Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này. |
Cơn khát chiến thắng của Man Utd phiên bản Louis Van Gaal đã lên tới đỉnh điểm sau màn khởi đầu mùa giải thuộc diện tệ hại bậc nhất trong lịch sử CLB. Sau 3 vòng đấu, họ mới chỉ có 2 điểm, ghi vỏn vẹn 2 bàn thắng. Mà đối thủ của họ là những ai? Swansea, Sunderland, Burnley. 1 đội bóng hạng trung, 1 đội bóng năm nào cũng nằm trong nhóm ứng cử viên… xuống hạng, và 1 đội mới lên hạng. Ngoài ra, không thể không nhắc đến thất bại siêu nhục nhã 0-4 trước nhược tiểu MK Dons (hạng 3) tại cúp Liên đoàn Anh. Tuy nhiên, hai tuần tạm nghỉ vừa qua nhường chỗ cho các ĐTQG đã chứng kiến sự lột xác ngoạn mục về mặt nhân sự của bầy "Quỷ đỏ". Họ đẩy đi Cleverley và Welbeck, hai cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của mình, cùng với 20 cầu thủ khác (tính cả đội trẻ). Bên cạnh Di Maria, cầu thủ góp công lớn mang về chức vô địch Champions League lần thứ 10 cùng Real Madrid ở mùa trước (nhưng đã có màn ra mắt tạm ổn trước Burnley), Man Utd đã thu nạp Radamel Falcao, một trong những chân sút hay nhất Châu Âu hiện nay. Daley Blind, học trò cưng của Van Gaal ở ĐT Hà Lan và cũng là cầu thủ hay nhất Hà Lan mùa trước, cũng cập bến Old Trafford. Herrera và Shaw đã bình phục chấn thương và đã có thể tái xuất, trong khi Marcos Rojo đã xin được giấy phép lao động để đủ điều kiện ra sân.
Rõ ràng, đến lúc này, Van Gaal mới thực sự nắm trong tay đội bóng của riêng mình chứ không phải của ai khác, "tiền bối" vĩ đại Sir Alex Ferguson hay tiền nhiệm bất tài David Moyes. Vẫn biết cần thời gian để các tân binh hòa nhập, nhưng có vẻ như giờ thì Van Gaal đã có đủ những con người cần thiết để triển khai triết lí bóng đá của ông tại Old Trafford. Chỉ có điều, trước tiên, ông cần phải giành ngay thắng lợi đầu tay, bằng không cục diện sẽ ngày càng thoát khỏi tầm kiểm soát chứ sự kiên nhẫn của các Manucians và có lẽ cả giới chủ đã gần đi tới giới hạn cuối cùng. Tuy nhiên, trái với sự chờ đợi của tất cả, "bông Tulip thép" đã không điền tên toàn bộ 6 tân binh đắt giá mà ông mang về Old Trafford ở cuộc tiếp đón QPR - đội bóng mới trở lại Premier League sau một năm vắng bóng - vào danh sách xuất phát khi mà Luke Shaw và đặc biệt tiền đạo rất được kỳ vọng, Radamel Falcao chỉ ngồi trên băng ghế dự bị.
Xem ra, nhà cầm quân người Hà Lan chưa muốn vội vàng phá vỡ sơ đồ tấn công Mata - Rooney - Van Persie được hình thành từ mùa trước và được chính ông củng cố từ ngày lên nắm quyền bằng cách áp dụng đấu pháp ưa thích 3-4-1-2. Tuy rằng bộ ba này chưa thi đấu được như ý song tin chắc sự có mặt của Falcao với mối đe doạ trực tiếp tới vị thế của bất cứ ai bao gồm cả thủ quân đáng kính Wayne Rooney hẳn sẽ làm họ thi đấu tốt hơn. Song trận này, Van Gaal đã không còn trung thành "mù quáng" với lối chơi đã trở nên thân quen từ thời cùng Hà