MU từ sau “thế hệ vàng” của những Giggs, Becks, Scholes đã không còn nhiều thành tựu nổi bật trong chất lượng đào tạo trẻ. Mặc dù có những màn trình diễn hứa hẹn xuất hiện từ các lớp kế cận, cũng như câu lạc bộ luôn tạo điều kiện để các “sao mai” trui rèn trước khi phục vụ đội bóng, song hiệu quả của những chuyến tu nghiệp trong những năm qua là vô cùng hạn chế.
Một hiện tượng quái lạ ở MU
“Gà son” Macheda là một cái tên khó quên lãng với những người xem MU lâu năm. Gần như người ta chẳng nhớ gì về anh cả, ngoài bàn thắng ở phút cuối vào lưới Aston Villa, giúp MU chiến thắng. Sir Alex tung Macheda vào sân như một hành động vớt vát cuối cùng, một canh bạc cầu may với một chân sút trẻ măng, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và chưa ai nhớ mặt. Nhưng chẳng hiểu bằng cách nào, với chỉ hai chạm xử lý tinh tế đến hoàn hảo, tiền đạo người Ý đã đưa bóng vào góc xa khung thành qua một đường cong tuyệt mỹ.
MU của Sir Alex cực kỳ quái lạ, họ từng trình làng, thử nghiệm hàng chục những cái tên được đôn lên từ đội trẻ, hoặc “lúa non” mua về. Và hầu như lần nào cũng thế, ngay trận đấu ra mắt, rất nhiều người trong số đó đã gây ấn tượng mạnh, hoặc ghi bàn, không chỉ thế mà còn là những bàn thắng đẹp mắt, những siêu phẩm, những pha lập công định đoạt trận đấu. Hầu hết trong họ là những cầu thủ mười mấy tuổi mà bước chạy còn chưa vững, xử lý còn vụng về, non nớt, nhưng kỳ lạ thay, họ thường bùng nổ ngay trong những phút ít ỏi đầu tiên được tung vào sân.
Nào Macheda, nào Welbeck, nào Rossi, Eagles, Buttner, Nick Powell. Phải nhấn mạnh lại một lần nữa, với 6 cái tên vừa nêu, chúng ta đã có 6 siêu phẩm “debut” khác nhau. Đó là những pha cứa lòng của Macheda, Eagles, đó là những cú sút xa hiểm hóc, uy lực từ Welbeck, Powell, Rossi, và đó là pha solo làm choáng váng cả các đàn anh đội một của Buttner. Đây là một hiện tượng nếu tổng kết lại thì rất đặc biệt ở MU, cho dù ai cũng biết các cầu thủ trẻ rất khát khao, và họ đã được kiểm chứng kỹ lưỡng mới được trao cơ hội.
Đâu chỉ là những bàn thắng, Old Trafford còn chứng kiến những trận cầu thành công, những phẩm chất sáng giá từ nhiều tài năng trẻ các lứa như Evans, Fabio da Silva, Tom Cleverley, họ cũng có thời gian tu nghiệp dưới dạng cho mượn như những người vừa nêu trước đó. Nhưng, nếu mục đích của những trải nghiệm ấy là để đưa về những “ngôi sao chín” dùng được cho đội bóng, thì có vẻ MU chưa có nhiều thành công sau thời gian dài áp dụng chính sách này.
Những ngôi sao “chết yểu” và dấu hỏi về chính sách tu nghiệp
Nhiều năm qua, những cái tên được chờ đợi, được hy vọng sau những màn ra mắt hoàn hảo, họ cứ rơi rụng dần, chìm khuất giữa dòng chảy của thế giới bóng đá khắc nghiệt. Rossi đã 27 tuổi nhưng vẫn không thoát khỏi dáng dấp cầu thủ hạng trung, dù anh đã có môi trường phù hợp hơn ở nước Ý. Eagles đã gần 30 và đang lang bạt ở giải hạng nhì nước Anh, không ai nhớ đến. Macheda chật vật ngụp lặn khắp nơi mãi rồi cũng quyết định phải rời hẳn MU vào cuối mùa. Ngay cả một người từng được đánh giá cao như Fabio cũng đã tụt lại quá xa so với người em song sinh Rafael, không thể tìm lại vị trí ở MU được nữa, giờ anh là người của Cardiff.
Những người may mắn hơn là Welbeck, Evans, hay Cleverley. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là ở đây chẳng có ai đủ đẳng cấp làm trụ cột, họ chỉ là những lựa chọn số hai khi bất đắc dĩ, bởi vị trí đó vẫn cần người. Welbeck vẫn có cơ hội nhờ sự nhanh nhẹn, sức càn lướt, Evans hay Cleverley vẫn có thể ra sân khi tuyến giữa và hàng thủ MU đều quá mỏng. Nhìn chung, không có cái tên nào vụt lớn thành ngôi sao thực thụ sau khi chơi, thậm chí chơi hay, ở những câu lạc bộ mà họ “tập sự”.
Hiện nay, Powell, Lingard, Henriquez, Zaha đều là những cầu thủ có phẩm chất tốt ban đầu, nhưng ít nhiều đều cần phát triển thêm mới đủ sức chơi cho Quỷ đỏ. Song việc để họ giữ cảm giác chơi bóng ở những môi trường “thấp hơn” dường như không cải thiện khả năng của họ là bao, nếu cứ nhìn vào những tấm gương đi trước. Dù sao cũng thật khó, bởi giải pháp không có nhiều, họ cũng không muốn cứ mãi ngồi im trên băng ghế dự bị, thậm chí ngồi ngoài ở Old Trafford. Hoàn cảnh “người thừa” của Buttner ở tuổi 25 dĩ nhiên là cực kỳ tù túng.
Bất cập ở chỗ, dù có đá hay khi được đem cho mượn, thì đó chỉ là hay ở điều kiện đó, ở mục tiêu đó, ở vị thế khác hẳn so với MU. Những người ở lại và được chơi cùng các đàn anh tất nhiên có lợi hơn nhiều, họ cọ sát và học hỏi từ những ngôi sao lớn, họ quen với áp lực và cách chơi của những giải đấu hàng đầu, qua đó hoàn thiện mình dễ dàng hơn. Có thể thấy, dù trình độ khác nhau, nhưng những Rafael, Evans, Welbeck chí ít đều có một độ ổn định, vững chân nhất định, bởi họ đã được chơi đủ nhiều dưới màu áo MU. Ở những vị trí nhạy cảm hơn, cạnh tranh hơn, ít luân chuyển nhân sự hơn, những cầu thủ trẻ dễ sẽ bị đào thải và tụt dốc nếu không nhanh chóng chứng minh khả năng hòa nhập của mình.
Trường hợp những “đóa hoa nở muộn” là rất hiếm. Thay vì giam chân nhau, MU rồi cũng dần dần phải chia tay với những cầu thủ không thể thích nghi, không thể tiến bộ đến mức đội bóng cần, để họ tìm kiếm những bến đỗ thích hợp hơn. Dĩ nhiên đó là do tiềm năng mỗi người, nhưng ở đây ý muốn nói, đôi lúc, có lẽ MU đã không tận dụng được hết nguồn nhân tài mà họ sở hữu, và việc liên tục đẩy cầu thủ đi tu nghiệp đến thời điểm nay vẫn chưa đem lại kết quả nào tích cực. Đó là sự thật, và cũng là một điều đáng tiếc cho MU.
Theo Bongda