Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Mất mát lớn nhất của M.U không phải Alex Ferguson

Thứ Ba 30/07/2013 11:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nói như thế không phải là phủ nhận vai trò của Ferguson. Nhưng nếu xét một cách toàn diện, M.U cuối mùa giải vừa qua còn có một sự mất mát đáng ngại hơn nhiều so với việc HLV 26 năm qua của họ nghỉ hưu.

Mùa Hè vừa qua, sân Old Trafford chứng kiến 3 sự mất mát lớn, liên quan tới 3 mảng quan trọng nhất của đội bóng. Trên băng ghế HLV, Sir Alex bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu, kết thúc triều đại thành công kéo dài hơn một phần tư thế kỷ. Trên sân cỏ, Paul Scholes quyết định “chính thức”giải nghệ, và lần này chắc chắn sẽ không có chuyện tái xuất như lần trước (anh thậm chí còn từ chối lời mời làm HLV, với lý do muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình). Và thay đổi cuối cùng, có thể không được các CĐV nói đến nhiều nhưng cũng vô cùng quan trọng, xảy ra trong ban lãnh đạo. Đó là việc David Gill từ chức Giám đốc điều hành của đội bóng để chuyển lên làm phó Chủ tịch FA.

Gill và Ferguson từng là một cặp đôi hoàn hảo ở M.U
Gill và Ferguson từng là một cặp đôi hoàn hảo ở M.U

Đó đều là những mất mát không dễ gì bù đắp. Sir Alex, Paul Scholes và David Gill quan trọng đến thế nào với M.U thì tất cả các CĐV của “Quỷ đỏ” đều biết. Tuy nhiên, với sự tôn trọng cao nhất dành cho những người có liên quan, những sự thay đổi liên quan tới Sir Alex và Paul Scholes là những sự thay đổi thuần chuyên môn, trong khi sự thay đổi liên quan tới Gill lại là sự thay đổi về mặt hoạch định chiến lược. Bạn có thể mất một vài năm, thậm chí 5 năm, để sửa chữa một sai lầm về mặt chuyên môn. Nhưng nếu bạn phạm phải một sai lầm về mặt chiến lược, đội bóng có thể rơi vào tình trạng lao dốc, và không bao giờ có thể quay đầu về điểm cũ được nữa.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên M.U chứng kiến một sự thay đổi lớn liên quan tới vị trí điều hành. Hồi 2003, khi Abramovich tiếp quản Chelsea, ông đã lôi kéo thành công Giám đốc điều hành của M.U lúc ấy là Peter Kenyon về Stamford Bridge. Thời điểm đó, Kenyon thực sự như một “ngôi sao” ở M.U, với những kế hoạch to lớn làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt M.U cả về phương diện thể thao lẫn tài chính. Việc để mất Kenyon, do đó, khiến các CĐV “Quỷ đỏ” thực sự lo lắng. Nhưng rất may, M.U đã tìm được người thay thế xứng đáng. Người đó, như chúng ta đã biết, chính là David Gill, vốn là giám đốc tài chính của đội bóng trong thời gian Kenyon còn là Giám đốc điều hành.

Tuy nhiên, giữa hai lần thay đổi Giám đốc điều hành của M.U nói trên có những sự khác biệt to lớn. Khác biệt lớn nhất chính là sự có mặt của Sir Alex Ferguson. Vị HLV người Scotland chính là người đảm bảo tính liên tục về mặt thể thao giữa hai đời Giám đốc điều hành; một khi ông còn ngồi đó, vị Giám đốc điều hành mới có thể yên tâm rằng đội bóng vẫn tiếp tục thu về những thành công trên sân cỏ, cơ sở để ông ta theo đuổi những chiến lược về tài chính và thương hiệu. Khác biệt thứ hai liên quan tới chính nhân thân của vị Giám đốc điều hành mới. Gill là một người thân cận với Ferguson, và sau cùng đã chứng tỏ ông đủ tầm điều hành đội bóng. Vậy còn Ed Woodward?

Ed Woodward là một chuyên gia tài chính xuất sắc. Chính ông, khi còn là người của ngâng hàng JP Morgan, đã khuyên nhà Glazer mua lại M.U, đồng thời “đạo diễn” luôn khoản vay 500 triệu bảng cho tỷ phú người Mỹ thực hiện thương vụ đình đám này. Sau khi vụ tiếp quản thành công, Ed Woodward được nhà Glazer mời về làm phó cho Gill, và trong vai trò mới, ông tiếp tục có những thể hiện xuất sắc. Năm 2005, khi Woodward về Old Trafford, lợi nhuận từ quảng cáo của M.U “chỉ” là 48,7 triệu bảng. Năm ngoái, con số này là 117,6 triệu bảng. Chính Woodward là người đứng sau những phi vụ gây tiếng vang, như ký rồi hủy hợp đồng áo tập với DHL. Woodward cũng đạo diễn vụ ký hợp đồng tài trợ áo đấu với Chevrolet, thương vụ sẽ mang về cho M.U 51 triệu bảng mỗi năm từ 2014.

Nhưng Woodward không phải là một chuyên gia về thể thao. Thực tế thì ông không biết nhiều lắm về bóng đá. Từ năm ngoái, Woodward mới bắt đầu được Gill đưa đi cùng trong các đại hội cổ đông Premier League. Đó có thể xem là một phần trong quá trình chuyển giao, giúp Woodward bước đầu làm quen với cái gọi là chính trị bóng đá. Tất nhiên, ý định của M.U là thế, nhưng hiểu được tới đâu lại là vấn đề của Woodward. Nhưng qua những gì M.U đã thể hiện trên thị trường chuyển nhượng mùa Hè này, với những cú bắt hụt liên tiếp và những phát biểu hớ hênh, cũng như cách họ xử lý cuộc khủng hoảng Rooney, có vẻ như Woodward cần thêm nhiều thời gian hơn.

Vấn đề là bao lâu? Hãy nhớ rằng Arsenal bắt đầu gặp những rắc rối lớn, với những thất bại liên tiếp cả trên bàn đàm phám lẫn trên sân, từ khi “đầu não” David Dein rời đội bóng.

VIỆT CƯỜNG - BONGDAPLUS.VN
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X