1. Nói đúng hơn, bộ tài liệu dày như một cuốn tiểu thuyết kia được tờ The Times hé lộ. Theo đó, BLĐ M.U đứng đầu là gia đình tỉ phú người Mỹ Malcolm Glazer đưa ra những đánh giá tổng thể, khách quan về những mặt được và chưa được kể từ ngày họ mua đội bóng năm 2005. Mục đích cuối cùng là để kiếm tìm những nguồn đầu tư mới từ bên ngoài với ước mong có được 500 triệu bảng trong nay mai để xử lý khoản nợ được tính toán đã lên tới hơn 700 triệu bảng.
Trong báo cáo tài chính mới nhất được công bố tại kỳ họp BLĐ thường niên, năm tài khóa 2008/09 khép lại M.U lãi 48,2 triệu bảng. Nhưng thực chất, đội bóng thành công nhất nước Anh trong kỷ nguyên Premiership lỗ 31,8 triệu bảng. Con số lãi trên đến từ khoản 80 triệu bảng bán C.Ronaldo cho Real Madrid. Nhưng đâu phải năm nào Sir Alex cũng có thể xuất khẩu một siêu sao cỡ giá ấy!
MU đang đứng trước những thử thách lớn lao
2. Gồng mình cho các khoản nợ, mỗi năm trôi qua, chưa kể các khoản chi phí liên quan đến lương, thưởng…, M.U phải trả số tiền lãi vay ngân hàng lên tới 41,9 triệu bảng. Tiền ở đâu ra để đáp ứng con số khổng lồ đó? Khi M.U còn làm ăn tốt, còn gặt hái vinh quang, mọi thứ xem ra vẫn xuôi chèo mát mái. Nhưng bây giờ, có vẻ thời thịnh trị của Quỷ Đỏ đang dần đến hồi kết. Đấy cũng lúc người ta mổ xẻ thiệt hơn.
Xuyên suốt bộ tài liệu 322 trang, dễ nhận thấy có tới 6 thách thức đang chờ đón nhà ĐKVĐ Premiership. 1/Làm sao xử lý khoản nợ và lãi đội bóng đang gánh? 2/Tương lai nào cho kỷ nguyên hậu Alex Ferguson? 3/Lách quy chế ràng buộc tài chính mới của UEFA từ năm 2013 bằng cách nào? 4/Chịu được không trước sức mạnh tài chính của các đối thủ? 5/Làm ăn ra sao trong nền kinh tế toàn cầu suy thoái? 6/Chống chọi nổi sự gia tăng của khủng bố quốc tế không?
Nói cho cùng, sự sống còn của M.U cơ bản vẫn nằm ở chuyện tiền bạc. Dù vẫn đang là CLB thành công và được yêu chuộng nhất thế giới, nhưng thực tế thì Quỷ Đỏ không có được cỡ ông chủ giàu có và chịu chơi như Abramovich (Chelsea) hay ADUG (Man City). Vì thế, một cách lô-gich, M.U sẽ phải tự kiếm tiềm nuôi thân và điều đó càng khiến các nguy cơ có thể xảy đến với họ lớn hơn.
3. Cứ mỗi năm qua đi, thay vì giảm đi, tổng nợ của M.U lại dần một tăng lên. Con số 699 triệu bảng như báo cáo tài chính đưa ra dù không hoàn toàn chính xác nhưng cũng đủ để réo lên hồi chuông báo động. Đã từ lâu, BLĐ Quỷ Đỏ nhọc công kiếm tìm giải pháp tháo gỡ. Nhưng rốt cuộc, vẫn chỉ phương án bán bớt thứ gì đó trên thân thể của M.U là khả thi nhất, đỡ rủi ro nhất.
Vụ ra đi của C.Ronaldo là một điển hình. Tới đây, có thể cả Rooney cũng rời Old Trafford. Nhưng lúc này, khi Sir Alex chưa cho phép, BLĐ M.U buộc phải tính tới nước bán sân tập Carrington vốn được đưa vào sử dụng từ năm 2000. Nghe nói, khu Carrington sẽ được bán thẳng cho công ty bất động sản của nhà Glazer, sau đó lại cho M.U thuê làm sân tập. 500 triệu bảng thu về, nếu thương vụ thành công, sẽ dùng để trả nợ.
Tất nhiên, cả thế giới bóng đá này, đội bóng nào chẳng phải sống trong nợ nần. Nhưng thà suy nghĩ dài hơi hơn để có thể hướng tới một tương lai bền vững, tránh đổ vỡ theo kiểu Leeds United năm nào. Thiết nghĩ, không riêng gì M.U, cả Chelsea, Man City… rồi một ngày nào đó cũng sẽ buộc phải “cân đo đong đếm”.
(Theo báo Bóng Đá)