Manchester nhưng R10 lấy đâu ra sức mà thi đấu liên tục hết trận này đến trận khác. Không có Rooney đồng nghĩa MU giảm đi hơn 60% sức mạnh vì tầm ảnh hưởng quá lớn của anh. Không chỉ biết ghi bàn như một trung phong cắm, Rooney còn tích cực tham gia vào xây dựng lối chơi chung của toàn đội. Ngay cả khi không đảm bảo điều kiện sức khoẻ, Rooney vẫn phải ra sân, minh chứng hùng hồn cho sự quá phụ thuộc của MU vào một cá nhân kiệt xuất. Không có anh, MU đã thua Chelsea và hoà Blackburn trong tháng 4, 2 trận đấu đóng vai trò then chốt trong tham vọng vô địch, theo như chính lời thừa nhận của "Ngài máy sấy".
6. Sự ra đi của Cristiano Ronaldo
MU được cả đống tiền sau khi bán Ronaldo cho Real Madrid với bản hợp đồng kỷ lục 80 triệu bảng nhưng đổi lại, MU mất không ít. Ronaldo ra đi khi tuổi đời vẫn còn trẻ và lại đang trong thời kỳ phong độ đỉnh cao nên MU không thể dối lòng mình rằng họ không nhớ tiền vệ người Bồ Đào Nha. Biết làm sao được khi khó có thể cưỡng lại sức mạnh của đồng tiền cũng như bản thân Ronaldo cũng muốn tìm kiếm thử thách mới sau khi đã giành mọi danh hiệu cùng đội bóng thành Manchester. Nếu còn Ronaldo, rõ ràng, MU sẽ được đánh giá cao hơn một bậc so với những đối thủ cạnh tranh. Gương mặt thay thế Valencia hay Nani tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng còn lâu mới đạt đến tầm cỡ như CR9. Ở Real, Ronaldo vẫn xuất sắc như ngày nào, thậm chí còn hoàn thiện hơn và cuối cùng chỉ có MU là phải tiếc nuối với vụ "áp-phe" này.
7. Lực lượng kế cận
Tại "Nhà hát của những giấc mơ", những cận vệ già tận tuỵ như Gary Neville, Paul Scholes hay Ryan Giggs vẫn còn khối đất sống. Không phải thể lực của họ được duy trì quá tốt ở cái tuổi trên 35 mà bởi MU không thể tìm ra những gương mặt trẻ trung hơn, đủ sức thay thế họ. Bên cạnh vấn đề chấn thương thì phải công nhận, đội ngũ kế cận của "Quỷ đỏ" chưa thật sự trưởng thành. May ra chỉ có Jonny Evans hay Rafael Da Silva đủ sức chen chân vào đội hình chính thức trong một vài năm tới còn những Macheda, Wellbeck, Fabio, Obertan, Diouf chưa biết đến bao giờ. Đúng là họ có dấu hiệu chững lại nhưng công tâm mà xét, Sir Alex không dám đặt trọn niềm tin vào những con người này. Với việc gia hạn hợp đồng với Neville, Giggs, hay Scholes, chẳng hiểu đến khi nào MU mới trẻ hoá được đội hình và không còn là "đại gia có tuổi đời trung bình cao nhất" giải Ngoại hạng.
8. Owen HargreavesNếu có "ông chủ" Hargreaves, mọi chuyện có thể sẽ khác
Fletcher có mùa giải ấn tượng và lọt vào đội hình tiêu biểu của Premier League, lão tướng Scholes cũng đã nỗ lực hết mình tuy nhiên hàng tiền vệ của nhà cựu vô địch lẽ ra còn mạnh hơn nhiều nếu như Owen Hargreaves không suốt ngày làm bạn với giường bệnh. Hargreaves được coi là cầu thủ có óc tổ chức nhất của MU, với khả năng đọc trận đấu, cầm chịch và kiến tạo lối chơi cũng như những đường chuyền sắc sảo. Cả 3 đại gia còn lại đều sở hữu những bộ não thiên tài trong đấu pháp (Lampard, Fabregas, Gerrard). MU cũng có một người như vậy, tiếc là mùa này anh chỉ ra sân thi đấu đúng 1 phút duy nhất. Có lẽ đây cũng là vị trí mà Sir Alex cần lưu tâm đến trong kỳ chuyển nhượng tới.
9. Thua Chelsea trong cả 2 trận đối đầu
MU kết thúc mùa giải với 1 điểm ít hơn Chelsea chính vì thế nhiều CĐV "Quỷ đỏ" cho rằng chỉ cần không thua đối thủ này trong một trận đối đầu thôi, MU đã vô địch. Và trọng tài chính là đối tượng bị họ nhắm đến nhiều nhất với lý lẽ các ông vua áo đen đã thiên vị The Blues. Ở trận lượt đi tại Stamford Bridge, Terry đã ghi bàn duy nhất khi Drogba ở thế việt vị. Sang trận lượt về ở Old Trafford, Drogba nâng tỷ số lên 2-0 dù trước đó, anh nhận bóng khi đã dứng dưới cầu thủ cuối cùng của MU. Tạm gạt sang một bên những pha bóng tranh cãi đó và sẽ chẳng có toà án nào phán xét "đúng - sai" (và dù thế nào, sai lầm của trọng tài cũng là một phần không thể thiếu của môn Thể thao Vua. Thêm nữa ở trận lượt về, có thể bàn thắng của Drogba là không hợp lệ thì pha ghi bàn bằng tay của Macheda liệu có xứng đáng) thì rõ ràng, MU đã không còn chơi tốt trước Chelsea như mùa giải trước. Năm ngoái, họ không thua đối thủ (1 hoà, 1 thắng với tỷ số cách biệt 3-0). Dẫu sao thua Chelsea cả 2 trận đối đầu cũng chỉ là một yếu tố nhỏ làm nên thất bại của MU chứ coi nó là nguyên nhân chính xem chừng quá phiến diện vì chức vô địch Premier League được quyết định trong 38 vòng đấu, đâu phải trong một hai trận như các giải theo thể thức knock-out.
10. Vở bi - hài kịch ở Anfield
Hồi tháng 2, Everton đã làm MU nhen nhóm hy vọng vô địch khi hạ gục Chelsea tại Goodison Park với tỷ số 3-1. Và đội bóng thành Manchester trông chờ Liverpool sẽ làm điều tương tự trước The Blues trên sân nhà Anfield ở vòng đấu áp chót dù chỉ là một kết quả hoà. Thế nhưng đội chủ nhà đã diễn không tròn vai khi thể hiện một tinh thần bạc nhược, buông xuôi và không có chút quyết tâm thi đấu nào. Chelsea không mấy khó khăn giành thắng lợi 2-0. Tình huống lý thú nhất của vở kịch chính là pha chuyền về ngớ ngẩn của Gerrard, biếu không cho Drogba bàn thắng mở tỷ số. Sau khi bị dẫn trước, Liverpool cũng chẳng buồn quan tâm và vẫn chơi hết sức rệu rã. Nếu "Lữ đoàn đỏ" thể hiện một hình ảnh khác, ít ra đúng với đẳng cấp của họ, biết đâu đấy MU đã là những nhà vô địch
Bảo Phương