- Louis Van Gaal suýt gia nhập Tottenham
- Louis van Gaal sẽ cách tân Man United như thế nào?
- Juan Mata tin tưởng vào “luồng gió mới” của Van Gaal
Cụ thể bốn cái tên mà Van Gaal muốn sở hữu trong đội hình bao gồm tiền vệ cánh Yevhen Konoplyanka, hai tiền vệ trung tâm Bastian Schweinsteiger và Kevin Strootman cùng trung vệ Matt Hummels. Trong số này, Konoplyanka được xem là mục tiêu dễ chinh phục nhất. Hiện giờ ở Man Utd, ai cũng rõ ngoại trừ thần đồng Adnan Januzaj thì chẳng còn tiền vệ biên nào đáng tin cậy. Ashley Young gần như hết thời, Nani vẫn mãi ở dạng "tiềm năng" dù chẳng còn trẻ trung gì (27 tuổi) và rất khó chờ đợi tiền vệ người BĐN có được sự bứt phá vượt bậc vào mùa tới khi mà anh đã được trao quá nhiều cơ hội trong suốt những năm qua nhưng rốt cục vẫn rất phập phù, chưa kể lại thường xuyên dính chấn thương. Vấn đề của Nani không hẳn nằm ở tài năng mà còn ở chữ "duyên" (có thể chuyển sang một đội khác, Nani sẽ biến đổi hoàn toàn). Trong khi, Valencia chỉ là dạng tiền vệ "cần cù bù thông minh" và thiếu hẳn đi chất sáng tạo, đột biến vốn rất cần thiết với một cầu thủ tấn công.
Bởi vậy, kể cả Van Gaal có chủ trương xây dựng lối chơi thiên về trung lộ cho Man Utd thì ông vẫn cần phải sở hữu trong tay vài tiền vệ biên giỏi, nhất là khi "tạt cánh đánh đầu" luôn có đất dụng võ tại môi trường Premier League. Sau khi xem xét kỹ lưỡng một cách tổng thể, chiến lược gia 62 tuổi đã chấm Yevhen Konoplyanka. Dù từ ngày đầu khởi nghiệp cho đến nay, cầu thủ sinh năm 1989 vẫn chỉ chơi bóng tại quê nhà Ukraine nhưng anh được giới chuyên môn đánh giá cao. Konoplyanka có tốc độ, sức mạnh hoàn toàn phù hợp với giải Ngoại hạng và ngoài ra, anh còn chơi bóng rất thông minh, có đầu óc. Konoplyanka đang là trụ cột của CLB Dnipro Dnipropetrovsk và ĐTQG Ukraine. Nếu muốn mua Konoplyanka, chắc chắn Man Utd sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Liverpool, đội bóng đã theo dõi tiền vệ này từ lâu. "Quỷ đỏ" gặp đôi chút thua thiệt khi vắng bóng ở đấu trường châu Âu mùa tới còn Liverpool được dự Champions League nhưng Konoplyanka cần hiểu rằng, Liverpool hiện không thiếu phương án bố trí hàng công nên Konoplyanka sẽ vấp phải sự cạnh tranh rất quyết liệt còn tại Man Utd, khả năng được ra sân thường xuyên, ít nhất trong giai đoạn đầu, cao hơn rất nhiều (tất nhiên Konoplyanka mà không chứng tỏ được mình thì sẽ bị đẩy lên băng ghế dự bị).
Với trường hợp của Mats Hummels, thì đây rõ ràng là một thương vụ hoàn toàn dễ hiểu và là sự lựa chọn sáng suốt cho vị trí trung vệ sau khi cặp trung vệ thép một thời Nemanja Vidic - Rio Ferdinand đã chính thức ra đi, để lại những khoảng trống to đùng nơi hàng thủ mà cần phải lấp ngay. Hiện tại, trong thành phần đội 1 Man Utd có 3 trung vệ chính hiệu: Jonny Evans, Phil Jones và Smalling. Nhìn sơ qua đã thấy rõ chưa ai đạt đến tầm cỡ thế giới. Jones đầy triển vọng trở thành thủ lĩnh mới trong tương lai của hàng phòng ngự áo đỏ nhưng anh mới 22 tuổi, còn phải học hỏi nhiều. Evans đã có sự lột xác đáng kể trong mấy năm gần đây lúc được thường xuyên gánh vác trọng trách thay hai đàn anh đã ra đi nhưng đẳng cấp thực sự của Evans vẫn là một dấu hỏi lớn. Nói một cách khác, trung vệ đã 26 tuổi này không cho thấy cái chất cần có của một sao lớn. Smalling nhiều tuổi hơn Jones nhưng lại chưa thăng tiến chậm chạp và có nguy cơ trở thành một Evans thứ hai (tức là chỉ ở mức tròn vai chứ không quá xuất sắc). Do đó, đội chủ sân Old Trafford cần thêm một trung vệ danh tiếng như Hummels. Trình độ của tuyển thủ quốc gia Đức đã được khẳng định qua những năm tháng khoác áo Dortmund và với bề dày kinh nghiệm, anh sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thích ứng ngay với môi trường mới. Hiển nhiên mua được Hummels ngon hơn nhiều là đầu tư vào một gương mặt trẻ vì cái mà Man Utd cần vào lúc này là kinh nghiệm, đẳng cấp, bản lĩnh.
