(Bongda24h) - Cuối tuần này, hai đội bóng giàu thành tích nhất đảo quốc sương mù sẽ chạm trán với nhau ở Old Trafford trong cặp đấu được xem là derby đích thực của nước Anh, hơn bất cứ một trận chiến nào khác dẫu rằng Liverpool bây giờ không còn được như xưa. Ngoài sự hận thù truyền kiếp, có thể dễ dàng liên tướng đến sự trùng hợp kỳ lạ giữa hoàn cảnh hai đội và của cả hai chiến lược gia.
Năm 1986, Alex Ferguson tiếp quản Man Utd (khi đó Rodgers mới 13 tuổi và rất hâm mộ .... Man Utd). Đúng ngày lễ tặng quà (Boxing Day, 26/12), ông lần đầu chạm trán Liverpool ở tuổi 45, chỉ 6 tuần sau khi ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng đội bóng. Hôm đó, Man Utd giành thắng lợi 1-0 ngay tại Anfield nhờ công của Norman Whiteside, cựu danh thủ người Bắc Ai Len hiện đang giữ kỷ lục "Cầu thủ trẻ nhất ra sân ở VCK World Cup" (17 tuổi 41 ngày tại World Cup 1986). Đó cũng là thắng lợi duy nhất trên sân khách của Man Utd trong cả mùa. Hơn 1/4 thế kỷ sau, Sir Alex chuẩn bị bước vào cuộc đối đầu thứ 62 với Liverpool trong khi Rodgers (sắp tròn 40 tuổi) sẽ trải qua lần thứ 2 chạm trán với Man Utd trên cương vị thuyền trưởng The Kop nhưng là lần đầu tiên trên Old Trafford (lượt đi tại Anfield, Man Utd thắng 2-1 nhờ công của Rafael Da Silva và Van Persie còn Gerrard là người gỡ lại danh dự cho Liverpool). Hiện tại, Liverpool đang kém Man Utd 21 điểm trên BXH, khoảng cách lớn nhất kể từ khi Fergie dẫn dắt Man Utd, tương đươg với "kỷ lục" do HLV Graeme Souness thiết lập vào năm 1994. Đó là còn chưa tính đến chuyện gần 20 năm qua, Liverpool đã hoàn toàn phải sống dưới cái bóng của đối thủ.
Brendan Rodgers cần được trao thêm nhiều thời gian nữa
Quay ngược lại lịch sử, lúc Sir Alex đến thành Manchester thì Liverpool mới chính là thế lực thống trị nước Anh còn Man Utd mãi chưa thoát khỏi thời kỳ tăm tối (tính năm 1990, thời điểm Liverpool lần cuối cùng giành chức VĐQG, "Quỷ đỏ" trải qua 23 năm liền trắng tay và đến năm 2013, Liverpool cũng .... 23 năm không được sờ tay đến chiếc cúp nội địa danh giá nhất trong khi Man Utd đang có rất nhiều cơ hội đăng quang). Trong khoảng thời gian "quá độ" của Man Utd (từ 1986 đến 1990), Liverpool 2 lần vô địch còn thành tích tốt nhất của Man Utd là ngôi á quân mùa 1987-1988 (kém đội vô địch .... Liverpool 9 điểm) và các mùa còn lại, Man Utd đều chỉ đứng ở nửa dưới của BXH, toàn kém Liverpool từ hai chục điểm trở lên. Tuy nhiên, bước ngoặt của Man Utd phiên bản Sir Alex Ferguson đã xuất hiện cũng vào cái năm 1990 "đáng nhớ" với cả hai đội khi chiến lược gia người Scotland đoạt danh hiệu đầu tiên cùng Man Utd (cúp FA). Tính từ cái dấu mốc đó, bầy "Quỷ đỏ" vươn lên không ngừng trái ngược với sự tụt dốc liên tục của The Kop. Ngay mùa sau đó (1991-1992), Man Utd đã vươn lên xếp thứ 2 tại giải VĐQG sau Leeds United và mùa kế tiếp, họ đã chấm dứt cơn khát danh hiệu dài đằng đẵng (còn Liverpool cũng biến mất luôn khỏi Top 4). Tương quan giữa hai đội về sau ra sao thì có lẽ chẳng cần phải đề cập nhiều nữa vì rõ như ban ngày. Có chăng, Liverpool vãn hồi lại được danh dự của mình nhờ vài thành tích vang dội ở các giải cúp (1 cúp UEFA, 1 Champions League) chứ còn ở đấu trường Premier League thì The Kop không đáng .... "xách dép" cho Man Utd, thậm chí bây giờ, nhiều người đã loại đội bóng vùng Merseyside ra khỏi danh sách "đại gia" bởi thành tích ngày càng đi xuống đến mức thảm hại (thay vì ấp ủ giấc mộng vô địch, giờ đây Liverpool chỉ dam đặt mục tiêu giành một suất tham dự cúp châu Âu, kể cả Europa League cũng sướng lắm rồi).
