Sir Alex đã đi vào lịch sử như là một HLV vĩ đại nhất của giải Ngoại hạng Anh nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Thậm chí những câu chuyện xoay quanh ông đã trở thành những giai thoại, những thuật ngữ mà người ta sẽ còn nhắc đến trong nhiều năm nữa. Một trong số đó là 'Fergie Time'...
Giai thoại 'Fergie Time'
Khi trên băng ghế huấn luyện của sân Old Trafford vẫn còn đó Sir Alex, Man United là đội bóng luôn khiến cho những đối thủ của họ phải lo sợ trong giai đoạn về cuối trận đấu. Trên sân, các cầu thủ Man United của Sir Alex luôn biết cách gây áp lực để khiến đối thủ phải mắc sai lầm. Còn ở ngoài sân, Sir Alex luôn biết cách làm thế nào để đội bóng của mình có được chút lợi thế (dù là ít ỏi) để có thể tìm được bàn thắng mang về những điểm số cần thiết. Vị chiến lược gia người Scotland đã làm điều đó như thế nào?
Đó gần như là một giai thoại. Thậm chí, tên của Sir Alex đã được sử dụng cho một thuật ngữ, đó là 'Fergie Time' (Fergie là tên gọi thân mật của cựu HLV Man United), thường dùng để chỉ khoảng thời gian bù giờ cuối trận, thời điểm mà đội bóng của Sir Alex hoàn toàn có thể tung ra những bàn thắng quyết định để kết liễu đối thủ. Sở dĩ nó gắn với Sir Alex Ferguson là bởi vì khi còn dẫn dắt đội bóng, ông vẫn thường xuyên gây sức ép lên trọng tài nhằm giúp cho đội bóng của mình được bù giờ nhiều nhất có thể. Thậm chí, người ta còn cho rằng dưới sức ép của 'Ông già gân', các trọng tài sẽ bù giờ cho United đến khi nào đội bóng này ghi được bàn thắng mới thôi. Có một thống kê từ năm 2006 đến 2009 chỉ ra rằng, khi Man United đang thắng trận, thì thời gian bù giờ trung bình của trận đấu đó chỉ là 191,35 giây/trận, thì khi đội bóng này thua, thời gian bù giờ trung bình lên tới 257,17 giây/trận.
Một ví dụ điển hình cho 'Fergie Time' là trận đấu giữa Manchester United và Manchester City ở mùa giải 2009/10. Khi đó Man United đang hòa 3-3 với đội bóng cùng thành phố, và thời gian bù giờ được các trọng tài đưa lên bảng hiển thị chỉ là 4 phút. Nhưng trên thực tế, các trọng tài đã cho đá thêm tới 6 phút sau khi thời gian chính thức kết thúc và chính ở phút 90+6, tiền đạo Michael Owen đã ghi bàn ấn định chiến thắng 4-3 cho đội chủ sân Old Trafford.
Vào tháng 05/2013, khi Sir Alex quyết định nghỉ hưu, một nhà hàng ở thành phố Manchester đã tri ân vị chiến lược gia người Scotland một cách rất độc đáo theo phong cách 'Fergie Time', đó là mở cửa thêm trong 5 phút so với giờ đóng cửa hàng ngày. Sau đó, 'Fergie Time' thậm chí còn xuất hiện trong những môn thể thao khác như quần vợt. Khi tay vợt người Anh Andy Murray đánh bại Fernando Verdasco tại Wimbledon sau 5 set, báo chí xứ sương mù cũng viết rằng Murray đã giành chiến thắng trong 'Fergie Time'.
'Fergie Time' báo hại Moyes
Thực ra, không phải lúc nào Man United cũng được hưởng lợi từ ' Fergie Time' khi Sir Alex còn tại vị. Ở mùa giải 2011/12, chính 'Fergie Time' đã giúp Manchester City đánh bại Queens Park Rangers một cách nghẹt thở để giữ vững vị trí đầu bảng bất chấp chiến thắng của Man United trước Sunderland ở vòng đấu cuối cùng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Man United luôn là đội bóng tận dụng Fergie Time tốt nhất và cũng là đội hưởng lợi từ Fergie Time nhiều nhất, khi họ vẫn còn Sir Alex.
Nhưng với David Moyes, đó có vẻ lại là một câu chuyện khác. Được kỳ vọng sẽ là sự thay thế xứng đáng cho người tiền nhiệm vĩ đại, nhưng xét về nhiều phương diện, Moyes vẫn chưa thể so sánh với Sir Alex, thậm chí ngay cả về khả năng tận dụng thời cơ và sự may mắn, chứ chưa cần nói đến chuyên môn hay tầm ảnh hưởng. Đã không ít lần, Man United là đội vượt lên dẫn trước, thậm chí dẫn trước trong một khoảng thời gian dài, nhưng lại không giữ được lợi thế và rất hay để thủng lưới ở những phút cuối trận. Ở lượt đi, lần để mất điểm nhớ đời nhất của Man United là trước Cardiff City. Dẫn trước đến tận phút 90, nhưng đến phút bù giờ đầu tiên, họ lại để cho tiền vệ Kim Bo Kyung đánh đầu tung lưới De Gea để san bằng tỉ số 2-2. Đến tháng 01/2014, họ tiếp tục để thua Swansea 1-2 ở phút 90, với pha ghi bàn của Wilfried Bony, và lần gần đây nhất là trận đấu tối hôm qua, khi để Fulham cầm hòa nhờ pha lập công ở phút 90+4 của Darren Bent.
Để lý giải thực tế đáng buồn này có khá nhiều nguyên nhân được đưa ra. Nguyên nhân rõ nhất là Man United của Moyes đã không còn là đội bóng có khả năng áp đặt và duy trì sức ép lên phần sân đối thủ như trước đây. Thậm chí những đội bóng đang ở nửa cuối bảng xếp hạng cũng có thể chơi ngang ngửa với Quỷ Đỏ, bất kể đó là khi đội bóng này được chơi tại sân nhà Old Trafford hay trên sân khách. Điều này cực kỳ hiếm thấy dưới thời Sir Alex. Moyes cũng chẳng thể nào có cái uy như người đi trước, nên việc cựu HLV Everton đòi hỏi các trọng tài bù giờ có lợi cho đội bóng của mình cũng khó mà xảy ra được.
Không còn là đội hưởng lợi từ khoảng thời gian bù giờ, xem ra khi Sir Alex đi, thì ông cũng đã mang cái duyên với 'Fergie Time' của Quỷ Đỏ đi. Dù cho Man United của Sir Alex nổi tiếng là đội làm đau tim các fan với các chiến thắng nghẹt thở, thì ít ra cảm giác đó cũng hạnh phúc hơn nhiều so với những trận thua hay hòa kiểu như 'Moyes' United mà chúng ta đang được chứng kiến. Nếu như còn tiếp tục 'cầm vàng lại để vàng rơi' như trận đấu với Fulham, thậm chí top 4 vẫn sẽ là mục tiêu quá xa vời đối với đội bóng áo đỏ thành Manchester ở mùa giải năm nay.
Theo Bongda