Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd và Chelsea bất phân thắng bại trong trận cầu đỉnh cao "nửa vời"

Thứ Ba 27/08/2013 01:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Tuy rằng kết quả hoà luôn được xem là phù hợp trong các trận cầu lớn và thường đều làm hài lòng cả hai đội nhưng đêm qua, người hâm mộ không thể "sảng khoái" khi chứng kiến trận "chung kết" đầu tiên của Premier League bởi chẳng có bàn thắng nào được ghi. Không những vậy, suốt 90 phút thi đấu, người ta chỉ có thể thấy được những toan tính chiến thuật từ cả hai đội chứ không phải sự hấp dẫn, sôi động, bùng nổ.

Dù mới ở vòng đấu thứ hai của Premier League 2013-2014 (nhưng với Chelsea là trận đấu thứ 3 bởi giữa tuần trước, họ đã phải tiến hành đá sớm với Aston Villa nhằm chuẩn bị cho trận Siêu cúp châu Âu vào cuối tuần này) song các khán giả đã được chứng kiến một trận cầu siêu đỉnh cao, xứng đáng được mang danh "derby nước Anh". Về mặt bản chất, vốn dĩ chỉ riêng hai cái tên Man Utd và Chelsea cũng đủ làm nên sức nóng cho màn chạm trán này nhưng mùa này, trận đấu càng trở nên thu hút dư luận hơn khi dẫn dắt hai đội hiện nay là hai "gương mặt mới". David Moyes chưa đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp, cũng chẳng phải tên tuổi quá lớn trong giới HLV song ông lại là "truyền nhân" của Sir Alex vĩ đại, được chính nhà cầm quân huyền thoại người Scotland lựa chọn và tiến cử. Thật thú vị khi Chelsea chính là đối thủ đầu tiên mà Moyes đương đầu tại Old Trafford trên cương vị thuyền trưởng "Quỷ đỏ" nên hẳn ông quá muốn màn "chào hỏi" khán giả nhà này diễn ra trong êm đẹp. Trong khi đó, thương hiệu Jose Mourinho đã trở nên nổi tiếng toàn cầu, xét cả dưới khía cạnh tích cực (tài năng, thành tích,...) lẫn tiêu cực (tính cách, scandal,....). Trước trận đấu, họ đã không ngừng lời qua tiếng lại nhằm làm hâm nóng bầu không khí. Tất nhiên, Mourinho bao giờ chẳng là người "lắm lời" hơn khi hết "đá thúng đụng nia" chuyện Wayne Rooney, mục tiêu mà Chelsea đang ra sức săn đón lại quay sang kể lể việc từng được "ông bạn vàng" Alex Ferguson đả động đến chuyện kế nhiệm tại Man Utd. Dẫu sao, Mourinho mà không nói gì hoặc tỏ ra nhẹ nhàng, "hiền lành" thì mới là vấn đề lớn chứ như vậy là quá bình thường và quen thuộc. Về thành tích đối đầu thì tính đến giờ, Mourinho mới chỉ thua có 2 trận trong những lần gặp gỡ Man Utd còn Moyes chưa bao giờ hạ gục nổi Mourinho (hoà 3, thua 5). Tuy nhiên, những con số thống kê mãi mãi chỉ mang tính tham khảo mà thôi.

