Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Man United & Thái độ… Flappy Bird

Thứ Ba 11/02/2014 09:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cái tên Man United thường bị gắn với một “phẩm chất” chẳng dễ chịu gì: May mắn, hay theo ngôn ngữ đời thường người ta hay nói thì là “rùa”. Giờ thì chẳng ai buồn để ý xem “rùa” đã đi đâu nữa.

Man United & Mù tạt

Báo chí Anh đã tiết lộ một con số “phi thường” sau trận hòa Fulham của Man United: Họ tạt đến 81 quả. Con số ấy biến Man United thành đội tạt bóng nhiều nhất trong một trận đấu ở Premier League kể từ mùa 2006-2007 đến nay.

Nhưng đằng sau con số ấy là một thống kê thảm hại khác: Chỉ 18 trong số đó thành công. Man United tạt, tạt và tạt, không có bài vở, sắp xếp để tạo điều kiện cho quả tạt, cũng không đánh lừa đối phương để tạo khoảng trống ở phía trong. Tạt như thế thì đúng là… mù tạt. Rất hài hước, trước lối chơi đơn điệu ấy của đội bóng cũ, trên khán đài, Sir Alex chỉ biết… ngáp dài.

manchester united
 


Kiểu tạt bóng ấy không khác gì việc thử vận may một cách vu vơ, một hình thức chơi xổ số trong 90 phút của Man United. Hãy liên tưởng đến hai quả tạt kinh điển khác của đội bóng này: Hai quả phạt góc chỉ trong hơn 100 giây cuối ở trận chung kết Champions League năm 1999 đã thành hai bàn thắng.

Man United lội ngược dòng thần kỳ trước Bayern, và đó vẫn được coi là màn lội ngược dòng may mắn bậc nhất trong lịch sử giải đấu. Câu chuyện may mắn của Man United vẫn được bàn từ đó cho đến trước khi Sir Alex Ferguson ra đi, ngay cả khi may mắn ấy cứ lặp đi lặp lại với họ.

Câu chuyện ấy đã nhanh chóng bị lãng quên dưới thời David Moyes, và con số 81 quả tạt trong tuyệt vọng cũng có thể được nhìn nhận như một sự đen đủi, nhưng cũng có thể là lúc chúng ta nhận ra rằng: May mắn chỉ là hình thức tối giản của sự tích lũy. Nó mang tính thời điểm, và sẽ không lặp lại nếu thiếu đi sự chuẩn bị cho may mắn.

Thái độ coi thường giá trị thực của may mắn ấy có thể được gọi là thái độ… Flappy Bird, một trò chơi thực sự tạo được tiếng vang trên toàn cầu nhưng đã bị “khai tử” bởi những áp lực từ phía truyền thông và cộng đồng, trong đó có cả những “châm chọc” rằng đó chỉ là một sản phẩm copy và thành công nhờ ăn may.

Sự đố kỵ với thành công

Vì quá "Flappy Bird", mà người ta cho rằng một chàng trai đã phát triển game được 4 năm, đã từng nhận được giải thưởng về phát triển game khi còn học đại học, chỉ là một người phất lên nhờ may mắn và cố gắng hạ thấp thành công của anh. Nguyễn Hà Đông, cũng như rất nhiều những người thành công khác, đã phải đối mặt với sự đố kỵ sâu sắc vì tài năng và sự khác biệt của anh. Họ còn đặt ra nghi vấn rằng Flappy Bird là một sản phẩm vay mượn (mới đây thì Nintendo đã chính thức phủ nhận cáo buộc này).

Cáo buộc rằng một thành công chỉ dựa vào may mắn hay một thủ đoạn nào đó đôi khi là vỏ bọc của sự đố kỵ như vậy. Khi chứng kiến Man United tạt gần trăm quả trong vô vọng ở trận hòa Fulham, chúng ta mới nhận thấy giá trị của sự may mắn mà Sir Alex Ferguson đã tạo ra ở Old Trafford. Sir Alex rõ ràng đã tạo được cái uy ở Premier League, nhưng rõ ràng trong những năm qua, Man United không chỉ thành công nhờ trọng tài.