Lan dự World Cup 2014. Thay vào đó, ông chuyển sang đấu pháp 4-4-2 theo hình kim cương. Thực tế, chẳng phải ông đã tỉnh ngộ mà chính cuộc khủng hoảng chấn thương trầm trọng ở hàng thủ (Jones và Smalling vắng mặt vì chấn thương) đã buộc ông phải thay đổi chứ trước trận đấu, chính Van Gaal vẫn khăng khăng tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng lối chơi được cho phù hợp nhất với Man Utd. Tại hàng phòng ngự Marcos Rojo sẽ đảm nhận hành lang trái trong khi Jonny Evans và gương mặt trẻ Tyler Blackett đá cặp trung vệ còn Rafael Da Silva cai quản cánh phải. Cầu thủ đắt giá nhất nước Anh, Di Maria đã chơi rất nổi bật trong chiến thắng đầu tay của thầy Van Gaal
Daley Blind với khả năng phòng thủ trội nhất trong số 4 cầu thủ đá ở tuyến giữa nên được giao vị trí đỉnh dưới cùng của hình kim cương như một cầu thủ đánh chặn, thu hồi bóng. Cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh quốc, Angel Di Maria và Ander Herrera sẽ chơi có phần tự do, dạt ra cánh hoặc bó vào trong tuỳ theo diễn biến trên sân. Còn Juan Mata vẫn được sắm vai hộ công phía dưới cặp tiền đạo. Về phần QPR, cái tên đáng chú ý nhất không thể là ai khác ngoài Rio Ferdinand, trung vệ thép một thời của Premier League, từng có 12 năm gắn bó với Man Utd nhưng đã bị thanh lý không thương tiếc do đã quá già và hết giá trị sử dụng. Có lẽ với trọng trách điều khiển hàng thủ đội khách, Rio rất muốn chứng minh ban lãnh đạo "Quỷ đỏ" đã quá sai lầm và bạc bẽo khi loại bỏ đặc biệt trong bối cảnh tuyến phòng ngự cũng chẳng ngon lành gì cho lắm. Ngoài ra, còn cần phải nhắc dến Isla, hậu vệ thuộc biên chế nhà ĐKVĐ Serie A Juventus nhưng hiện khoác áo QPR theo diện cho mượn, Leroy Fer - cậu học trò cũ của .... Van Gaal ở ĐTQG Hà Lan hay Sandro, Kranjcar, Caulker, 3 cầu thủ vốn chẳng xa lạ gì với Premier League và từng chịu sự dẫn dắt của Harry Redknapp - vị thuyền trưởng đương nhiệm của QPR - khi còn gắn bó với Tottenham.
Cuối cùng mọi quyết định của Van Gaal đều cho thấy tính đúng đắn của mình. Sơ đồ tình thế 4-4-2 hoá ra lại chính là chìa khoá đúng đắn mở ra chiến thắng đầy ấn tượng. Cách Man Utd vận hành trơn tru trong hình hài mới, với những con người mới bên trong nó như hậu vệ trái Rojo, tiền vệ phòng ngự Daley Blind, tiền vệ con thoi Herrerra và tiền vệ công Di Maria cho thấy 4-4-2 rõ ràng ăn đứt 3-5-2. Trong hệ thống ấy, Man Utd chơi áp đảo từ đầu cho đến cuối, tạo ra cả tá cơ hội và dễ dàng ghi được bốn bàn thắng. Nếu không vì thủ môn Rob Green chơi xuất sắc, QPR lẽ ra có thể thua đậm hơn rất nhiều. Di Maria có thể ít nhiều may mắn khi bóng từ cú đá phạt của anh chạm Clint Hill đổi hướng đi vào lưới, thành bàn mở tỷ số. Nhưng các tình huống làm bàn còn lại cũng như những cơ hội mà Man Utd dồn dập tạo ra sau đó đều xuất phát từ các pha bóng sống, cho thấy sự kết dính và nhuần nhuyễn.