David Moyes có vẻ thích thể hiện bằng hành động nhiều hơn và chắc chắn ông làm không ít người, ngay cả đối thủ phải ngạc nhiên với quyết định tung Wayne Rooney vào sân ngay từ đầu để nghênh chiến Chelsea. Hai trận đấu trước gặp những đối thủ dưới cơ, ông không hề sử dụng Rooney (chính xác ra, anh được thi đấu vài chục phút trong thắng lợi Swansea 4-1) như để nhằm trừng phạt cho "thái độ" của tiền đạo này cũng như thể hiện rằng không có R10, Man Utd vẫn sống khoẻ. Ấy vậy, đến lúc đối thủ là Chelsea, ông lại bất ngờ sử dụng anh mặc cho giới chuyên môn đều nhận định rằng Man Utd sẽ phải tăng cường sự chắc chắn của tuyến giữa hòng chống lại hàng tiền vệ "siêu khủng" của The Blues. Thêm vào đó, ai cũng biết Mourinho đã đưa Rooney vào tầm ngắm với tuyên bố sẽ quyết chiêu mộ "chàng Shrek" bằng mọi giá nên việc dùng R10 vẫn có thể xem là sự mạo hiểm, mang tính rủi ro cao của Moyes (nhưng cái gì càng rủi ro thì lợi ích được hưởng sẽ càng lớn) dù rằng Rooney chắc chắn sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp của mình bởi kể cả có máu sang Chelsea, anh cũng không thể "cố tình" trình diễn tồi. Đương nhiên, khó có chuyện Rooney thi đấu mà Van Persie lại vắng mặt bởi nhà ĐKVĐ làm sao sống nổi nếu thiếu "Quỷ đầu đàn". Sự có mặt của cả hai ngôi sao tấn công sáng giá nhất đội đồng nghĩa Man Utd sẽ có xu hướng chơi một trận sòng phẳng. Như mọi khi, Rooney phải chấp nhận lép vế, chịu nhún nhường khi lùi xuống đảm trách vai trò của một hộ công để người đồng đội một mình tung hoàng nơi tuyến đầu. Ngoài Rooney thì Welbeck, sao trẻ chơi rất tốt từ đầu mùa và Valencia, mẫu tiền vệ chăm chỉ giàu sức chiến đấu, sẽ là hai nguồn cung cấp "đạn dược" khác cho tay săn bàn người Hà Lan. Trách nhiệm quản lý tuyến giữa đầy nặng nề, chống chọi lại những tiền vệ đẳng cấp của đối phương được giao cho Carrick - Cleverley, bộ đôi "đánh chặn" số 1 Man Utd hiện nay. Ở hàng phòng ngự, Phil Jones vẫn là người thay thế vị trí của Rafael Da Silva (vắng mặt đến tận giữa tháng 9). Sức trẻ, lòng nhiệt huyết và kỹ năng của hậu vệ trẻ này sẽ là sự bù đắp đáng kể cho cặp "cận vệ già" Ferdinand - Vidic.

Bên phía Chelsea, Mourinho cũng gây sốc khi đặt Andre Schurrle, tiền đạo người Đức gia nhập đội vào kỳ chuyển nhượng hè này, vào vị trí trung phong cắm thay vì Fernando Torres, Demba Ba hay Romelu Lukaku. Đó không hẳn là sở trường của Schurrle (thiên về đá cánh nhiều hơn) song hồi còn chơi bóng ở Bundesliga, Schurrle đã chứng tỏ được trình độ sát thủ của mình. Ngoài ra, chưa chắc Schurrle sẽ chơi "cố định" mà sẽ liên tục hoán đổi với những đồng đội phía dưới hòng tạo ra một đấu pháp "số 9 rưỡi" rất khó lường và không dễ đối phó với đối phương. Tài năng trẻ người Bỉ, Kevin De Bruyne tiếp tục nhận được sự tin tưởng từ "Người hạnh phúc" còn Juan Mata vẫn phải ngồi ngoài. Phải chăng, tuyển thủ quốc gia TBN, tiền vệ hay nhất Chelsea trong hai mùa giải gần đây, thực sự không phù hợp với triết lý của Mourinho. Dù gì, vẫn còn đó Eden Hazard và Oscar, hai cầu thủ xuất sắc chẳng kém gì Mata trên hàng công nên sức công phá của Chelsea đâu suy giảm bao nhiêu. Sự thừa thãi tiền vệ công của Chelsea được thể hiện ngay ở cách bố trí Lampard - Ramires, hai cầu thủ vốn chỉ quen nhiệm vụ kiến tạo, tham gia tấn công, ngay phía trên hàng thủ trong vai trò mới "kiểm soát trung tuyến" nhưng có lẽ họ sẽ phải dần quen với công việc này nếu muốn ra sân thi đấu.

