Thứ Hai, 23/09/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd cần đa dạng hóa lối chơi!

Chủ Nhật 20/01/2013 18:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khi các ứng viên vô địch đều có lực lượng hùng hậu, đầy ắp ngôi sao và phong độ tốt nhất để tiến đến giai đoạn tranh ngôi vô địch Champions League thì đâu là yếu tố quyết định? Chiến thuật. Đây là nhược điểm của M.U, khi so sánh với các đối thủ mạnh trong đẳng cấp cao.

Hàng thủ thủng lưới chỉ ít hơn một đội trong cả nửa trên của BXH Premier League. Những trận thắng ngược quá nhiều, làm giới hâm mộ luôn phải “thót tim”. Tiền vệ thì đã có lúc phải dùng cả Scholes lẫn Giggs, tuổi đời cộng lại gần tròn... 80! Lạ thay, một M.U như thế lại đang dẫn đầu Premier League với khoảng cách đến 7 điểm so với đối thủ chính là Manchester City, với điểm số mà chưa bao giờ M.U vươn đến ở cột mốc sau 22 trận, và với khoảng cách coi như không thể san lấp với đối thủ duy nhất còn lại là Chelsea.

manchester united
 

Tóm lại, có thể nói gì khi một M.U với quá nhiều chỗ đang chờ cải thiện lại quá thành công ở Premier League? Có hai đề tài. Thứ nhất, nếu một M.U còn chưa thật sự thuyết phục mà vẫn thắng như chẻ tre như vậy, thì một M.U đã cải thiện được những nhược điểm hiện thời sẽ còn mạnh hơn rất nhiều. Hoặc giả, M.U sẽ còn mở rộng khoảng cách hơn nữa một khi các đối thủ chính của họ mất nhịp. Trên nguyên tắc, M.U trong vài tuần lễ sắp tới có thể mạnh lên trong khi Chelsea, Man City, Arsenal, Tottenham đều có thể suy yếu do mất người vì CAN 2013. Thầy trò HLV Alex Ferguson mà thắng trên sân Tottenham đêm nay thì giới quan sát có thể kết luận: chức vô địch Premier League mùa này coi như thuộc về Quỷ đỏ.

Vẫn biết là bóng đá Anh đậm tính giải trí, từng có những đội mất ngôi đầu bảng sau khi dẫn trước tới 6 hoặc 8 điểm. Nhưng khi M.U dẫn trước thì khác. Việc M.U lật đổ một đội yếu (như Newcastle ở mùa bóng 1995-1996) dĩ nhiên là phải dễ hơn việc Quỷ đỏ để cho đội khác hất văng khỏi ngôi đầu bảng. Vả lại, nếu như khoảng cách 7 điểm không hề giảm đi sau khi M.U làm khách trên sân Tottenham, thì phải khẳng định đấy là ưu thế quá vững chắc rồi. Khi ấy, vấn đề lại là Man City phải làm sao để không bị thày trò Sir Alex bỏ xa hơn nữa.

Đến đây, nảy sinh đề tài thứ hai: M.U cần làm gì để nâng cao hy vọng tranh ngôi vô địch Champions League, trong hoàn cảnh giả định là họ không còn gì để lo ở Premier League? Sẽ phải bàn về chiến thuật.

Mùa này không phải là ngoại lệ. Trong suốt triều đại của Alex Ferguson, M.U tuy hoàn toàn thống trị Premier League (vô địch 12/20 mùa đến nay), nhưng chưa bao giờ thật sự làm chủ đấu trường C1/Champions League. Hai chức vô địch trong 26 năm cầm quân của Ferguson rõ ràng là không có gì vang dội, so với 3 lần vô địch Champions League trong vòng 5 năm của Real Madrid, 3 lần vô địch trong vòng 6 năm của Barcelona, hoặc 3 mùa liên tiếp đá trận chung kết như Juventus. Trong thời gian Ferguson dẫn dắt Quỷ đỏ, AC Milan vô địch C1/Champions League đến 5 lần.

Đấy là do sự cứng nhắc về chiến thuật. Đây luôn là đặc điểm dễ thấy khi so sánh M.U với các đội bóng hàng đầu châu Âu. Tất nhiên, không ai thắng mãi. Nhưng khi Milan, Inter Milan, Barcelona, Real Madrid hoặc Bayern Munich thành công, họ luôn có chiến thuật rất đa dạng, linh hoạt và nhuần nhuyễn. M.U thì rất hiếm khi rời xa cách chơi 4-4-1-1 sở trường. Cùng lắm là hoán chuyển sang 4-2-3-1, nhưng nói chung họ không quá đặt nặng vấn đề chiến thuật. Ở Champions League, nơi mà các đội đủ mạnh để tranh ngôi vô địch đều không thiếu tài năng, có thực lực hùng hậu, lại tiến xa nhờ đạt đến phong độ tốt, thì người ta hơn thua nhau chủ yếu bằng bài bản chiến thuật.

Lý thuyết bóng đá nói gì?

Một đội yếu hơn đối phương có thể không thua nếu chọn được chiến thuật hợp lý để phòng thủ và triển khai tốt chiến thuật ấy. Còn khi muốn thắng, bạn phải tấn công, và phải hơn đối phương về tài năng. Nghĩa là chiến thuật tốt sẽ bảo đảm cho bạn không thua, nhưng muốn thắng thì bạn cần phải có tài năng. Đấy là lý thuyết bóng đá. Còn trên thực tế, M.U mùa này yếu nhất chỗ nào? Theo các số liệu thống kê chuyên môn thì điểm yếu lớn nhất của M.U nằm ở khâu “ngăn cản đối phương tạo cơ hội ghi bàn”. Đấy rõ ràng là một điểm yếu liên quan đến vấn đề chiến thuật, theo lý thuyết vừa nêu.

Vẫn cứ là bóng đá Anh

Với tỷ lệ chính xác lên đến 69%, M.U vẫn là đội bóng số 1 ở Premier League tính đến thời điểm này về khả năng chuyền dài. Đội bóng của Alex Ferguson đầy ắp ngôi sao và không thiếu phẩm chất kỹ thuật. Nhưng trước sau, đấy vẫn là một đội bóng Anh, phục vụ cho thói quen thưởng thức bóng đá của người Anh. Và M.U vẫn lấy cách chơi trực tiếp, sử dụng nhiều đường chuyền dài, làm “kim chỉ nam”.

Ngẫu hứng không hợp với Quỷ đỏ

Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2010 Diego Forlan từng phải chia tay Old Trafford như một món hàng phế thải. Nhà vô địch World Cup 2002 Kleberson hoặc ngôi sao Juan Veron cũng vậy. Dường như các ngôi sao đậm chất kỹ thuật và có lối chơi thiên về sự ngẫu hứng trong trường phái La-tinh đều không thích hợp với Man Utd. Tình trạng này có liên quan đến đặc điểm chiến thuật không mấy đa dạng của đội chủ sân Old Trafford?

Kinh Thi - Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X