Từ Champions League đến Premier League mùa này, Chicharito lừng danh với những bàn thắng quan trọng vào lưới Chelsea, Braga, Aston Villa và QPR, sau khi được tung vào sân thay người. Anh xứng đáng được gọi là Cầu thủ siêu dự bị.
THẾ BÍ TẠO ANH HÙNG...
Lại một lần nữa, Chicharito vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn ấn định chiến thắng 3-1 cho M.U, ở trận tiếp đội bét bảng QPR (vòng 13). Ở vòng 11, anh cũng vào sân thay người và lập tức ghi 2 bàn, giúp M.U thắng ngược 3-2 trên sân Aston Villa. Khen siêu dự bị Chicharito thì quá đơn giản, điều quan trọng là vì sao một cầu thủ giỏi như thế cứ phải ngồi ghế dự bị? Anh có xứng đáng đá chính trong đội hình M.U?
Giữa 2 trận gặp Villa và QPR, M.U có 2 trận khác: gặp Norwich ở Premier League và Galatasaray ở Champions League. Chicharito đá chính ở trận gặp Norwich và gây thất vọng. Anh chỉ chạm bóng 33 lần, tung được 25 đường chuyền chính xác, với vỏn vẹn 1 đường chuyền nguy hiểm nhưng tịt ngòi hoàn toàn, thậm chí không có lấy một cú sút. Đến trận gặp Galatasaray, anh lại đá chính và mờ nhạt cả trận.
Chicharito lại ngồi ngoài, để rồi lại được tung ra cuối tuần trước, khi M.U bế tắc, và lại trở thành người hùng! Dù muốn hay không, người ta cũng phải kết luận: Chicharito trước sau vẫn chỉ thích hợp với ghế dự bị. Vâng, anh hơn người ở chỗ đáng gọi là siêu dự bị nhưng vì sao lại không thành công mỗi khi đá chính? Vấn đề nằm ở lối chơi.
Các biểu đồ nhiệt cho thấy tầm hoạt động của Chicharito rất hẹp (so với Rooney hoặc Van Persie). Anh hầu như chỉ lởn vởn ở vòng tròn giữa sân khi đội nhà không có bóng, và luôn chực chờ lao vào vùng cấm để chớp lấy cơ hội ghi bàn khi M.U tấn công.
Chicharito rất ít khi di chuyển ra biên, hầu như không tham gia vào khâu triển khai tấn công, không chạy chỗ để tạo khoảng trống cho đồng đội, không cầm bóng, cũng ít khi chuyền để phối hợp với cầu thủ khác. Anh chỉ luẩn quẩn rình rập ở khu vực trung lộ để chờ đợi.
Giới hâm mộ nhận định, hai đội bóng thành Manchester đang sở hữu 2 siêu dự bị là Chicharito (M.U) và Edin Dzeko (Man City). Cả hai đã nhiều lần vào sân thay người và ghi bàn thắng trị giá 3 điểm. Nhưng có khác biệt lớn giữa 2 siêu sao này, một người là ngôi sao dự bị siêu hạng, còn người kia là ngôi sao siêu hạng ngồi dự bị.
...BẦN CÙNG TẠO CHICHARITO
Với lối chơi như thế, nếu Chicharito thi đấu đủ 90 phút thì quá phí phạm. Bóng đá hiện đại thường đòi hỏi pha tấn công phải được triển khai đến nhịp 2 hoặc nhịp 3, chứ không phải cứ chuyền và kết thúc trong 1 tình huống duy nhất. Ngoài ra, tiền đạo hiện đại phải giỏi phối hợp (chưa bàn về khả năng hỗ trợ phòng thủ), chứ không thể chỉ lo chớp thời cơ ghi bàn.
Mặt khác, bản thân Chicharito có lối chơi khá tự nhiên. Anh khai thác cơ hội một cách tuyệt vời, như thể đấy là bản năng sẵn có. Nhờ luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, anh có 5 bàn chỉ với 13 lần tung cú dứt điểm ở Premier League (hiệu suất ghi bàn của anh tại Champions League cũng chẳng khác mấy).
Rõ ràng, Chicharito thuộc mẫu cầu thủ có thể ghi bàn trong những thời điểm khó khăn, tự mình giải quyết toàn cục, kéo luôn cả đội ra khỏi tình trạng bế tắc nhưng không phải là ngôi sao của lối chơi đồng đội. Buộc anh phải gò mình vào kỷ luật chiến thuật, chơi theo bài bản cả trận, có khi lại phản tác dụng.
Tóm lại, Chicharito là trường hợp tiêu biểu của dạng cầu thủ chỉ thích hợp với ghế dự bị, có thể vào sân trong hoàn cảnh toàn đội bế tắc và tự tỏa sáng theo hơi hướng cá nhân. Gọi đấy là siêu dự bị thì quá chuẩn rồi và vì sao không nên có suất đá chính thì cũng đã rõ ràng.
Kinh Thi - BĐCS