Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd "chọc ngoáy" vào chiến lược "đi tắt đón đầu" của người hàng xóm Man City

Thứ Năm 06/09/2012 11:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Ai cũng rõ, thành công vang dội của Man xanh mấy năm qua hoàn toàn được hình thành từ nguồn tài chính khổng lồ của các ông chủ người Ả Rập Xê Út. Hàng trăm triệu bảng đã được ném ra không thương tiếc, kéo theo một loạt ngôi sao cập bến Etihad để rồi Man City được nâng lên hàng "đại gia" và mùa trước đã xuất sắc đăng quang ở Premier League (cách đó 1 năm là chiếc cúp FA). Tuy nhiên, rất có thể vài năm nữa, Man City sẽ khó lòng chi tiêu thoải mái được nữa bởi BTC Premier League đang tính đến chuyện áp dụng đạo luật Tài chính công bằng như UEFA và đội "khơi mào" cho kế hoạch này không ai khác ngoài Man Utd, "tên láng giềng" đáng ghét của Man xanh.

Tính từ năm 2008, thời điểm mà Man City rơi vào tay giới tỷ phú thừa tiền đến từ Trung Đông, mùa giải nào, đội bóng này cũng trở thành tâm điểm trên TTCN bởi khả năng chi tiền thoải mái, ít ai sánh nổi. Hầu như vụ nào có bàn tay của Man City nhúng vào, y như rằng giá trị bị đẩy quá xa so với thực tế. Rốt cục, chẳng những Man xanh bị mua đắt mà ngay cả các đội khách cũng vô tình bị tác động từ cuộc "lạm phát" giá cầu thủ. Song hành với phí chuyển nhượng thì lương, thưởng của cầu thủ cũng ngày càng tăng lên, phá vỡ mọi giới hạn mà các đội ra sức giữ trong một thời gian dài. Khủng khiếp nhất là mùa giải 2010-2011 khi Man City ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới: âm 197 triệu bảng còn Chelsea, Liverpol, cũng lỗ tương ứng 68 triệu và 49 triệu. Kỳ chuyển nhượng hè vừa rồi, tốc độ chi tiền của Man City đã được phanh lại nhưng nhà ĐKVĐ Premier League cũng kịp tiêu gần 40 triệu bảng.

manchester united
Luật Tài chính công bằng mà được áp dụng thì Man Utd sẽ càng được chắp thêm cánh

Nhằm hạn chế bớt tình trạng mua sắm vô tội vạ và khuyến khích các đội chú trọng vào công tác đào tạo trẻ, nền tảng cốt lỗi của môn Thể thao Vua, UEFA đã ban hành đạo luật "Tài chính công bằng" và chuẩn bị được áp dụng trong vài năm nữa. Theo đó, các đội cần phải cân bằng được thu - chi để có được bản báo cáo tài chính đẹp, bằng không sẽ nhận lấy sự trừng phạt nghiêm khắc của UEFA mà cao nhất là cấm tham dự các cúp châu Âu. Không chỉ UEFA mà một số Liên đoàn bóng đá quốc gia cũng dự định áp dụng đạo luật tương tự, trong đó quyết liệt nhất có lẽ là Premier League. Được biết hồi tháng 6, đích thân Manchester United đã lên tiếng yêu cầu phải mau chóng thiết lập các biện pháp kiểm soát tình hình tài chính các CLB tham dự Premier League và lời kêu gọi của đội bóng số 1 nước Anh trong gần 2 thập kỷ qua lập tức nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều bên. Dự kiến, trong ngày hôm nay, FA sẽ tổ chức buổi thảo luận chi tiết về vấn đế này với sự tham gia của các đội bóng tại giải Ngoại hạng, giới chuyên gia ở nhiều lĩnh vực cùng quan chức đứng đầu nền bóng đá xứ sương mù.

Trước thềm buổi họp, Dave Whelan, chủ tịch CLB Wigan (cũng nằm ở vùng Manchester như hai "đàn anh" Man Utd và Man City) cho hay: "Chính Man Utd đã đưa ra đề xuất kiểm soát tài chính các đội than dự Premier League và tôi tin chắc, Man City sẽ ra sức phản đối. Song cá nhân tôi cho rằng nên phải đề ra biện pháp khống chế, quản lý chặt chẽ vấn đề chi tiêu. Thực tế đã chứng minh, có những đội đã chi vượt quá khả năng để rồi tự đẩy mình vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như trường hợp của Portsmouth. Cần phải thực hiện ngay vài giải pháp thích hợp và chúng tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ bằng cả hai tay".

Dĩ nhiên, "kẻ cầm đầu" cuộc chiến chống lại thế lực nhà giàu thừa tiền ở Premier League (Man City, Chelsea) hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thành công. David Gill, Giám đốc điều hành của Man Utd, bày tỏ: "Rất nhiều đội bóng sẽ hạnh phúc và vui mừng khi những điều luật tài chính công bằng được áp dụng ở Premier League. Khó tránh khỏi có một số đội sẽ phản đối song đã đến lúc cần phải làm vì sự phát triển bền vững của bóng đá. Championship (giải hạng nhất Anh - PV) và Champions League đều đã đưa ra quy định kiểm soát tài chính thì tại sao Premier League lại có thể đứng ngoài cuộc mãi".

Thực ra, dưới bàn tay của Alex Ferguson, Man Utd luôn rất chú trọng vào phát triển, xây dựng hệ thống đào tạo trẻ và chiến lược mua sắm cầu thủ cũng rất có bài bản, được kiểm soát chứ không phải "vô tội vạ" nên bảo sao, Man Utd không khởi xướng và ra sức ủng hộ cho cái gọi là "Tài chính công bằng" ở Premier League. Bởi chắc chắn, họ chẳng bao giờ phải chịu thiệt thòi nếu quy định đó được áp dụng, thậm chí còn có lợi vì kiểu gì hai đối thủ chính cũng sẽ bị tác động không nhỏ. 

  • Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X