Thứ Ba, 23/04/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd: Tom Cleverley có đáng bị đả kích dữ dội?

Thứ Ba 11/03/2014 16:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Tiền vệ sinh năm 1989 trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ của "Quỷ đỏ" và từng được mệnh danh là "Paul Scholes mới" đã phải hứng chịu búa rìu của dư luận sau những màn trình diễn không tốt trên sân cỏ. Tuy nhiên, liệu có công bằng khi trút mọi giận dự, bực dọc hay gán hết trách nhiệm về thành tích kém cỏi của đội bóng lên đầu một cầu thủ vẫn chưa trưởng thành. Phải chăng cần dành cho Cleverley sự cảm thông và bớt khắt khe hơn để anh có động lực tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện mình trong tương lai hướng đến mục tiêu trở thành một cầu thủ giỏi thật sự.

Trước tiên, cần phải khẳng định, từ đầu mùa đến giờ, ngoại trừ Wayne Rooney, David De Gea và Michael Carrick thì mọi cầu thủ khác trong đội 1 Man Utd đều thi đấu dưới mức trung bình hoặc cực kỳ thất thường (trận hay trận dở). Nếu chỉ xét riêng tuyến giữa mà cụ thể là tiền vệ trung tâm (không tính Anderson đã chuyển sang Fiorentina theo diện cho mượn hồi đầu năm và tất nhiên cả Carrick) thì hiện Moyes có 6 sự lựa chọn "chính hiệu" bao gồm Cleverley, Fletcher, Mata, Kagawa, Ryan Giggs và Fellaini (Phil Jones về mặt bản chất vẫn là một trung vệ và thường xuyên thi đấu ở vị trí này. Chỉ một vài trận nhất định, anh được chữa cháy ở vị trí tiền vệ trung tâm nên kể cả có chơi tốt thì cũng chưa đủ dữ liệu để đánh giá). Trong số này, Fletcher và Giggs đã quá dày dạn kinh nghiệm trận mạc cũng như thâm niên khoác màu áo Đỏ, Fellaini từng tạo được ấn tượng không nhỏ ở Everton còn Kagawa hay Mata đều được xem là những cầu thủ có đẳng cấp, thương hiệu nhờ quãng thời gian thi đấu ở Dortmund, Chelsea. Rõ ràng, Cleverley chẳng những ít tuổi nhất (bằng Kagawa) mà còn ít kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao nhất.

Tom Cleverley
 

Cần nhớ rằng, phải đến mùa giải 2011-2012, sau khi trở về từ Wigan, Cleverley mới chập chững len chân vào đội 1 Man Utd nhưng chấn thương đã khiến anh chỉ ra sân thi đấu đúng 15 trận trong cả mùa. Đến mùa bóng 2012-2013, Cleverley được sử dụng nhiều hơn (tổng cộng 32 trận, bao gồm cả nhiều trận đấu lớn) và bắt đầu chứng tỏ được năng lực. Tuy nhiên, so với những người đồng đội khác thì chừng đó chưa là gì. Đơn cử như Kagawa thì tới nay (tính cả thời gian khoác áo Dortmund bởi đơn giản đội bóng này là một thế lực của Bundesliga nên về cơ bản, hoàn toàn "ngang cơ" với Man Utd chứ đâu phải "vớ vẩn" như Wigan, đội bóng còn đứng thấp hơn cả Everton của Fellaini) cũng đã có gần 120 trận thi đấu trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Đúng là về mặt tuổi đời, Cleverley đâu còn quá trẻ song về mặt bản lĩnh, trình độ cần có của một cầu thủ thi đấu cho một CLB lớn thì hiển nhiên Cleverley vẫn chỉ là một "chú bé" không hơn không kém.

Ây thế mà, dư luận dường như lại quá khắt khe với anh. Làn sóng chỉ trích nhằm vào Cleverley cũng dữ dội và khốc liệt không kém gì những mũi tấn công nhằm vào những gương mặt khác. Thậm chí, mới đây, khi Roy Hodgson quyết định triệu tập Cleverley vào danh sách ĐTQG Anh tham dự trận giao hữu với Đan Mạch (mới chỉ là triệu tập chứ chưa có gì đảm bảo sẽ được ra sân thi đấu) thì xuất hiện sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng và cả giới chuyên môn. Không ít "kẻ rỗi hơi" còn gửi thư lên Liên đoàn bóng đá Anh (FA) yêu cầu loại Cleverley ra khỏi ĐT hay lập ra cái trò thu thập chữ ký phản đối bằng hình thức online mà nghe đồn lôi kéo hơn 10.000 người ấn "like".  Sự việc căng thẳng đến độ Hodgson phải lên tiếng bênh vực cậu học trò nhỏ nhưng rốt cục, ông cũng chẳng dám tung Cleverley ra sân dù chỉ là một trận "vô thưởng vô phạt".

