M.U từng cử người theo dõi anh từ cuối mùa giải trước. Arsenal và Liverpool đang thèm khát anh. Atletico muốn đưa anh trở lại Liga. Thậm chí, cách nước Anh hơn 4500 km, gã nhà giàu Anzhi Makhachkala cũng đánh mắt sang. Tại sao họ không mua Michu sớm hơn, để bây giờ khỏi phải xuýt xoa?
Danh sách những đội từng theo đuổi Michu hồi mùa hè còn có cả Tottenham nữa, nhưng rốt cuộc, Spurs đã chọn Sigurdsson, với giá 7 triệu bảng. Điều trớ trêu là sau này Michu đã cập bến Swansea với giá vỏn vẹn 2 triệu bảng, để trám vào đúng vị trí mà Sigurdsson để lại.
M.U từng bỏ qua Michu
Hè vừa qua, tình hình tài chính của Rayo Vallecano thê thảm đến nỗi họ đành lòng bán rẻ những trụ cột của mình, trong đó có Michu, người đã ghi đến 15 bàn thắng trong mùa đầu tiên thi đấu tại La Liga. Anh cũng là tiền vệ ghi nhiều bàn nhất ở giải đấu này mùa đó. M.U đã cho người sang Tây Ban Nha để xem Michu thi đấu, và từng có ý định chiêu mộ anh. Đội bóng Tây Ban Nha hét giá 8 triệu bảng, song thật ra, nếu kiên nhẫn theo đuổi, M.U cũng chỉ tốn khoảng 3 triệu bảng. Nhưng rồi M.U chuyển hướng sang Shinji Kagawa, với cái giá đắt hơn nhiều (17 triệu bảng). Lý do: ngoài vị thế nhạc trưởng của nhà vô địch Bundesliga Borussia Dortmund, tiền vệ người Nhật còn đóng vai trò chiếm lĩnh thị phần châu Á cho M.U, sau khi Park Ji-sung đã ra đi.
Trong một năm mà thứ bóng đá tiki-taka của Barcelona tiếp tục là mốt, các ông lớn thường hướng sang Tây Ban Nha để mang về những nhạc trưởng về lối chơi, với vóc dáng nhỏ con, đôi chân cực khéo và nhãn quan chiến thuật sắc bén. Chính vì thế, cái dáng lòng khòng của Michu (anh cao tới 1m91) không thu hút sự chú ý của họ, dù khả năng ghi bàn của anh hết sức ấn tượng. Chelsea là điển hình cho cách nghĩ ấy với việc mang về Hazard và Oscar dù họ đã có Mata, còn Arsenal sẵn sàng bỏ ra số tiền kỷ lục để có Cazorla.
Không đội bóng nào trong số trên chơi tiki-taka hay như Swansea, cả ở mùa trước cũng như bây giờ. Đội bóng của Michael Laudrup chẳng cần đá 4-3-3 như Barcelona, nhưng dấu ấn về tiki-taka thì vẫn rõ nét với những đường đan bóng nhanh với tốc độ cao, bất chấp đối thủ là ai. Michu cũng không phải mẫu nhạc trưởng kiến tạo như Silva hay Mata, nhưng anh mang đến những phương án tiếp cận khung thành thú vị nhờ khả năng đột phá đầy sức mạnh từ vị trí hộ công, và tất nhiên phải kể đến kỹ năng dứt điểm tinh tế của anh nữa.
Muốn có Michu, hãy chồng đủ 30 triệu bảng
Đó là tuyên bố thẳng thừng của Michael Laudrup trước những lời chèo kéo đối với cậu học trò của mình. Khi được hỏi về chuyện Liverpool đang quan tâm đến Michu, nhà cầm quân người Đan Mạch thản nhiên: “Joe (Allen) đã tới Liverpool với cái giá mà các bạn biết rồi đấy. Mà người ghi nhiều bàn thắng hơn, sẽ phải đắt giá hơn”. Allen, trị giá 15 triệu bảng, đã ghi 6 bàn cho Swansea trong hai mùa giải. Còn Michu ghi được gấp đôi như thế, dù anh mới đá chưa được nửa mùa.
Tất nhiên, so sánh ấy là rất khập khiễng, bởi vị trí thi đấu của họ khác nhau, nhưng giá trị của Michu rõ ràng đã tăng gấp bội nhờ thành tích ghi bàn của anh. Với 12 bàn thắng, anh đã đưa Swansea lên hạng 8. Không có anh, đội bóng này hẳn đang vật lộn trụ hạng. Ghi chừng ấy bàn thắng chỉ sau 20 cú sút trúng đích, hiệu suất làm bàn của anh còn vượt cả van Persie, Demba Ba và Luis Suarez. Hồi đầu tháng, anh là cơn ác mộng của Arsenal với một cú đúp ngay tại Emirates. Còn Chủ nhật này, trong lần so tài với van Persie, người đang cùng chia sẻ ngôi đầu ở danh sách làm bàn, Michu hoàn toàn có thể khiến lễ Giáng sinh của Quỷ đỏ mất vui.
Michu trả lời trên Daily Mail rằng anh đang hạnh phúc ở Swansea, nhưng thật ra, nếu đội bóng nào sẵn sàng trả 30 triệu bảng, Laudrup chắc chắn chẳng bỏ lỡ thời cơ bán anh. Và khi ấy, với 28 triệu bảng tiền lãi, đó sẽ là thương vụ sinh lời lớn thứ ba trong lịch sử Premier League, sau C.Ronaldo và Torres (xem cột). Vấn đề là M.U phải “chăm” Ronaldo đến 6 năm, Liverpool “nuôi” Torres đến 4 năm. Còn Swansea? Nên nhớ, họ mới mua Michu chưa đầy nửa năm mà thôi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)