Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Manchester City: Ai nói tiền bạc không mua được vinh quang?

Thứ Bảy 14/05/2011 16:01(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sau rất nhiều gian nan, và tiền bạc nữa, cuối cùng thì Manchester City cũng đã đạt đến mục tiêu mà họ mơ ước suốt ba năm qua, kể từ khi các ông chủ từ Trung Đông tiếp quản lại đội bóng vùng Eastlands.

Giấc mơ ở City of Manchester

Trên khán đài của sân City of Manchester tối thứ Ba khi Man City tiếp đối thủ Tottenham trong trận đấu chính thức xác nhận một suất dự Champions League cho đội chủ nhà ở mùa giải sau đã vang lên giai điệu ca khúc The Masterplan qua giọng ca sướt mướt của Noel Gallagher và ban nhạc kinh điển Oasis. Bài hát nói về việc học cách chấp nhận những gì mà cuộc sống trao vào tay bạn. Đó là một ẩn dụ tuyệt vời cho số phận của Man City và các CĐV của họ vài năm trước, nhưng không phải tối thứ Ba, vì tối thứ Ba, cả thế giới đã tuân theo kế hoạch của Man City.

Rốt cuộc thì HLV Roberto Mancini cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ đầu tiên mà các ông chủ từ Abu Dhabi giao phó với việc giành về một suất dự Champions League mùa sau. Trong kế hoạch đầy tham vọng của những tỉ phú mà Sheikh Mansour đại diện, đây thực sự là một cột mốc lớn. Đó không phải là một chiến thắng đẹp đẽ gì, khi Man City phải nhờ đến một bàn phản lưới nhà của Peter Crouch, nhưng với tất cả những áp lực mà Mancini đã phải gánh chịu trong suốt hai năm qua, điều đó chẳng giảm đi chút nào vị ngọt của vinh quang.

Hàng tỷ bảng đổ vào Man City bắt đầu phát huy hiệu quả

Nếu họ tiếp tục đánh bại Stoke ở trận chung kết Cúp FA tại Wembley thứ Bảy này, Man City sẽ có một tuần lễ hoàn hảo. Kịch bản đẹp nhất: Man City giành Cúp FA và vượt qua Arsenal để giành lấy vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng, khoảng cách giữa họ lúc này chỉ là 2 điểm khi mùa giải còn 2 vòng đấu nữa. Nhưng ngay cả khi Man City không làm được như thế, họ cũng đã có thể hài lòng với phần thưởng tối thượng sau tối thứ Ba: Một suất dự Champions League.

Những CĐV nhiều cảm xúc sẽ cho rằng với một CLB đã không giành được danh hiệu lớn nào suốt 35 năm qua, trận đấu thứ Bảy này sẽ quan trọng hơn cuộc đọ sức với Spurs. Tuy nhiên, với những người thực tế trong thế giới đầy mùi tiền bạc của bóng đá hiện đại, Champions League là giải đấu duy nhất đáng quan tâm. Chắc chắn Man City sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn hẳn nếu như họ để lỡ sân chơi đỉnh cao này thêm một lần nữa, thay vì để mất chiếc cúp ở Wembley.

Có thể áp lực đối với Man City, sau 3 năm được đầu tư mạnh tay từ Sheikh Mansour, ở Champions League mùa sau sẽ là rất lớn, nhất là sau khi Tottenham đã thiết lập một chuẩn mực rất cao cho những kẻ mới tham dự trong mùa giải này, nhưng đó là chuyện của 3 tháng nữa. Lúc này đây, Man City hãy cứ tận hưởng những gì họ vừa đạt được. Bất chấp việc màn trình diễn ở Eastlands không hề ấn tượng, khi Edin Dzeko lại trải qua một buổi tối tai họa nữa trên hàng công. Man City lại chơi thiếu quyết tâm và ý chí chiến thắng hệt như trận gặp Everton tuần trước, nhưng Tottenham, thiếu Gareth Bale, Benoit Assou-Ekotto và Tom Huddlestone, không làm được những gì mà đội chủ sân Goodison Park đã làm tuần trước và đành trao vinh quang vào tay đối phương.

Làm sao gắn kết những ngôi sao?

Đó sẽ là câu hỏi lớn nhất cho Mancini và Man City của ông mùa giải này, và cả mùa tới nữa. Thật ra, suốt hai năm qua, kể từ khi HLV người Italia có mặt ở Eastlands, đội bóng của ông đã phải chiến đấu để vượt qua sự nghi kỵ rằng họ chỉ là tập hợp những ngôi sao rời rạc được ném vào một dự án tham vọng nhưng có thể tan rã bất cứ lúc nào.

