Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Man Utd, Arsenal,... chỉ đáng "xách dép" cho Barca trong lĩnh vực đào tạo trẻ

Thứ Ba 27/11/2012 15:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Tại chiến thắng hoành tráng 4-0 trước Levante, sau khi Dani Alves dính chấn thương ở phút thứ 15 và phải rời sân nhường chỗ cho Montoya, thì Barca chính thức đánh dấu cột mốc lịch sử khi toàn bộ 11 cầu thủ trẻn sân đều do một tay đội bóng đào tạo ra, dù rằng trong quãng thời gian phát triển sự nghiệp, họ từng trải qua vài CLB khác (như trường hợp của Cesc Fabregas hay Pique) nhưng giờ đây, tất cả họ lại tụ hội ở mảnh đất "địa linh nhân kiệt" Nou Camp để cùng đóng góp cho CLB thân yên. Tin chắc, rất nhiều đội bóng trên thế giới phải nhìn Barcelona bằng con mắt thèm thuồng và những CLB tại Premier League càng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, để làm được như Barca e rằng chẳng dễ chút nào

Tất cả đều phải thừa nhận đào tạo trẻ mới chính là cái gốc vững chắc của môn Thể thao vua. Rõ ràng từ xưa đến nay, những đội bóng nào thành công dựa vào số tài năng "cây nhà lá vườn" luôn được đánh giá cao và hết lời khen ngợi trong khi số khác áp dụng chính sách "dùng tiền mua danh hiệu" thường bị nhìn bằng ánh mắt xem thường dù rằng, có rất nhiều con đường dẫn tới thành công và sự lựa chọn thuộc về mỗi đội chứ chẳng thể có mẫu số chung cho tất cả. Thực ra, không khó để lý giải cho "sự thật hiển nhiên" này. Đào tạo ra một "nhân tài xuất chúng" luôn tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức rồi đôi lúc cả sự may mắn chứ không đơn thuần về mặt tiền bạc, đòi hỏi một chiến lược phát triển dài hơi, một tầm nhìn xa, một lộ trình đúng đắn trong khi "mua sắm cầu thủ" chỉ đơn thuần là sẵn sàng bỏ tiền để mang về gương mặt thích hợp. Thậm chí, tài năng, tên tuổi, thương hiệu của cầu thủ cũng khỏi cần phải mất thời gian kiểm định làm gì cho mệt vì đã được công nhận rộng rãi. Do đó, việc gì khó hơn đương nhiên sẽ được đánh giá cao hơn.

Fletcher và Scholes: Hai niềm tự hào của Man Utd về khoản đào tạo trẻ
Fletcher và Scholes: Hai niềm tự hào của Man Utd về khoản đào tạo trẻ

Mấy năm trở lại đây, nhằm khuyến khích các đội bóng tại Anh tập trung vào đào tạo trẻ và hạn chế bớt "hàng ngoại nhập", Liên đoàn bóng đá Anh đã ra quy định bắt buộc các CLB tham dự Premier League và giải hạng Nhất phải đăng ký tối thiểu 8 cầu thủ thuộc diện "home-grown" trong danh sách đăng ký bao gồm 25 cầu thủ nộp lên BTC vào đầu mùa. Nếu không đủ, đồng nghĩa số lượng sẽ phải giảm xuống tương ứng. Xin được giải thích sơ qua về quy định "home-grown" tại đảo quốc sương mù. Theo đó, bất cứ cầu thủ nào không phân biệt quốc tịch nếu có tổng thời gian khoác áo (hoặc có tên) ở một/nhiều CLB tại Anh hoặc xứ Wales (không cần phải trưởng thành hay gắn bó suốt với đội bóng hiện tại) trên 36 tháng tính đến thời điểm tròn 21 tuổi đều được xem là "home-grown". Thử áp quy định này vào trường hợp của Barcelona thì có thể thấy rõ, đội hình thi đấu của Barca ở trận thắng vừa rồi toàn "home-grown xịn" (Valdes, Montoya, Puyol, Pique, Jordi Alba, Xavi, Busquets, Iniesta, Pedro, Lionel Messi, Cesc Fabregas). Thậm chí, toàn bộ những cầu thủ này đều ít nhiều trưởng thành từ lò La Masia lừng danh (trong khi khái niệm "home-grown" tại Anh đâu phân biệt  gốc gác cầu thủ. Chẳng hạn một "home-grown" của Chelsea hoàn toàn được phép trưởng thành từ Man Utd hay bất cứ đội bóng nào khác) . Tuy Cesc Fabregas cùng Pique đã chia tay Barca từ khi còn rất trẻ (và trở về lúc đã quá 21 tuổi) và chưa hề được đăng ký lên đội 1 mà chỉ góp mặt ở đội trẻ song họ đều gia nhập Barca khi còn ở độ tuổi "nhi đồng" và trưởng thành tại đây nên quá xứng đáng là "home-grown". 