Gương mặt siêu đắt giá Di Maria chứng tỏ anh chắc chắn là nhân tố quan trọng bậc nhất của Man Utd dưới triều đại Van Gaal khi trở thành tâm điểm trong hầu hết các pha tấn công nguy hiểm. Tiền vệ người Argentina cũng tỏ ra ăn ý với các mắt xích tấn công còn lại như Rooney, Van Persie, Mata và Herrera. Sự ăn ý đó là cơ sở để những người này tỏa sáng, ghi bàn, và liên tục hành hạ hàng thủ QPR. Nếu có vết gợn nào đó trong chiến thắng của Man Utd hôm qua, đó chỉ có thể là việc Van Persie vẫn chưa thể ghi bàn, còn Radamel Falcao - một tân binh được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng - vẫn tỏ ra lóng ngóng khi được tung vào sân trong hơn 20 phút cuối. Nhưng chừng đó không đủ làm "hoen ố" màn trình diễn tốt nhất của Man Utd phiên bản mới. Tất nhiên còn quá sớm để nói rằng Man Utd, chỉ qua một trận đấu, đã vụt lấy lại vóc dáng một kẻ hủy diệt, một ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch như vị thế họ từng có. Nhưng 90 phút ở Old Trafford vừa qua đã phát đi những tín hiệu rất tích cực về Man Utd. Họ đã có một chiến thắng để tháo gỡ trạng thái ức chế, căng thẳng vì mạch bốn trận toàn hòa và thua trên mọi đấu trường trước đóRio Ferdinand đã có ngày trở về Old Trafford buồn thảm
Dưới sự cổ vũ của khán giả nhà, Man Utd vào trận đầy hứng khởi và dễ dàng giành quyền kiểm soát thế trận ngay sau tiếng còi khai cuộc. Lối chơi của đội bóng cũng trở nên sáng sủa, thanh thoát và giàu sức sống hơn hẳn cách đá 3-5-2 rất dễ lâm vào "tù mù", bế tắc khi quanh đi quẩn lại là các bài xuống biên vô vị kết hợp với những quả chuyền dài rất đơn điệu. Hôm nay, Man Utd rất thường xuyên chơi bóng ngắn, phối hợp nhỏ bên cạnh các bài tấn công quen thuộc từ hai cánh nhờ sự cơ động, linh hoạt của bộ tứ tiền vệ. Hình kim cương này biến đổi hết sức nhịp nhàng, co dãn uyển chuyển để mang đến sức ép lớn lên hàng thủ đối phương. Phút thứ 8, từ chếch bên cánh phải, Herrera chuyền vào trong thuận lợi cho Juan Mata co chân dứt điểm vọt xà từ ngoài vòng cấm.
Sự biến hoá và nguy hiểm trong lối chơi của Man Utd từ đầu trận còn được thể hiện ở chỗ những quả câu bóng theo kiểu khai thác khả năng đánh đầu của cặp tiền đạo được giảm bớt và các màn căng ngang tầm thấp, phối hợp chồng cánh hay đột phá vào vòng cấm từ hai biên được sử dụng nhiều hơn. Phút 16, từ một tình huống như vậy, Di Maria và Rojo đã bật tường bên cánh trái trước khi hậu vệ trái hay nhất Argentina hiện nay, chuyền khó chịu vào phía trong mà nếu Van Persie không quá ham hố dù tư thế chẳng thuận lợi chút nào thì nhiều khả năng Ander Herrera đã có thể tung ra cú dứt điểm đủ trở thành bàn thắng. Quả thực, với sự am hiểu đội bóng cũ mặc cho Man Utd bây giờ đã biến đổi khá nhiều cộng thêm kinh nghiệm, bản lĩnh dày dạn, Rio đã chỉ huy khá tốt hàng thủ áo trắng chống chọi hiệu quả sức ép dồn dập đến từ "thuỷ triều đỏ". Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.
Tuy nhiên, ở thời điểm dấu hiệu bế tắc bắt đầu manh nha thì may mắn đã đến với đội chủ nhà. Phút 24, từ chấm đá phạt chếch bên cánh trái, Angel Di Maria đã treo bóng vào vòng cấm địa và ngay cả chính bản thân anh cũng chẳng ngờ rằng, mành lưới của QPR đã phải rung lên ở một tình huống như vậy dù trái bóng chẳng chạm vào bất cứ ai. Thế là, trong lần ra mắt chính thức khán giả nhà (trận đầu tiên của Di Maria trong màu áo Man Utd diễn ra trên sân khách), Thiên thần người Argentina đã có bàn thắng. Tuy nó đượm mùi may mắn nhưng vẫn không thể ngăn sự phấn khích của nhà vô địch Champions League. Bàn mở tỷ số xuất hiện đúng thời điểm càng khiến Man Utd chơi thanh thoát và hứng khởi hơn. Phút 27, Herrera đã bị Hill đốn hạ trong vòng cấm sau pha bật tường với Mata nhưng trọng tài Phil Dowd không hiểu sao không cắt còi dù pha quay chậm đã chỉ ra đó là tình huống phạm lỗi mười mươi. Không còn nghi ngờ gì, tình huống này thêm một lần khẳng định Man Utd bây giờ không còn được trọng tài ưu ái sau khi Sir Alex giải nghệ. Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.