Hai đội khởi đầu rất chặt chẽ và thận trọng, một cách tiếp cận dễ hiểu trong một trận đấu lớn. Rooney chắc chắn là tâm điểm chú ý và phút thứ 3, anh định đột phá vượt qua Gary Cahill sau đường chuyền của Valencia song anh lại đẩy bóng hơi dài, khiến pha xử lý không được như ý. Chelsea có câu trả lời với đợt tấn công triển khai bên cánh phải, kết thúc bằn cú đá uy lực của Oscar ngay sát vạch 16m50 nhưng De Gea đã chơi tốt, dễ dàng tóm gọn trái bóng. Nhìn chung, trong 20 phút đầu, Chelsea là đội cầm bóng tốt hơn, trội hơn về khả năng kiểm soát tuyến giữa song hãy lưu ý rằng, Man Utd dưới thời Sir Alex Ferguson rất giỏi "chịu nhịn rồi bất ngờ tung đòn kết liễu sắc sảo" và David Moyes dường như đã kế thừa được phẩm chất đó. Bằng chứng, trong một tình huống, chỉ bằng vài đường chuyền ban đơn giản mà cặp R10 - P20 đã làm hàng thủ áo xanh phải vất vả cản phá. Phút 22, tận dụng sự lơ đễnh của Ramires, Carrick cướp được bóng và mau chóng nhồi xuống cho Van Persie. Bất chấp phía trước mắt có tới hai hậu vệ đối phương, đương kim "Vua phá lưới Premier League" vẫn tự tin che chắn kỹ để tìm cách dứt điểm nhưng cú đá cuối cùng của anh chỉ có thể trúng vàp mành lưới phía ngoài. Sau vài cơ hội khá rõ nét, Man Utd bắt đầu giành được ưu thế nhưng ở một trận cầu lớn thì tình hình luôn "xoay chuyển như chong chóng". Phút 29, Rooney có bóng ngay gần vòng cấm và đối diện thẳng với cầu môn. Anh quyết định thực hiện cú đặt lòng nhưng quá nhẹ nhàng cho Petr Cech.

Phút 32, De Bruyne "thiệt đơn thiệt kép" khi vừa phải nhận thẻ vàng do lỗi truy cản Van Persie vừa dính máu trên mặt do sự "trả đũa" khôn ngoan của chân sút 29 tuổi. Quyết định của trọng tài Martin Atkinson, người được cho không mấy "cảm tình" với Man Utd và chưa bao giờ dính vào nghi án "thiên vị" đội bóng này, đã làm Jose Mourinho phản ứng bên ngoài đường piste. Cho đến cuối hiệp 1, hai đội vẫn thận trọng tìm cách đe doạ cầu môn của nhau. Chưa bên nào mạnh dạn ào lên hay đẩy cao nhịp độ, khiến trận đấu vẫn giữ ở mức trung bình. Nếu như Tom Cleverley cứa lòng chân trái vọt xà ngang sau nỗ lực của Phil Jones bên cánh phải thì Oscar tung ra cú sút xa đúng vào vị trí của De Gea. Có một chi tiết thống kê đáng chú ý, trong 9 trận đấu gần đây ở Premier League của Man Utd mà hiệp 1 chấm dứt với tỷ số 0-0 thì chưa trận nào kết thúc với tỷ số hoà chung cuộc (Man Utd thắng 4, thua 5). Sau giờ nghỉ giải lao, chưa bên nào thay đổi nhân sự. Thực ra, trong tay Mourinho có nhiều phương án thay đổi hơn khi trên băng ghế dự bị có Torres, Lukaku và Mata còn Moyes có lẽ chỉ dám trông đợi sự đột biến đến từ Shinji Kagawa mà thôi. Nhà ĐKVĐ hình như đã chủ động tăng tốc, triển khai nhiều đợt tấn công hơn về khung thành đối phương và sự cởi mở của Man Utd cũng được Chelssea hưởng ứng, làm trận chung kết đầu tiên của giải đấu diễn ra thoáng hơn. De Gea lại bắt dính một quả sút xa khác của đội khách, lần này đến từ đôi chân của Hazard. Cần phải thừa nhận dù Chelsea rất chịu khó bắn phá tầm xa nhưng chưa có pha nào đủ sức nặng để gây khó dễ cho thủ môn người TBN.