Ngoài trung vệ, vị trí tiền vệ trung tâm cũng sẽ là một trọng tâm hàng đầu của Man United phiên bản Van Gaal. Tom Cleverley vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng còn bản hợp đồng đắt giá Marouane Fellaini đích thị là một thảm họa, khi anh thích nghi quá chậm chạp và khiến tất cả hoài nghi về khả năng có thể khoác áo một đội bóng. Michael Carrick vẫn giữ được sự ổn định cao nhưng lại khá luống tuổi trong khi Darren Fletcher thực sự đã hết giá trị sử dụng. Chính vì thế việc đem về một mẫu tiền vệ như Bastian Schweinsteiger là giải pháp hữu hiệu để gia cố tuyến giữa. Nếu so với Toni Kroos, một tiền vệ khác của Bayern mà cũng được cho trong tầm ngắm của "Quỷ đỏ" thì Schweinsteiger dễ chiêu mộ hơn nhiều bởi đơn giản tiền vệ này đã 30 tuổi nên "Hùm xám" tất nhiên không quá níu chân bằng mọi giá (còn Kroos mới 24 tuổi) và số tiền cần phải bỏ ra sẽ không quá nhiều. Tất nhiên Man Utd thừa hiểu Schweinsteiger không phải một phương án dài hơi nhưng trước mắt, để nhanh chóng lấy lại vị thế thì không nhiều người thích hợp hơn Schweinsteiger. Có cầu thủ này trong tay, Van Gaal sẽ khỏi phải đau đầu về chuyện thiếu một thủ lĩnh, một tiền vệ biết cầm trịch ở khu vực giữa sân. Nên nhớ chính Van Gaal đã có công không nhỏ trong việc biến Schweinsteiger từ một tiền vệ cánh đơn thuần thành một tiền vệ trung tâm tài ba.
Nếu như Schweinsteiger chỉ là giải pháp "khẩn cấp" thì Kevin Strootman sẽ là tương lai lâu dài của Man Utd. Van Gaal đã quá hiểu cậu học trò cưng qua thời gian cộng tác ở ĐTQG Hà Lan. Mùa hè 2013, Strootman từng là mục tiêu theo đuổi của Man Utd song chỉ vì không dám bạo chi mà họ đã bị AS Roma cướp mất để rồi Strootman đã chơi tuyệt hay nơi tuyến giữa đội bóng thành Rome cho đến lúc dính phải chấn thương nghiêm trọng hồi tháng 3 vừa qua, khiến Strootman không thể góp mặt ở VCK World Cup 2014. Tuy nhiên, Strootman được dự báo sẽ phải đến cuối năm nay mới có thể tái xuất đồng nghĩa, Man Utd sẽ chấp nhận rủi ro mang về Old Trafford một thương binh. Dẫu vậy, Strootman còn trẻ (sinh năm 1990) nên hoàn toàn đủ sức lấy lại sức khoẻ, phong độ trong thời gian sớm nhất. Hãy nhớ lại trường hợp của Ruud Van Nistelrooy. Trước khi gia nhập Man Utd vào năm 2001, Nistelrooy từng dính chấn thương vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm khả năng giải nghệ đã được tính đến nhưng cuối cùng, Van the Gol đã vượt qua tất cả để rồi trở thành một trong những tiền đạo hay nhất châu Âu trong gần một thập kỷ. Để cẩn thận, Man Utd có thể chịu khó chờ đợi Strootman tái xuất và lại tung hoành dũng mãnh trên sân nhưng khi ấy, chắc gì AS Roma đã chịu nhả người hoặc Man Utd sẽ mất thêm hàng đống tiền. Mua Strootman vào lúc này sẽ được giá hơn nhiều. Một canh bạc không chỉ ẩn chứa rủi ro mà còn tiềm tàng lợi nhuận to lớn.
Có thể tham vọng to lớn của Van Gaal không thể hoàn tất như mong muốn song chắc chắn, Man Utd sẽ không được phép tái diễn sai lầm của mùa trước khi tỏ ra quá chậm chạp trên TTCN để rồi vội vàng mua phải "hàng lởm" như Fellaini, nhất là khi đội bóng đang cần phải cải tiến một cách sâu rộng, triệt để chứ không phải chỉ cần mua thêm 1-2 cầu thủ là đủ.
Bảo Phương