Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd giỏi ghi bàn từ "bóng chết": Bình thường & Bất thường

Thứ Hai 08/10/2012 10:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hai bàn thắng của M.U được ghi do công của Patrice Evra và Jonny Evans, từ những quả đá phạt góc. Việc M.U giải quyết trận đấu bằng những tình huống cố định là một sự kiện thường lệ: mùa giải trước, họ là đội đứng thứ 2 về số bàn thắng đến từ bóng chết (18 quả), chỉ sau Man City và Blackburn. Mùa này, sau 2 bàn thắng ấy, họ đã có 5 bàn thắng từ dàn xếp đá phạt, cũng chỉ kém Man City 1 bàn.

1. Nhưng Evra và Evans ghi bàn là những sự kiện không thường lệ. Evra, trong suốt 8 mùa giải khoác màu áo đỏ, mới chỉ có 2 bàn thắng. Và khác với tưởng tượng về tình huống ghi bàn của các hậu vệ, anh chưa bao giờ ghi bàn từ một quả đá phạt góc.

Bàn đầu tiên của Evra trong màu áo M.U là vào lưới Everton ngày 30/11/2006, từ một cú dứt điểm bằng chân sau khi đã phá bẫy việt vị của đối phương và nhận đường chuyền từ Rooney. Bàn thứ 2 của anh, “gần gũi” hơn, là một quả đánh đầu, nhưng cũng từ một pha bóng sống. Anh lập công từ một pha đánh đầu sau quả tạt của Park Ji-sung trong trận thắng 2-0 trước Wigan ngày 20/11/2010.

Evans là người châm ngòi cho trận đại thắng của M.U
Evans là người châm ngòi cho trận đại thắng của M.U

Trước trận đấu này, Jonny Evans cũng mới chỉ có đúng một bàn thắng sau 6 năm thuộc biên chế Quỷ Đỏ. Nó đến hồi tháng 3 năm nay, vào lưới Wolves, và đến từ một cú sút. Kể lại những chuyện ấy để biết rằng trong sự thường lệ có sự không thường lệ, trong bình thường có bất thường. Và cái cách M.U tạo ra những tình huống “bất thường” như thế đã làm nên đẳng cấp của họ.

2. Bản thân Newcastle United cũng là một đội bóng không thường lệ. Hôm qua, cây viết Henry Winter của tờ Telegraph, một trong những nhà báo thể thao nổi tiếng nhất nước Anh, đã lao xuống dòng sông Tyne lạnh giá và bơi 10 dặm vì thua độ. Ông từng cá với công chúng rằng Alan Pardew sẽ không bao giờ trở thành HLV dài hạn của Newcastle. Thế mà rồi cuối tháng 9, Pardew được tặng một bản hợp đồng kéo dài tới tận năm… 2020, dài nhất trong số các HLV làm việc tại Premiership hiện nay. Chuyện đó không ai ngờ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Alan Pardew từ một sự bổ nhiệm “bất thường” trở thành “hết sức bình thường”, tất nhiên là chiến thắng 3-0 trước M.U ở mùa trước. Chiến thắng ấy nói rằng ông đã biến Newcastle trở thành một đội bóng gai góc như thế nào.

Nhưng đêm qua, Newcastle gai góc của mùa giải 2011/12 lại quay trở về với sự bình thường, khi những bất thường của Evra và Evans xen vào trận đấu, khi một quyết định “hơi bất thường” của trọng tài Howard Webb từ chối bàn thắng của Cisse khi bóng dường như đã đi qua vạch vôi.

Rất có thể là cái chỗ đứng vững như bàn thạch của Alan Pardew hôm nay, có thể lung lay chỉ bởi những khoảnh khắc bất thường như thế.

3. Hôm qua là sinh nhật của Niels Bohr, một trong những nhà vật lý có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông nổi tiếng vì một cuộc tranh luận với Einstein. Kể ra thì rất phức tạp (bởi đó là một tranh luận khoa học). Nhưng chi tiết nổi tiếng nhất là khi Einstein đưa ra tuyên bố nổi tiếng nhất của ông: “Chúa không chơi xúc xắc!”. Bohr trả lời: “Ông đừng bảo Chúa phải làm gì”.

Einstein không tin vào những may rủi, nhưng trong cuộc sống, Chúa đôi khi đúng là có chơi xúc xắc như lời Bohr. Man United đã thắng rất xứng đáng và tiếp tục khẳng định đẳng cấp của họ. Nhưng gọi nó là một chiến thắng bình thường thì có phần bất công với Newcastle. Nếu tinh ý, vẫn nhận được ra những “bất thường” trong đó. Bất thường đáng vỗ tay, và bất thường đáng ngẫm nghĩ.

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X