Thực ra, không thể phủ nhận Cleverley đã bị chững lại chứ không tiếp tục thăng tiến sau cái "tiền đề" chắc chắn của mùa trước. Đáng tiếc hơn cả, anh đã không biết tận dụng "thời thế" để tạo dựng "chỗ đứng". Bao giờ cũng thế, không chỉ trong bóng đá, khủng hoảng sẽ mở ra cơ hội tốt cho những người biết nắm bắt. Mùa này, Man Utd đã rơi vào thời kỳ suy thoái trầm trọng sau khi Sir Alex Ferguson vĩ đại ra đi nhường chỗ cho "truyền nhân" David Moyes. Họ đã thể hiện phong độ nghèo nàn và bộ mặt thảm hại trên sân cỏ. Nhưng với riêng cầu thủ thì ai chơi tốt trong bối cảnh này, chắc chắn sẽ được nhìn nhận và chú ý đặc biệt, hơn hẳn giai đoạn đội bóng thăng hoa. Chỉ có điều, Cleverley không đủ tài, chưa đủ chín hoặc thiếu đi cái "khí chất" của một sao lớn để biến thành "anh hùng" hay nhẹ nhàng hơn là "loé sáng" được vài lần như đàn em Adnan Januzaj. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Chính cách thay đổi nhân sự "liên xoành xoạch" của David Moyes (thử nghiệm không biết bao nhiêu cặp tiền vệ trung tâm và may ra, duy nhất Carrick có chỗ đứng chắc chắn nhất) đã khiến cho không chỉ Cleverley mà những cầu thủ khác không đủ thời gian thi đấu thực tế để bắt đầu phát huy hết năng lực. Khi họ vừa mới được sở hữu chút cảm giác bóng thì ngay tức thì đã bị đẩy lên băng ghế dự bị hoặc vừa mới chơi tồi một vài trận thì cũng bị "đá đít" ngay khỏi đội hình thi đấu. Cách hành xử này đặc biệt rất có hại với những cầu thủ còn non, chưa quen "sống trong áp lực". Nói đâu xa, Januzaj là minh chứng hùng hồn. Ngay khi chiêu mộ thành công Juan Mata, Moyes lập tức quên luôn thần đồng người Bỉ dù lúc đó, anh vẫn thể hiện tốt. Lý do mà Moyes đưa ra mới nghe qua thì rất hợp lý (cần phải bảo vệ tiềm năng phát triển lâu dài của Januzaj bằng cách không cho ra sân quá nhiều, không đốt cháy giai đoạn) nhưng bảo vệ đến độ, hoạ hoằn lắm mới ngó ngàng tới thì e rằng không ổn. Thế là, Januzaj cũng chẳng còn tạo được dấu ấn nào trong thời gian qua khi được đưa ra sân.

Nhìn lại quá khứ thì ngay cả trong thời kỳ thịnh trị nhất, Man Utd cũng chưa bao giờ là cái nôi sản sinh ra những "thiên tài xuất chúng" được cả thiên hạ biết tới từ khi còn rất trẻ. Những Ryan Giggs, David Beckham, Nicky Butt, Paul Scholes anh em Neville, Darren Fletcher hay Jonny Evans đều được xem là những "sản phẩm" hoàn hảo nhất do một tay đội bóng "nhào nặn" ra nhưng tất cả họ đâu phải đã "lên như diều" từ thuở đôi mươi. Trong số này, Beckham và Giggs "phát tiết" sớm nhất nhưng cũng phải lúc họ đã 22, 23 tuổi. Ngoài ra, đừng quên thời đại xuất hiện của họ rơi đúng vào giai đoạn trong tay Sir Alex là một dàn cầu thủ đồng đều, được điểm xuyết bằng vài cái tên có tư chất kèm cặp và dạy dỗ những sao trẻ (như King Eric Cantona, Roy Keane, Schemeichel, Irwin). Một môi trường lý tưởng như vậy hiện không tồn tại ở Old Trafford (Giggs, Vidic hay Ferdinnand đều đang là những cựu binh lão lãng nhất đội nhưng họ thiếu đi cá tính mạnh, cái tôi cá nhân giống King Eric hay Keane mà rất dễ tác động và gây được ảnh hưởng lên các cầu thủ trẻ). Thêm vào đó, lại cần phải nhắc đến tài năng siêu phàm và phương pháp bồi dưỡng của Sir Alex Ferguson. Ông rất mạnh dạn sử dụng họ thường xuyên chứ không phải "cắc bụp" như Moyes. Khi họ mắc lỗi, ông thường khuyên răn, dạy dỗ ân cần, bảo vệ khỏi dư luận hoặc sử dụng vài chiêu khích tướng chứ không phải "câm nín", "sống chết mặc bây", bỏ mặc học trò đối đầu với "miệng lưỡi thế gian" như nhân vật kế nhiệm. Kể ra, đôi lúc Moyes cũng biết khen nhưng có vẻ hơi "sáo rỗng" và chẳng mang lại tác dụng gì trong khi những lần Ferguson trách mắng học trò, ngay cả công khai trên mặt báo cũng có tác động không nhỏ bởi sự khéo léo của ông.

Tựu trung lại, để những cầu thủ như Cleverley phát triển và bộc lộ hết tiềm năng trong con người thì cần sự thay đổi từ nhiều phía. David Moyes hãy cho tất cả thấy ông xứng đáng ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng Man Utd mà không gì hết, đầu tiên, ông phải bảo vệ được những giá trị trường tồn của đội bóng. Một trong số đó chính là cách làm việc với những cầu thủ trẻ. Tom Cleverley cũng phải nỗ lực nhiều hơn nếu thực sự, chiếc áo Man Utd không quá rộng với anh còn dư luận cũng không nên đánh giá hồ đồ hay quá xét nét để rồi dìm chết một cầu thủ nếu anh ta có thực tài.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X