Nói dông dài như thế để khẳng định một điều: Sir Alex chưa chắc đã tạo dựng nổi đế chế Man Utd thống trị nước Anh nếu như không nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ ban lãnh đạo bởi hãy nhớ rằng cần phải mất tới 4 năm, ông mới đem về danh hiệu đầu tiên và 2 năm nữa, Man Utd trở lại ngôi vị số 1 ở giải VĐQG. Có thời điểm, tưởng như chiếc ghế của ông sắp bay đến nơi nhưng rốt cục, những quan chức điều hành đội bóng vẫn nhìn thấy ở nhà cầm quân này phẩm chất, năng lực của một vị HLV tài năng để quyết định giữ ông lại và họ đã không phải hối hận về quyết định của mình. Đúng là Man Utd và Sir Alex đã tìm đến với nhau như cái duyên kỳ ngộ song nếu không có sự tỉnh táo, kiên nhẫn của những người lãnh đạo thì làm gì có một Man Utd hùng mạnh như ngày nay. Phải chăng, Liverpool nên lấy đó làm tấm gương để đặt niềm tin lớn hơn vào HLV trưởng Brendan Rodgers ngay cả khi nhà cầm quân này chưa thể sớm mang đến thành công cho đội bóng bởi khẳng định Rodgers "bất tài hay có tài" vào thời điểm này e rằng quá sớm.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ Daily Mail, Peter Davenport, cựu tiền vệ từng có 2 năm khoác áo Man Utd (1986-1988) và hiện đang làm giáo viên thể dục, bộc bạch: "Thực sự, tôi nhìn thấy nhiều điểm tương đồng giữa Alex Ferguson và Bredan Rodgers. Cả hai đều kiên định, mạnh mẽ với quan điểm phát triển đội bóng từ gốc và trao nhiều cơ hội cho các sao trẻ. Tuy nhiên, Sir Alex đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ ban lãnh đạo khi chấp nhận cho ông thêm thời gian chứ không thúc ép, bắt phải thành công ngay tức thì. Nếu họ sốt ruột, tin chắc ông ấy khó lòng giữ nổi chiếc ghế của mình bởi lúc đó, Man Utd thi đấu rất thất thường, chẳng khác gì Liverpool hiện nay. Chính nhờ niềm tin và sự ủng hộ tuyệt đối đó, Sir Alex mới có thể hình thành ra một đội bóng mới đủ sức đe doạ sự độc tôn của Liverpool và kết cục ra sao thì tất cả đã rõ".
Theo Davenport, Liverpool và Rodgers rất cần một bệ phóng giống như Man Utd và Sir Alex: "Năm 1990, Man Utd bắt đầu có danh hiệu. Nếu Rodgers làm được điều tương tự thì biết đâu đấy, một thời kỳ mới sẽ mở ra trước mắt và ban lãnh đạo cũng sẽ thêm tin tưởng vào kế hoạch xây dựng Liverpool của Rodgers. Mấu chố nằm chín ở quan điểm, suy nghĩ của ban lãnh đạo: Cho Rodgers thêm nhiều thời gian nữa hay thất vọng để rồi tiến hành sự thay tướng. Chắc chắn phải vài ba năm nữa, Liverpool may ra mới có thể hình thành ra một đội có thể cạnh tranh được với Man Utd trong khi Rodgers mới dẫn dắt đội được hơn nửa năm và hồi mùa hè, cũng có quá thời gian chuẩn bị. Khi còn dẫn dắt Swansea, Rodgers đã thể hiện được tài năng của mình và tạo ra một đội đáng gờm thì tại sao Rodgers không thể tái lập điều đó ở Liverpool. Mới đây, The Kop vừa chiêu mộ Daniel Sturridge nhưng trước mắt họ cần thêm 3-4 gương mặt trẻ tương tự".
Trong khi đó, Norman Whiteside, nhân vật đã được nhắc đến ở phía trên, cũng chung quan điểm như ông bạn cũ Davenport: "Tôi không biết nhiều về Brendan Rodgers nhưng đã đọc được không ít đánh giá, nhận xét tốt về chiến lược gia này. Sẽ thật là xấu hổ và đáng tiếc nếu Liverpool không cho ông ấy thêm cơ hội. Tôi biết bóng đá bây giờ rất khắc nghiệt nhưng tôi luôn giữ quan điểm rằng: Để thành công, một HLV tối thiểu phải cần thời gian 3 năm. Theo đó, năm đầu sẽ là làm quen, phát hiện ra những điểm yếu, hình thành triết lý và xây dựng phương án. Năm thứ 2, bắt tay vào xây dựng một đội bóng mạnh theo quan điểm của mình và đến năm thứ 3, có thể an tâm ngồi tận hưởng thành quả. Thật điên khùng khi cứ bắt HLV phải mau chóng đem lại vinh quang cho CLB".
Xem ra, ý kiến của hai "Quỷ đỏ" tiền bối cũng rất đáng để tham khảo đấy chứ. Liverpool cũng chẳng "lắm tiền nhiều của" như Chelsea, Man City, Real Madrid để có thể sử dụng chính sách "dùng tiền mua thành công", do vậy, xậy dựng đội từ những sao trẻ giàu tiềm năng vẫn là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt bền vững mà quá trình đó cần nhiều thời gian chứ không thể "một sớm một chiều" được.
Bảo Phương - Bongda24h.vn