Những tin tức về vụ chuyển nhượng Robin van Persie không đủ để làm nguôi đi sự lo lắng ở Old Trafford trước mùa giải mới.
Một đội bóng kinh doanh cực tốt, có thương hiệu mạnh. Nhưng giới chủ thì tham lam, keo kiệt và trục lợi. Trên thị trường chuyển nhượng thì rụt rè. Không có bản hợp đồng mua sắm nào đạt đến con số 20 triệu bảng, cho tới trước Van Persie. Các ngôi sao nói không vì chê lương thấp. Thi đấu bê bết ở đấu trường châu Âu và trắng tay ở các giải nội địa. Cổ động viên tỏ ra cực kỳ lo lắng trước tương lai mờ mịt của đội bóng.
Chúng ta đang nói về Arsenal? Không, đó là Manchester United, đội bóng vĩ đại nhất nước Anh trong kỷ nguyên Premier League.
Bốn mùa, chi 0,4 triệu bảng
Xin nhắc lại, là 0,4 triệu bảng, tức chưa đến nửa triệu, chứ không phải 4 triệu, 40 triệu hay 400 triệu bảng như Manchester City. Chưa tính thương vụ Van Persie, tính từ mùa hè 2009 khi họ phải bán đi Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với giá kỷ lục 80 triệu bảng, tổng số tiền mà Manchester United đã chi ra trên thị trường chuyển nhượng chỉ vỏn vẹn 0,4 triệu bảng. Cụ thể: Trong bốn kỳ chuyển nhượng hè-đông gần đây, Manchester United đã thu về 118,8 triệu bảng từ hoạt động bán cầu thủ trong khi chi ra 119,2 triệu bảng để bổ sung lực lượng, tính cả hai chữ ký mới là Shinji Kagawa và Nick Powell.Đội bóng áo đỏ đang sống dựa vào tài năng của Alex Ferguson
So sánh với Arsenal thì chẳng khác mấy. Cùng thời gian, Arsenal đã kiếm được 124,1 triệu bảng khi bán những Emmanuel Adebayor, Kolo Toure, Cesc Fabregas, Samir Nasri... và tiêu 121,65 triệu bảng để đưa về sân Emirates những người mới, bao gồm cả bộ ba trên hàng công ở mùa hè này là Lukas Podolski, Olivier Giroud và Santi Cazorla. Arsenal lãi 2,45 triệu bảng, gần như tương đương với chênh lệnh mua - bán của Manchester United.
Arsenal thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” kể từ khi họ phải vay tiền để xây sân Emirates. Cũng chính từ đó, họ rơi dần, rơi dần trên bảng xếp hạng Premier League, từ đội bóng bất bại của mùa 2003-2004, giờ chỉ còn dám đặt mục tiêu giành vé dự Champions League.
Bước ngoặt của Manchester United đến từ cuộc thâu tóm của gia đình Glazer vào năm 2005. Rất đúng phong cách của giới doanh nhân lọc lõi Mỹ: toàn bộ số tiền mua Manchester United là từ vay mượn, sau đó bắt câu lạc bộ phải è cổ trả nợ, theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Với núi nợ đè lên Nhà hát của những giấc mơ, không có gì ngạc nhiên khi “đại gia” Manchester United chi tiêu như một “tiểu gia”.
Trước năm 2005, Manchester United thường xuyên thực hiện những vụ chuyển nhượng “bom tấn”. Mùa Hè 2001-2002, họ mua Juan Veron với giá 28,1 triệu bảng, Ruud van Nistelrooy với giá 19 triệu bảng. Một năm sau, đội bóng áo đỏ không ngập ngừng chi 27,55 triệu bảng để mua trung vệ Rio Ferdinand. Ngay trước khi người Mỹ tìm đến, Manchester United đã mua Wayne Rooney với giá 27 triệu bảng. Nhưng bảy năm dưới triều đại chủ Mỹ, Dimitar Berbatov (30,75 triệu bảng) là thương vụ duy nhất vượt quá cột mốc 20 triệu bảng, cho tới trước cuộc cò kè bớt một thêm hai để có Van Persie với giá 23 triệu bảng. Đau buồn thay, thương vụ “bom tấn” đích thực mà Manchester United thực hiện dưới thời Glazer lại chính là việc bán Ronaldo cho Real Madrid!
Khi các ngôi sao nói không
Như Liverpool của những năm 1970 và 1980, Manchester United từng mặc nhiên trở thành điểm đến của những cầu thủ xuất sắc nhất. Từ Eric Cantona đến Roy Keane. Từ Veron đến Ferdinand hay Rooney.