Khẳng định được hiệu quả của các hợp đồng lớn đã là một trong những thách thức lớn nhất với Mancini mùa giải này. Với tiền đạo người Bosnia có giá 27 triệu bảng Dzeko đến từ Wolfsburg vào tháng 1, hiện giờ đội hình xuất phát của HLV người Italia thật sự là một nồi lẩu thập cẩm với 38 cầu thủ thuộc 19 quốc tịch khác nhau. Tính từ khi Mark Hughes bị sa thải vào cuối năm 2009, Man City đã nhập khẩu 10 gương mặt mới với giá trị tổng cộng lên đến 165 triệu bảng.

Không đội bóng nào ở Premier League đã trải qua nhiều xáo trộn nhân sự đến thế trong ba năm vừa rồi. Thậm chí vào những năm đầu tiên của Chelsea dưới thời Roman Abramovich, các cuộc thay máu cũng diễn ra với một tốc độ chậm hơn, nhấn mạnh sự hòa hợp nhiều hơn. Đó là chưa kể Chelsea cũng xuất phát từ một nền tảng cao hơn Man City. Họ là một đội bóng đã quen với các cuộc đua ở đỉnh cao dưới thời cựu chủ tịch Ken Bates, thay vì chỉ chiến đấu để trụ hạng như Man City trước thời chủ ngoại.

Thật vậy, sự cố gắng hòa hợp quá nhiều tài năng và cá tính lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ trồi sụt thất thường của Man City mùa này. Vào giữa mùa, họ kiếm được 32 điểm sau 18 trận, bằng với cùng kỳ năm ngoái, rồi trải qua những thất bại với 3 bàn thua chỉ trong 35 phút đầu như trước Liverpool cách đây 2 tuần, hay Everton tuần trước, nhưng cũng có những chiến thắng huy hoàng như trận đánh bại M.U ở bán kết Cúp FA.

Sự gắn kết như mong đợi vẫn còn xa, nhưng những thành quả đã đạt được ít ra giúp cho niềm tin của Mancini vào các học trò gia tăng. Các dấu hiệu tích cực về một tinh thần tập thể, sự đoàn kết có ý thức và những hy sinh cho đội bóng đã xuất hiện, dù còn hiếm hoi. Hãy xem xét một ví dụ ở trận bán kết Cúp FA derby thành Manchester. Man City đã chơi hiệp 1 đúng như nhiều người chờ đợi họ: rời rạc, thiếu gắn bó và quyết tâm. Nhưng 45 phút sau tình hình thay đổi hoàn toàn: mạnh mẽ, kiên cường và đầy ý chí.

Về cơ bản, Mancini là một chiến lược gia có lối chơi bảo thủ (sau 36 vòng đấu, Man City mới để thủng lưới 33 bàn, là hàng thủ tốt thứ hai ở Premier League, chỉ sau Chelsea, 30 bàn). Ý thức về một đội hình dễ tổn thương do được tập hợp quá vội vàng càng khiến HLV người Italia nhấn mạnh thêm xu hướng hạn chế sức công phá của đối thủ. Ông cũng dựa rất nhiều vào sức mạnh cơ bắp và độ bền thể lực ở cả ba tuyến, thay vì sự ngẫu hứng hay sự trơn tru trong các pha tấn công. Bắt đầu từ tuyến sau với Vincent Kompany và Kolo Toure, trước khi bị treo giò, đến hàng tiền vệ với Nigel de Jong và Yaya Toure và cuối cùng trên hàng công là Tevez. Những mảnh ghép thô ráp đó đã giúp Man City hòa trộn nhanh chóng hơn vì đằng nào thì các trụ cột của họ cũng có lối chơi khá giống nhau.

Nhìn lại, Mancini đã tạo dựng nên đội hình hiện giờ với các cầu thủ xuất thân từ Barcelona, Inter Milan, Hamburg, Lazio, Valencia, Aston Villa, Middlesbrough và Wolfsburg. Còn Hughes đã mua sắm ở Arsenal, Everton và M.U. Sự pha trộn văn hóa này gây ra nhiều khó khăn, ít đem lại những phút thăng hoa, nhưng nó đã mang lại cho Man City mục tiêu tối thượng: một suất dự Champions League và chừng nào nó còn hiệu quả, Mancini sẽ còn thời gian để gắn kết đội hình của ông.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X