Không Bryan Robson, M.U vẫn thành công. Không Eric Cantona, M.U vẫn lên đỉnh. Không Roy Keane, M.U vẫn vĩ đại. Ở Old Trafford, hiện chỉ có hai người không thể thay thế. Thứ nhất là Sir Alex Ferguson. Thứ hai là Ryan Giggs. Ơn Chúa, họ vẫn chưa muốn dừng lại.
Kết quả hai cuộc bầu chọn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mùa đều gây tranh cãi. Gareth Bale được các đồng nghiệp tôn vinh. Scott Parker được các nhà báo đánh giá cao nhất. Giai đoạn hai của mùa giải, dấu ấn mà Bale để lại rất mờ nhạt và Tottenham của anh gần như không thể giành vé dự Champions League mùa tới. West Ham của Parker đang đứng bét bảng và xuống hạng đến nơi. Nếu danh hiệu cá nhân gắn liền với thành tích tập thể, theo nhiều cây bút uy tín ở Anh, Giggs xứng đáng đoạt cú đúp giải thưởng ấy. Đơn giản vì Giggs đã giúp M.U thi đấu thành công ở Premier League lẫn Champions League. Đơn giản vì những trận đấu vắng Giggs, M.U trông rất tầm thường.
Ở Premier League, M.U đã bị Chelsea rút gắn khoảng cách xuống còn 3 điểm sau thất bại 0-1 ở Arsenal. Dù không phủ nhận đẳng cấp và trình độ của Arsenal, nhưng bộ mặt bạc nhược mà M.U thể hiện ở Emirates đã tạo ra không ít bất ngờ khi Quỷ đỏ đã chơi thăng hoa ở Schalke vài ngày trước đó. Đâu là sự khác biệt? Trận thắng Schalke có Giggs, tác giả của bàn mở tỷ số và chơi cực hay. Trận thua Arsenal, Giggs không có tên vì được cho nghỉ dưỡng sức.
Ryan Giggs càng già càng hay
Đó không phải là lần duy nhất cho thấy sự khác biệt lớn giữa M.U-có-Giggs và M.U-không-Giggs. Thất bại trước đó của M.U là ở bán kết Cúp FA khi để thua đội bóng láng giềng Man City 0-1 tại Wembley, vỡ mộng tái hiện kỳ tích "ăn ba" của năm 1999. Giggs, từng ghi một tuyệt tác vào lưới Arsenal ở bán kết Cúp FA năm 1999, đã không có mặt ở Wembley cũng với lý do nghỉ dưỡng sức. Quan điểm của Sir Alex là chỉ dùng Giggs 1 trận/tuần. 4 ngày trước trận derby với Man City, Giggs từng đá trọn 90 phút trận gặp Chelsea ở tứ kết lượt về Champions League. Hai bàn thắng của M.U trận ấy đều đến từ những đường kiến tạo của Giggs!
Giggs thuộc thế hệ vàng đầu tiên dưới thời Sir Alex, thế hệ của Bryan Robson, Eric Cantona. Thế hệ vàng thứ hai, thế hệ của Beckham, anh là trụ cột. Thế hệ thứ ba với Ronaldo, anh vẫn có mặt. Và bây giờ, người ta đang nói đến thế hệ thứ tư với Chicharito, anh em nhà Rafael. Dấu ấn của Giggs ở thế hệ mới này càng đậm nét. Sir Alex vẫn chưa thể tìm người thay thế anh, chỉ xét ở khía cạnh chuyên môn đơn thuần. Nếu cần Giggs đá cánh trái, Sir Alex sẵn sàng đẩy Nani lên băng ghế dự bị. Nếu Giggs đá tiền vệ trung tâm, những tài năng trẻ như Anderson, Gibson hay người cùng lứa như Scholes phải dự bị.
Tháng 11 tới đây, Giggs sẽ tròn 38 tuổi. Sau khi gia hạn hợp đồng thêm 1 năm, Giggs có thể đá cho M.U tới lúc gần 39 tuổi. Anh sẽ dừng chân tại đó? Theo lời của Sir Alex thì... không nên: "Nếu không gặp vấn đề với chấn thương, cậu ấy có thể chơi bóng đỉnh cao thêm 4, 5 năm nữa!". Nếu điều đó trở thành sự thực, Giggs vẫn ra sân trong màu áo M.U khi đã 42 hoặc 43 tuổi.
Trận ra mắt của Giggs ở đội 1 M.U là năm 1991. Hai mươi năm đã trôi qua với 873 trận, và Giggs đang nắm giữ kỷ lục về số trận khoác áo M.U. Đá thêm vài năm như lời của Sir Alex, anh có thể chinh phục cột mốc 1.000 trận. Nếu không tính thủ môn, trong lịch sử bóng đá Anh, chỉ có hai người trong "CLB 1.000 trận". Đầu tiên là Tony Ford, chơi cho các CLB nhỏ bé hoặc ít tên tuổi như Grimsby Town, Stoke, Mansfield Town... những năm 70, 80 và 90. Tháng trước là Graham Alexander của Burnley, vốn sắp tròn 40 tuổi.
