Tối Chủ nhật vừa rồi ở vùng Đông bắc, trước khi Roberto Mancini lên chiếc xe buýt trở về Manchester, ông còn một cuộc điện thoại chưa gọi. Lần nào cũng vậy, sau mỗi trận đấu là ông lại bấm số gọi nhanh quốc tế, điểm đến của cuộc gọi là Abu Dhabi.
Khaldoon Al Mubarak, Chủ tịch Manchester City và là một trong những người quyền lực nhất trong nhóm cố vấn của ông chủ Sheik Mansour, muốn được cập nhật thông tin về đội bóng trong những ngày diễn ra trận đấu và cuộc gọi mỗi cuối tuần đã trở thành thông lệ với Mancini.
Người tiền nhiệm của ông, Mark Hughes, từng được khuyến khích làm điều đó, nhưng thỉnh thoảng ông mới gọi và Hughes thường xuyên bỏ qua nghi thức tưởng chừng đơn giản, nhưng lại trở nên rất quan trọng với Man xanh thời Mancini.
Trong một tiết lộ mới tuần trước, một tuyển thủ Anh trong đội hình Man City đã bình luận về HLV người Italia khi được hỏi về tính cách của ông: “Tôi không biết. Tôi mới nói chuyện với ông ấy được năm lần”. Đây không phải là lần đầu tiên có một cầu thủ ở Etihad bày tỏ về sự kém gần gũi của Mancini với những người cấp dưới. Wayne Bridge đã bị đẩy sang Sunderland chính vì lời than phiền tương tự, rằng Mancini lạnh nhạt và bỏ bê cầu thủ.
Cứ thân với chủ là đủ
Tuy nhiên, những ý kiến đó sẽ không có nhiều ý nghĩa chừng nào cựu HLV Inter vẫn còn giữ được những nhân vật quan trọng nhất ở đội bóng bên phe mình: các ông chủ. Mối quan hệ cá nhân thân tình giữa ông và Khaldoon là nền tảng giúp Mancini vẫn trụ lại được ở Etihad, bên cạnh các kết quả, trong bối cảnh mà phương pháp của ông ở Man City bị không ít người nghi ngờ.
Mancini (phải) được lòng sếp
Tất nhiên, những tiến bộ mà đội bóng áo xanh đạt được hai mùa rưỡi vừa qua dưới thời chiến lược gia Italia là không thể phủ nhận, nhưng những mâu thuẫn và xung đột giữa các cầu thủ, ban huấn luyện và ông chủ không phải là không có. Chỉ có điều với Khaldoon, Mancini hiếm khi nào để quan hệ xấu đi.
“Roberto có thể tức giận với bất cứ ai vì bất cứ chuyện gì”, một nguồn tin bên trong CLB nói. “Ông ấy rất nóng tính, nhưng có một người ông ấy không bao giờ chỉ trích, là Khaldoon. Thậm chí sau thất bại trước Arsenal, Roberto vẫn rất bình tĩnh. Ông không bao giờ cảm thấy áp lực từ Khaldoon. Quan hệ của họ là theo kiểu nếu Khaldoon quyết định đã đủ, thì Roberto sẽ ra đi mà không hề thấy khó chịu. Tình bạn của họ là như thế”.
Hughes thì không được như thế, bởi một lý do quan trọng, ông không phải là người Khaldoon đưa về. Mancini, trái lại, là người của Khaldoon ngay từ đầu. Ngài chủ tịch đã đề nghị với ông chủ, trực tiếp thương lượng với Mancini và đi đi về về giữa Milan và London nhiều tuần trước khi Hughes bị sa thải. Tất cả những điều đó đảm bảo cho HLV người Italia một kế hoạch dài hạn tại Etihad.
Hơn thế nữa, cam kết từ Khaldoon giúp Mancini mạnh tay hơn trong những vụ việc gây nhiều tranh cãi với các ngôi sao bất trị như Carlos Tevez hay Mario Balotelli. Với trường hợp Tevez, từ đầu đến cuối, bất chấp sự thay đổi quan điểm của Mancini, ông vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ ban lãnh đạo. Còn với Balotelli, một cầu thủ do chính ông đưa về nhưng suýt nữa đã làm tiêu tan giấc mơ vô địch, Mancini cũng không phải nhận một lời trách móc nào.
Trước đó nữa, sự ủng hộ của Khaldoon giúp HLV người Italia dám dứt khoát hơn trong những vấn đề nhân sự, với Robinho, Craig Bellamy rồi Emmanuel Adebayor, tất cả đều là những cá tính rất khó chịu, nhưng đều là những người Mancini không muốn và cần sự đồng ý của ban lãnh đạo nếu muốn thanh lý họ, bởi các ông chủ A-rập đã phải bỏ ra không ít tiền cho cả chi phí chuyển nhượng và lương để đưa bộ ba đó về.
Chủ nhật này ở Etihad, Mancini sẽ không phải thực hiện cuộc gọi thông thường của ông sau mỗi trận đấu nữa, bởi lẽ Khaldoon sẽ có mặt và nhiều khả năng, đặt tay lên chiếc cúp Premier League đầu tiên của Man City dưới thời đại mới, không đầy 4 năm sau khi mua lại CLB.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)