Còn hiện tại? Họ phần nào đã bị sốc khi bị một cầu thủ 19 tuổi người Brazil là Lucas Moura từ chối. Chín năm về trước, Manchester United từng rơi vào tình cảnh tương tự khi tiếp cận Ronaldinho. Nhưng thời điểm ấy, Ronaldinho đã là một cầu thủ có tên tuổi. Còn Lucas Moura chỉ mới ở dạng tiềm năng đúng nghĩa, chỉ là giải pháp dự bị ở đội Olympic Brazil và mới ghi vỏn vẹn một bàn ở đội tuyển quốc gia. Nếu là trước đây, nếu Manchester United đưa ra lời mời, có lẽ Lucas Moura sẽ lao đến ngay. Nhưng bây giờ, anh lắc đầu, quyết định chọn PSG. Lý do: PSG chấp nhận trả mức lương 250.000 euro mỗi tuần (gần 200.000 bảng), gấp bốn lần lời đề nghị từ Old Trafford. Số tiền mà PSG trả cho Santos cũng lên đến 35 triệu bảng, cao hơn hẳn cái giá 22 triệu bảng mà phía Manchester United đưa ra.
Sir Alex đã gọi thương vụ Lucas Moura là “điên rồ”. Nhưng đây không phải là thất bại đầu tiên của ông trên thị trường chuyển nhượng trong những năm gần đây. Họ đã không thể mua được những mục tiêu ưng ý là Luka Modric, Wesley Sneijder, Samir Nasri, Eden Hazard, David Villa, Karim Benzema... vì không dám mạnh tay trong vấn đề phí chuyển nhượng và trả lương cho các ngôi sao.
Một thập kỷ trước, số tiền gần 30 triệu bảng cho chữ ký của Rio Ferdinand đã bị xem là điên rồ. Nhưng chính bản hợp đồng điên rồ kiểu ấy đã tạo nên một đế chế thành công. Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao đội bóng áo đỏ có thể bán Ronaldo cho Real Madrid với giá “điên rồ” là 80 triệu bảng mà không chịu chi ra nửa số tiền ấy cho một ngôi sao? Câu trả lời nằm ở núi nợ của gia đình Glazer.
Bao giờ chảy máu nhân tài?
Khi tiềm lực tài chính không đủ mạnh để thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới, Arsenal đã áp dụng chính sách “20 triệu bảng”. Mọi chữ ký của họ đều từ 20 triệu bảng trở xuống. Với số tiền ấy, một thập kỷ về trước, họ có thể mua một cầu thủ chất lượng, ở độ tuổi đẹp. Nhưng bây giờ, Arsenal chỉ có ba giải pháp: hoặc những cầu thủ thuộc mức trung bình, hoặc các tài năng trẻ, hoặc những cầu thủ thành danh sắp hết hợp đồng với câu lạc bộ chủ quản.
Đó cũng là chính sách mà Manchester United theo đuổi những gần đây. Javier Hernandez, Phil Jones, Chris Smalling thuộc nhóm các tài năng trẻ. Ashley Young hay Robin van Persie thuộc nhóm còn lại, chỉ còn một năm hợp đồng khi họ tiếp cận. Tài năng của Shinji Kagawa chỉ được đánh giá mức trung bình khi sang Premier League mà thôi. Mua các ngôi sao trẻ chẳng khác gì canh bạc, mà thực tế Jones và Smalling chưa khẳng định được mình. Young hay Kagawa khó tiến lên đẳng cấp cao. Van Persie gặp vấn đề về tiền sử chấn thương, cũng là một canh bạc.
Chính sách mua cầu thủ của Manchester United hiện rất giống Arsenal. Sự khác biệt là đội bóng áo đỏ chưa đến mức rơi vào tình trạng hỗn loạn như Arsenal khi các trụ cột kéo nhau ra đi. Tất cả nhờ thành tích trên sân cỏ. Họ trắng tay ở mùa 2011-2012, nhưng những mùa trước đó, Manchester United đã gặt hái những thành công rực rỡ. Chính những chiếc cúp, điều mà Arsenal không có được, đã giúp Old Trafford giữ chân được các trụ cột.