Thực ra, Giggs chưa bao giờ đề ra kỷ lục này, kỷ lục nọ. Những kỷ lục đã đến với anh tự nhiên như hơi thở, như là phần thưởng xứng đáng sau những gì anh đã cống hiến. Anh sẽ không mơ về 4, 5 đỉnh cao như lời Sir Alex. Sau mỗi trận đấu, anh chỉ nghĩ đến trận đấu kế tiếp. Và khi ra sân, anh cống hiến hết mình, đá hết mình vì chiến thắng của đội bóng mà thôi...
Vì sao Giggs "trẻ mãi không già"?
"Vì sao", "Nhờ đâu", "Bí quyết"... đó là những từ không thể thiếu trong các bài phỏng vấn với Ryan Giggs. Đơn giản vì sự "trường tồn" của Giggs vẫn là điều hy hữu. Đơn giản vì mọi cầu thủ đều mơ về một sự nghiệp như Giggs.
Đầu tiên và được quan tâm nhất là vấn đề thể lực. Không phải cứ trẻ là khỏe còn già thì yếu. Anderson mới 23 tuổi, nhưng trận nào cũng chỉ được đá 60, 70 phút vì không đủ thể lực. 11 trận đây đá chính, Giggs đều chơi đủ 90 phút. Tầm tuổi Giggs, nếu xét về độ bền, trên thế giới hiện tại chỉ mình Javier Zanetti của Inter (cũng sinh năm 73) có thể sánh ngang.
Nhờ đâu Giggs có thể chạy suốt trận như thế ở giải đấu đòi hỏi yếu tố thể lực cao nhất thế giới? Giggs nhiều lần nói rằng đó là nhờ yoga, dưới sự hướng dẫn của một nữ giáo sư trong lĩnh vực này là Sarah Ramsden. Những người tập yoga luôn cần một cuộc sống chừng mực. Bước ngoặt khiến Giggs hướng về cuộc sống như thế chính là chấn thương gân khoeo trước trận gặp Bayern Munich trước kia. "Đáng lẽ tôi phải đá trận ấy. HLV nói rằng tôi sẽ thi đấu. Nhưng một ngày trước trận, tôi gặp vấn đề gân kheo trên sân tập. Ngày đó tôi nghĩ rằng: "Mình phải làm điều gì đó. Mình phải ít uống rượu bia hơn, phải chăm lo chế độ ăn kiêng, phải là mọi thứ có thể, từ chăm lo giường ngủ cho đến xe hơi - làm mọi thứ để ngăn chặn điều này. Chấn thương gân kheo khiến tôi nghỉ thi đấu từ 10 đến 15 trận mỗi mùa và lúc bấy giờ tôi sắp đến tuổi 30". Khi giảng dạy về tầm quan trọng của cuộc sống bên ngoài sân cỏ, Sir Alex luôn lấy Giggs làm gương: "Giggs chưa bao giờ gặp vấn đề về cân nặng. Cậu ấy biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Để duy trì được thể lực như hiện tại, cậu ấy đã hi sinh rất nhiều".
Giggs tự chăm sóc mình bên ngoài sân cỏ. Còn Sir Alex "chăm sóc" anh trên sân đấu. Nếu không gặp phải vấn đề khủng hoảng lực lượng, Giggs hiếm khi đá chính 2 trận cách nhau 3 ngày. Còn bình thường, anh chơi 1 trận/tuần. Ở tuổi ngoài 37, anh cần nhiều thời gian để hồi sức. Để anh phải thi đấu trong tình trạng kiệt sức là rất nguy hiểm, vì nó dễ dẫn đến chấn thương. Luống tuổi như thế mà dính chấn thương thì dễ phải nghỉ thi đấu rất lâu. Thiếu Giggs thời gian dài là ảnh hưởng rất nặng nề đến thành tích của đội bóng.
Vì cần tuân thủ nguyên tắc này, Sir Alex sẵn sàng mạo hiểm kết quả đội bóng ở một vài trận đấu. Nhưng khi xét cả chặng đường dài, điều này có lợi cho đội bóng. Đó là lý do ông không dùng Giggs ở trận thua Man City bán kết Cúp FA và ở thất bại trước Arsenal vừa qua.
Duy trì được thể lực là một chuyện. Duy trì được phong độ suốt 2 thập kỷ là cực khó. Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là tài năng thiên bẩm của Giggs. Thứ hai là cách dùng của Sir Alex. Trước đây, Giggs nổi tiếng là tiền vệ trái xuất sắc bậc nhất thế giới. Nhưng bây giờ mà dùng anh cố định ở vị trí này thì không hiệu quả. Đánh cánh ở Premier League đòi hỏi yếu tố tốc độ. Giggs của tuổi 37 tất nhiên không thể chạy tốc độ ở quãng đường dài như Valencia ở hành lang bên kia. Sir Alex đã quyết định đẩy anh vào đá tiền vệ công. Ở vị trí này, anh đã chơi tuyệt hay. Anh có khả năng đi bóng kỹ thuật và tạo ra đột biến. Những đường chuyền nhạy cảm và tinh thế của anh có thể xuyên thủng hàng phòng ngự dày đặc của đối phương. 5/6 bàn thắng gần nhất của M.U tại Champions League có hình bóng của Giggs. Anh kiến thiết 4 bàn và tự mình ghi 1 bàn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)