Đến phút 31, Di Maria thoát xuống tốc độ bên cánh trái rồi tạt vào trong cho Di Maria bật cao đánh đầu nhưng do điểm tiếp xúc không chuẩn nên độ chính xác rất thấp. Ngay sau đó, bi kịch suýt xảy ra với đội chủ nhà xuất phát từ sự năng nổ không cần thiết của De Gea (băng ra vòng cấm địa hòng cản phá đối phưong trong khi còn đó Rojo đủ sức chặn được tình huống) và chính thủ môn người TBN đã phá hụt bóng, mở ra thời cơ không thể tốt hơn cho Matthew Phillips dứt điểm song may mắn Jonny Evans - trung vệ đang phải hứng chịu vô số lời chỉ trích do phong độ quá nghèo nàn từ đầu mùa - đã kịp lùi về phá bóng đang từ từ đi về phía lưới trống. Song tới phút 36 thì các Manucians không còn phải lo lắng về sự mong manh của chiến thắng. Vẫn là Angel Di Maria, cầu thủ chơi tích cực và hiệu quả nhất đội chủ nhà trong hiệp 1, dốc bóng tốc độ từ phần sân nhà. Khi đến gần vòng cấm địa đối phương, anh đẩy nhẹ cho Rooney và thủ lĩnh của bầy "Quỷ đỏ" vung chân dứt điểm trúng người cầu thủ đối phương. Rất bình tĩnh, R10 nhận lại bóng và chuyền ra tuyến hai đúng tầm chân của Ander Herrera và bằng cú đá má ngoài quyết đoán, anh đã găm bóng vào góc lưới.
Vậy là, giống như Di Maria, Herrera cũng đã có bàn đầu tiên trong màu áo Đỏ, ngay trong lần tái xuất sau chấn thương. Quả thực, được thi đấu giữa một dàn sao lung linh và đối thủ quá yếu, tiền vệ 25 tuổi đã tha hồ được dịp phô diễn tài nghệ, hệt như mấy trận giao hữu hồi mùa hè. Trên đà hưng phấn, Man Utd vẫn không ngừng uy hiếp cầu môn QPR cho đến hết hiệp 1 và hệ quả tất yếu, ngay trước thời điểm nghỉ giải lao, họ đã có bàn thứ 3. Lần này, là một đợt tấn công ở trung lộ và hàng thủ đội khách bị xé toang bởi màn bật tường ăn ý giữa Mata và Herrera. Chốt lại, Herrera đáp lẽ người đội trưởng đáng kính Rooney bằng cú mớm bóng để "chàng Shrek" ung dung chỉnh sửa rồi nắn nót nã đạn tầm thấp, buộc Robert Green phải đầu hàng. Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.
Bước sang hiệp 2, đội chủ nhà có dấu hiệu chơi chậm lại hòng mưu đồ bảo vệ chắc thành quả còn trong thế "chẳng còn gì để mất", QPR không ngần ngại tổ chức tấn công nhằm vớt vát lại chút hy vọng mong manh. Phút 48, hàng thủ áo đỏ bỏ mặc cho Niko Kranjcar vung chân sút bóng từ sát vạch 16m50 và De Gea đã phải xuất sắc dùng chân cứu thua cho đội nhà. Sự ấn tượng và thuyết phục của Man Utd ở trận này không chỉ nằm ở mặt tỷ số mà còn cả lối chơi. Rõ ràng, bầy "Quỷ đỏ" đã trình diễn diện mạo khác hẳn trong bộ dạng 4-4-2 hình kim cương, đa dạng, biến hoá và đáng sợ hơn nhìeu. Đặc biệt, Man Utd đã cho thấy với dàn sao trong tay, họ hoàn toàn có thể chơi bóng mang phong cách đậm chất La-tinh, hoa mỹ và đẹp mắt chứ không thể đơn điệu và nhàm chán, độc mỗi bài "tạt cánh đánh đầu" như mấy trận trước đó. Không những vậy, đừng quên rằng, trong đội hình này, có đến 4 gương mặt mới đồng nghĩa một thời gian nữa khi tất cả họ hoà nhập hoàn toàn vào môi trường Man Utd thì chưa biết chừng sức mạnh của đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh hứa hẹn khủng khiếp hơn gấp bội.
Phút 52, tới lượt cánh phải lên tiếng hòng ganh đua với cánh trái. Herrera và Rafael chồng cánh ăn ý trước khi hậu vệ phải người Brazil vừa trở lại sau chấn thương căng ngang thuận lợi cho Mata. Ở tư thế không bị ai kèm và cách cầu môn chưa đến 10m, cựu tiền vệ Chelsea lại tỏ ra hiền lành và thận trọng quá ngạc nhiên. Thậm chí có cảm giác, anh không đủ tự tin để kết thúc nên đành đưa bóng đến vị trí của Rooney và do đứng quá gần Green, R10 đành phụ lại lòng tốt của đồng đội. Nhưng niềm vui rốt cục cũng đến với Mata. Phút 58, từ chếch bên cánh trái, Di Maria tung ra đường chuyền chính xác đến từng mm vào vòng cấm giúp Mata được dịp "mặt đối mặt" với thủ thành đối phương (chính Mata chủ động giơ tay xin bóng). Lần này, anh đã đủ can đảm để thực hiện pha kết thúc căng tung nóc lưới. Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.