Trong vòng vài phút đồng hồ ngắn ngủi, Welbeck liên tiếp được trao cơ hội, đáng tiếc anh đều bỏ lỡ. Đầu tiên, tiền đạo sinh năm 1990 người Anh dẫn bóng vào trung lộ từ cánh trái và kết thúc bằng cú đá vọt xà dù đích nhắm đến là góc cao. Tiếp đến, Welbeck dứt điểm cận chân khi trước mặt khá thông thoáng và cự ly chỉ hơn 10m song lần thứ hai trái bóng bay lên khán đài trong sự nuối tiếc của David Moyes và Wayne Rooney, cầu thủ đã kiến tạo cơ hội thuận lợi đó cho người đồng đội trẻ. Phút 59, tới lượt trung vệ Gary Cahill thử vận may từ xa và dù bóng đã bay khó hơn thì De Gea vẫn phản xạ tốt. Cuối cùng, cũng đã có đội chịu thay người và Fernando Torres được ra sân, chiếm chỗ của De Bruyne. Như vậy, Schurrle sẽ đựoc trả về vị trí ưa thích bởi đã có El Nino chịu trách nhiệm ghi bàn. David Moyes "bắt chước" ngay khi cải thiện chất lượng tấn công bằng giải pháp Ashley Young, tiền vệ đã vắng mặt trong đội hình Man Utd kể từ tháng 4 năm nay.

Tuy vậy, những sự điều chỉnh này không thể cải thiện nhiều chất lượng trận đấu, đặc biệt về khoản bàn thắng. Thực ra, nếu trọng tài Atkinson làm theo những gì hai đội mong muốn thì rất có thể đã xuất hiện bàn từ chấm 11m. Chẳng là, ông liên tiếp từ chối hai tình huống nhạy cảm (trái bóng có vẻ trúng vào tay Lampard từ cú volley nửa đẩy của Tom Cleverley và Ashley Cole dường như bị Jones ngăn chặn trái phép). Phút 77, cầu trường Old Trafford suýt dậy sóng nếu như Cech không xuất sắc đổ người từ chối cú nã đạn tầm thấp của Wayne Rooney, cầu thủ chơi ổn nhất Man Utd từ đầu trận. Rõ ràng, R10 vẫn cực kỳ cần thiết với Man Utd và tốt nhất ban lãnh đạo hãy tìm cách làm yên lòng tiền đạo này thay vì đẩy anh ra xa. Những phút còn lại, chưa xuất hiện dấu hiệu của bàn thắng khi cục diện cứ duy trì "đều đều" chứ không hề có được sự đột phá cần thiết. Song Man Utd mới là đội tiếc nuối hơn cả vì đã có thêm được vài tình huống nguy hiểm. Nổi bật nhất là pha ngả người sút volley của Van Persie trong vòng cấm, đưa bóng trúng vào tay Mikel nhưng chẳng có tiếng còi nào vang lên. Chưa bàn đến vấn đề liệu có phải trọng tài Martin Atkinson "ghét" Man Utd mà cũng phải công nhận, ông vua sân cỏ này đã có một quyết định hợp lý. Thứ nhất, thổi 11m vào lúc này là việc không nên, rất dễ nảy sinh phản ứng tiêu cực. Thứ hai, cánh tay của Ashley Cole khép sát cơ thể nên không thể là lỗi cố tình.

Trận đấu chuẩn bị kết thúc mà Mourinho đã sẵn sàng bước vào đường hầm thay đồ với vẻ mặt bình thản. Dường như với nhà cầm quân người BĐN thì miễn đội nhà không thua là được. Ngoài ra, một điểm giành được trên sân của đại kình địch dĩ nhiên cũng là một thành tích không tồi, giúp họ bảo vệ được ngôi đầu bảng và giữ được sự tự tin trước thềm Siêu cúp châu Âu gặp Bayern Munich. Còn với David Moyes, ông tiếp tục lấy được cảm tình từ giới Manucians bằng bản lĩnh trên băng ghế huấn luyện. Có thể ông chưa bộc lộ được nét riêng nhưng đâu phải ai cũng có khả năng học hỏi, đúc rút được "nét đẹp" từ người tiền nhiệm và rõ ràng, Man Utd vẫn đang phát huy tốt tiềm lực sẵn có.

Đội hình thi đấu
Man Utd:
De Gea, Jones, Evra, Ferdinand, Vidic, Carrick, Cleverley, Valencia (Young 66'), Welbeck (Giggs 78'), Rooney, Van Persie
Chelsea: Cech, Ivanovic, Cole, Cahill, Terry, Ramires, Lampard, De Bruyne (Torres 60'), Oscar, Hazard (Azpilicueta 90'), Schurrle (Mikel 87')

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X