Cứ sau mỗi mùa giải thất bại, đặc biệt ở đấu trường Premier League, người ta lập tức đặt ra câu hỏi này đối với M.U. Mùa này không phải là ngoại lệ. Những lần trước, câu trả lời của M.U ra sao thì chúng ta đã biết.
Có nhiều cách để đối mặt với thất bại. Sir Alex Ferguson chọn cách điềm tĩnh nhất, dù đội bóng của ông đánh mất chức vô địch khi mùa giải chỉ còn 1 phút. Không một lời phàn nàn, kêu than, không giận dữ, bực tực. Ông chấp nhận nó, chấp nhận thất bại, chấp nhận cái kết điên rồ của một mùa giải điên rồ như một phần tất yếu của cuộc chơi: "Rất tàn khốc, nhưng chúng tôi đã nếm trải điều này nhiều lần rồi. Chúng tôi đã 3 lần giành danh hiệu Premier League ở vòng cuối cùng. Xin chúc mừng những người láng giềng. Đây là một giải đấu khốc liệt và ai chiến thắng đều xứng đáng. Đó là cả một hành trình rất dài. Nhưng không có gì phải lo ngại. Lịch sử đội bóng luôn ở bên cạnh chúng tôi. Những cầu thủ trẻ của chúng tôi hiện tại sẽ tiến lên trong 6, 7 năm tới. Họ sẽ rút được nhiều kinh nghiệm từ những bài học ở mùa này".Dưới bàn tay của Sir Alex, Man Utd sẽ trở lại mạnh mẽ vào mùa tới
Khởi đầu mùa giải, Sir Alex từng tin rằng 82 điểm là đủ giành chức vô địch. Kết thúc mùa giải, M.U giành đến 89 điểm. Đó là số điểm kỷ lục dành cho đội Á quân Premier League. Trong lịch sử 20 năm tồn tại của Premier League, chỉ có 7 lần nhà vô địch giành được nhiều hơn 89 điểm.
Nhưng có một sự thực hiện hữu: M.U mùa 2011-12 có lẽ là M.U yếu nhất kể từ mùa 2005-06, mùa giải mà họ từng không vượt qua vòng bảng Champions League và trắng tay ở Premier League. Nhưng để truất ngôi của một M.U như thế, Man City phải cần đến nỗ lực phi thường trong những giây phút cuối cùng của mùa giải, và chỉ đoạt chức vô địch nhờ hiệu số bàn thắng - bại. Gạt qua một bên những diễn biến trong mùa giải, từ chuyện Man City phô trương sức mạnh khủng khiếp như thế nào trong giai đoạn đầu mùa đến lợi thế 8 điểm mà M.U đã tạo ra khi mùa giải chỉ còn 6 vòng, những gì còn lại là khoảng cách siêu mong manh, giữa Man Xanh và Man Đỏ, giữa nhà VĐ và đội Á quân. Tất nhiên, vô địch vẫn là vô địch, dù chỉ hơn hiệu số bàn thắng-bại, nhưng điều đó cho thấy, soán ngôi của M.U không hề là dễ dàng.
Soán ngôi của M.U đã khó, bảo vệ được thành tích ấy càng khó hơn. Trong lịch sử Premier League, ngoài M.U, chỉ có một đội bóng thành công bảo vệ được chức vô địch. Đó là Chelsea của Mourinho, với hai chức vô địch liên tiếp ở mùa 2004-05 và 2005-06. Một năm trước đó, Arsenal đăng quang với chiến tích bất bại. Với 3 mùa liên tiếp trắng tay, những nghi ngờ về sự sụp đổ của triều đại M.U là cực lớn. Khoảng cách giữa Chelsea và M.U thời điểm ấy lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa Man City và M.U mùa này. Như Man City hiện tại, Chelsea ấy giàu khủng khiếp, đội hình tràn ngập ngôi sao lớn và họ được dự báo sẽ thay thế M.U thống trị nước Anh trong thời gian dài. Nhưng M.U của Sir Alex vẫn trở lại, mạnh mẽ hơn, khủng khiếp hơn và đáng sợ hơn, với 3 chức vô địch Premier League liên tiếp.
Thời Chelsea thống trị nước Anh với Jose Mourinho, M.U cũng đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ, điển hình là sự rút lui của Roy Keane và sự xuất hiện của Rooney và Ronaldo. Thế hệ của Rooney và Ronaldo đã rút ra những bài học từ thất bại, đã trưởng thành từ đó và đã tạo nên một thời kỳ vàng son khác trong lịch sử đội bóng. M.U mùa giải vừa qua cũng ưu tiên công cuộc chuyển giao thế hệ, dù sau đó họ đã gọi Scholes trở lại. Thất bại đã đến như một điều tất yếu khi hàng loạt tài năng trẻ đi thẳng vào đội 1 và đội hình chính. Đó được xem là cái giá phải trả trong ngắn hạn, nhưng đó là điều có lợi trong dài hạn, như từng nhiều lần xảy ra trước đây.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)