Từ lâu lắm rồi, các khán đài sân Old Trafford mới lại sôi nổi và hào hứng như thế với màn trình diễn không thể thuyết phục hơn. Đây mới thực sự là những gì người ta chờ đợi từ Van Gaal cùng các học trò gồm vài ngôi sao mới tầm cỡ thế giới. Trong đó, Di Maria chính là người thể hiện đầy đủ nhất giá trị của mình. Phút 65, tiền vệ kiến tạo hay nhất Real Madrid mùa trước mang đến cơ hội thuận lợi cho Van Persie bắt volley sở trường nhưng không thể làm khó thủ thành Green. Vài phút sau, đội chủ nhà thực hiện sự thay đổi người kép và tất nhiên, tâm điểm chú ý dồn cả vào Radamel Falcao. Đội trưởng Rooney được kéo xuống gánh lấy trách nhiệm hộ công do Mata để lại nhưng có lẽ do cả hai còn "bỡ ngỡ" (một người mới gia nhập đội bóng chưa được bao lâu còn người kia đã lâu không phải chơi như một tiền vệ công vốn không phải sở thích) lại cộng thêm đội nhà đã dẫn quá sâu nên gần như không để lại được ấn tượng nào mạnh.
Phút 71, trong nỗ lực kiếm bàn thắng cho riêng mình, Van Persie đã có pha dứt điểm sạt xà ngang từ gần vòng cấm. Chẳng biết đến bao giờ, cái duyên ghi bàn mới trở lại với Percy và với cái đà này, nguy cơ cậu học trò vô cùng thân cận của Van Gaal sẽ phải ngồi dự bị thời gian tới bởi vị HLV 63 tuổi này vốn nổi tiếng "công - tư phân minh". QPR đã gần như buông xuôi sau khi đã bị thua tới 4 bàn nên kể cả vẫn chơi "lừ đừ như ông từ vào đền" thì sự lấn lướt của Man Utd chẳng suy giảm bao nhiêu. Khung thành QPR cứ liên tục chao đảo, ngay cả sau khi Angel Di Maria được ra nghỉ, nhường chỗ cho thần đồng Adnan Januzaj. Phút 85, Daley Blind rảnh chân tung ra cú sút từ rất xa nhưng vô cùng hiểm hóc khiến thủ thành đối phương không thể bắt dính. Falcao định ập vào sút bồi song Green đã kịp định thần để ngăn không cho sát thủ người Colombia có bàn ra mắt CLB mới. Ngoài ra, đúng vào phút cuối cùng, thủ môn người Anh từng có vài lần được khoác áo ĐTQG còn xuất sắc từ chối cú đá chân phải của Januzaj sau pha chuyền bóng của Van Persie.Niềm vui đã ngập tràn Old Trafford, báo hiệu sự hồi sinh mạnh mẽ hơn trong tương lai
Dẫu sao, tỷ số 4-0 đã hoàn toàn làm thoả mãn thầy trò Van Gaal cũng như người yêu mến họ. Chiến thắng này chẳng những giúp Man Utd tạm thời vượt qua khó khăn mà còn tạo ra bầu không khí lạc quan cao độ về sự trở lại mạnh mẽ của thế lực một thời thống trị tuyệt đối làng bóng đá Anh trong tương lai không xa bởi với "vật liệu" trong tay vị tướng quân người Hà Lan đã thực sự bắt đầu lắp ghép ra một đội bóng đầy sức mạnh mà có thể hạ gục mọi đối thủ bằng lối chơi hết sức đẹp mắt. Song không rõ Van Gaal có duy trì sự bảo thủ của mình hay đã nhận ra một chân lý rằng: 4-4-2 hình kim cương hoặc một đấu pháp khác chứ không phải 3-5-2 mới là lối chơi phù hợp cho Man Utd với những gì đã thể hiện ở trận này.
Đội hình thi đấu
Manchester United: De Gea; Evans, Rojo, Blackett; Rafael (Valencia 68'), Herrera, Mata (Falcao 68'), Di Maria (Januzaj 81'), Blind; Rooney, Van Persie.
QPR: Green; Isla, Ferdinand, Caulker, Hill (Armand Traore 46'); Kranjcar, Sandro (Henry 74'), Fer; Phillips, Austin, Hoilett
Bảo Phương