Thực ra, đã xuất hiện những lời cảnh báo về nguy cơ chảy máu nhân tài. Ngôi sao lớn nhất của đội bóng, Wayne Rooney, từng nộp đơn đòi ra đi. Hay mùa hè này, tài năng trẻ đầy triển vọng Paul Pogba đã từ chối ký hợp đồng mới, chuyển đến Juventus vì đội bóng Ý chấp nhận trả lương cho anh cao gấp đôi. Trong tương lai gần, nếu Manchester United rơi vào cảnh trắng tay như Arsenal, khả năng các ngôi sao lớn đòi ra đi là rất cao. Ngày ấy cũng có thể là ngày chấm dứt sự thống trị của đội bóng áo đỏ ở nước Anh.
Mình Sir Alex liệu có đủ?
Nguyên nhân khác khiến Manchester United chưa chứng kiến thảm họa chảy máu nhân tài: không còn nhiều ngôi sao lớn trong đội hình. Khi thủ quân Nemanja Vidic gặp vấn đề về chấn thương, Rooney được xem là ngôi sao đẳng cấp thế giới duy nhất trong đội hình của Ferguson hiện tại. Những người còn lại khó có thể tìm được bến đỗ tốt hơn Old Trafford nếu chọn giải pháp ra đi khi mà tài năng của họ chưa đến tầm xuất sắc.
Thời hậu Ronaldo, với đội hình thưa thớt ngôi sao, Manchester United đã vô địch Premier League, lọt vào chung kết Champions League mùa 2010-2011. Mùa trước, họ chỉ mất ngai vàng Premier League vào tay Manchester City siêu giàu có ở những giây cuối cùng của mùa giải. Manchester United là thế, luôn thi đấu tốt hơn so với suy nghĩ, nhận định, đánh giá của mọi người về mình.
Chính tài năng của Alex Ferguson đã tạo nên sự khác biệt. Với quỹ chuyển nhượng gần như là con số không, với những cầu thủ không được đánh giá cao, với cơn bão chấn thương hoành hành, đội bóng của ông vẫn là ứng viên vô địch. Ở khía cạnh nào đó, có thể tin rằng Manchester United đang sống nhờ kinh nghiệm, tài năng của Sir Alex.
Như trường hợp của Arsenal, dưới sự dẫn dắt của Arsene Wenger, vẫn đều đặn giành vé dự Champions League dù liên tục bán đi các ngôi sao trụ cột. Nhưng những gì diễn ra cho thấy, Arsenal đang từng bước yếu dần trong những năm qua. Tài năng của Wenger không đủ để che lấp những điểm yếu, bù đắp cho chất lượng cầu thủ.
Điều tương tự có xảy ra với Manchester United và Sir Alex? Có thể, đội bóng áo đỏ vẫn cực kỳ đáng sợ khi Ferguson còn ngồi trên ghế huấn luyện viên. Nhưng khi ông rút lui, mà có lẽ tương lai không còn xa, Old Trafford có thể rơi vào tình cảnh như Emirates nếu không có sự thay đổi đáng kể về cách thức xây dựng đội bóng.
Chuyển nhượng M.U thời hậu Ronaldo Mùa 2009-2010 Bán: Cristiano Ronaldo (Real Madrid, 80 triệu bảng), Fraizer Campbell (Sunderland, 3,5), Lee Martin (Ipswich Town, 1,5), Danny Simpson (Newcastle, 0,5). Tổng: 85,5 triệu bảng. Mùa 2010-2011 Bán: Zoran Tosic (CSKA Moskva, 8), Ben Foster (Birmingham, 6), Craig Cathcart (Blackpool, 0,35), James Chester (Hull City, 0,3). Tổng: 13,65 triệu bảng Mùa 2011-12 Bán: Corry Evans (Hull City, 0,5), Joe Dudgeon (Hull City, 0,3), John O'Shea (Sunderland, 4,5), Wes Brown (Sunderland, 1,2), Gabriel Obertan (Newcastle, 3), Darron Gibson (Everton, 2), Daniel Drinkwater (Leicester, 0,75), Ravel Morrison (West Ham, 1), Mame Diouf (Hannover, 1,5). Tổng: 14,75 triệu bảng. Mùa 2012-13 Bán: Mathew James (Leicester City, 1), Ritchie De Laet (Leicester City, 1), Oliver Norwood (Huddersfield Town, 0,4), Park Ji-Sung (QPR, 2,5). Tổng: 4,9 triệu bảng Tổng bán: 118,8 triệu bảng. Tổng mua: 119,2. Chênh lệch: -0,4 triệu bảng. Chuyển nhượng của Arsenal 4 mùa qua (triệu bảng)
Chuyển nhượng của Man City thời chủ Ả rập (triệu bảng)
|
(Theo Thể Thao Văn Hóa)