Chơi Goal! Cầu Trường Rực Lửa để được thoả mãn niềm đam mê trở thành HLV

Nhưng đăng ký là một chuyện, có được ra sân thi đấu hay không lại là một chuyện khác. Arsenal và Man Utd luôn được xem là những lò đào tạo hay nhất nước Anh song không khó để nhận ra, sự hiện diện của những "ngoại binh" được dùng tiền mua về, vậy thì những đại gia "lắm tiền nhiều của" như Chelsea và Man City thì tình hình còn thê thảm hơn nhiều. Những "home-grown" ở hai đội bóng này đa phần chỉ để "làm cảnh". Hãy lấy chính đội hình thi đấu của 20 CLB tại Premier League tại vòng đầu vừa rồi và đem ra so sánh với Barca, thì sẽ rõ. Để tạo sự công bằng, cần phải giới hạn lại khái niệm "home-grown", tức là chỉ tính đến những cầu thủ ít nhiều có thời gian rèn luyện ở đội trẻ chứ không phải hoàn toàn được câu từ đội khác về, kể cả từ khi còn ít tuổi (như thế mới "nguyên chất" như Barca). Man Utd chắc chắn có quyền tự hào về trình độ đào tạo trẻ của mình bởi trong đội hình, xuất hiện hẳn .... 4 cái tên "chính gốc Quỷ đỏ 100%" (Evans, Fletcher, Welbeck, Scholes). Có cùng số lượng như Man Utd là Newcastle (Tim Krul, Steven Taylor, Shane Ferguson, Sammy Ameobi). Aston Villa đứng sau với 3 gương mặt (Ciaran Clark, Gabriel Agbonlahor, Marc Albrighton) còn đại gia thất thế Liverpool đã sử dụng hai tài năng "bản địa": một già (Steven Gerrard), một trẻ mới khai quật (Raheem Sterling). Trong khi đó, hẳn không ít người sẽ cảm thấy "sốc" khi nhận ra Arsenal, CLB được xem có hệ thống đào tạo trẻ quy mô nhất nước Anh hiện nay với vô số "chi nhánh" ở khắp nơi trên thế giới (kiểu như mô hình hợp tác với HAGL tại Việt Nam) và luôn coi trọng "tự cung tự cấp", lại chỉ dám tin dùng đúng một "hàng nhà": hậu vệ Kierran Gibbs (lưu ý những Jenkinson, Ramsey, Chamberlain không hề trưởng thành từ Arsenal mà được đội bóng "thu thập" từ nhiều nơi ở nước Anh).  Còn việc chẳng có bất cứ sản phẩm "của nhà trồng được" nào xuất hiện trong đội hình Chelsea và Man City dường như là điều .... hiển nhiên.

Thực ra, nếu khái niệm "home-grown" của người Anh được hiểu đúng bản chất thì số lượng ở các đội sẽ tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, Man Utd sẽ có thêm Rafael Da Silva, Rio Ferdinand hay Wayne Rooney hay Liverpool sẽ được điền tên của Henderson, Johnson, Joe Allen, Downing vào danh sách. Thêm vào đó, không thể phủ nhận, công chăm bẵm, bồi dưỡng, huấn luyện đúng phương pháp của các đội bóng để biến không ít "sao tiềm năng" được đem về đội trở thành sao lớn. Nói đâu xa, Wenger đã có công rất lớn với sự phát triển của Cesc Fabregas chứ đặt giả thuyết, anh tiếp tục ở lại lò La Masia thì không có gì đảm bảo Cesc sẽ vươn lên tầm vóc như hiện nay. Vì vậy, không thể chỉ căn cứ vào "số cầu thủ có xuất thân từ chính đội bóng" để đánh giá về năng lực đào tạo trẻ bởi như thế, sẽ không toàn diện và có phần "khiên cưỡng" song từ "sự kiện đáng nhớ" của Barca có thể rút ra hai kết luận. Thứ nhất, phải chăng các đội bóng Anh không mạnh dạn chiêu mộ lại những cầu thủ từng bị họ thải loại (hoặc bị cướp mất hay chấp nhận bán đi) nhưng nay đã đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng để khoác áo bất cứ đội bóng lớn nào, giống như Barca. Lưu ý rằng, Barca luôn kèm theo điều khoản "được phép mua lại trong tương lai" mỗi khi bán một sao trẻ nào từ lò La Masia (trong khi, chẳng có CLB nào của Anh làm như vậy). Thứ hai (có vẻ chuẩn hơn), thực sự "năng lực" của các lò đào tạo tại nước Anh hiện chỉ có hạn, không thể sánh bằng La Masia nên không thể "sản xuất hàng loạt" mà phải lâu lâu mới giới thiệu được một vài nhân tài ít ỏi. Tất nhiên, chẳng có gì tồn tại mãi mãi vì ai dám chắc 5-10 năm nữa, Barca vẫn giữ vững được phong độ trong công tác "đào tạo trẻ". Song để có thể một ngày nào đó được "huy hoàng" như Blaugrana, không còn cách nào khác, các đại gia ở nước Anh cần xem xét lại nghiêm túc chiến lược, hướng đi của mình trong việc xây dựng đội ngũ kế cận, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X