Như cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đã từng nói: "Tôi là người cực kỳ tin tưởng vào vận may, và tôi nhận thấy rằng càng làm việc chăm chỉ chừng nào, tôi càng nhận được nhiều vận may hơn chừng đó". Tất cả đều phải làm việc để giành vận may và lợi thế về phía mình. Không ai hiểu rằng trước khi tạo ra một Man United "rùa" như thế, Sir Alex đã trải qua 4 năm trắng tay mới giành được danh hiệu đầu tiên ở Old Trafford. Các CĐV Quỷ đỏ cũng đã phải chờ đợi ngót 7 năm để nhìn thấy đội bóng họ yêu trở lại với chức VĐQG.

Đó là một quá trình vận động và tìm kiếm liên tục, tất nhiên là trong sự thầm lặng, của Sir Alex, và chính sự tích cực ấy khiến ông được tin tưởng đến cùng. Ferguson thậm chí thay đổi ngay cả khi thành công: Năm 1999, bất chấp việc Man United giành cú ăn ba, ông vẫn quyết định từ bỏ lối chơi tấn công ngây thơ và bắt đầu cấy tư tưởng thực dụng vào Man United. Ông hiểu rằng kỳ tích ấy chưa được tạo trên một nền móng vững vàng. Ferguson đã đúng.

Tinh thần Flappy Bird đôi khi chỉ đơn giản như thế: Không ngại thay đổi. Nguyễn Hà Đông đã làm việc thầm lặng trong suốt 4 năm, và có lẽ đã trải qua rất nhiều những cú vấp ngã, trước khi tạo ra được Flappy Bird. Cũng đừng quên rằng anh còn 2 trò chơi nữa nằm trong Top 10 Game miễn phí của App Store.

Chú chim đã bay đi, nhưng hãy kỳ vọng vào đại bàng

Quyết định gỡ bỏ Flappy Bird, đã được chính Nintendo thanh minh rằng không hề có rắc rối gì về bản quyền, có thể được xem như khởi đầu cho một sự thay đổi. Đóng một cánh cửa này và mở ra một cánh cửa khác. Một chú chim đã bay mất, nhưng có thể tương lai thuộc về những con đại bàng. Flappy Bird thành công đấy, nhưng đã đủ bản lĩnh để coi đó là một điều phù du, Hà Đông có lẽ đủ bản lĩnh để tạo ra những điều lớn lao hơn. Bỏ Flappy Bird, những ồn ào chấm dứt và Đông có thể thoát khỏi đám đông cay nghiệt để trở về với sự tĩnh lặng, điều đã giúp anh tạo ra hiện tượng trò chơi vừa qua.

Những người có thái độ như thế có thể thất bại, nhưng không ai mất niềm tin vào họ. Tương tự, chúng ta có thể tự giải thích được tại sao khi xem Man United dưới thời Ferguson, dù họ có xuống đến bùn đen thất bại (hãy nhớ lại thảm bại 1-6 trước Man City ngay tại Old Trafford năm nào), rất ít người nghĩ rằng họ sẽ ở dưới bùn quá lâu. Ông không ngại thay đổi: Dù cách tấn công ngây thơ năm 1999 có giúp Man United giành cú ăn ba, thì nó vẫn sẽ bị khai tử để phát triển.

David Moyes có thể là một nhà cầm quân phù hợp với mục tiêu dài hạn, đúng với truyền thống của Man United, nhưng chứng kiến đội bóng của ông tạt đến 81 quả với độ chính xác siêu thấp mà không có bất kỳ sự điều chỉnh nào trong 90 phút, thì chúng ta có thể đưa ra một kết luận tạm thời: Ông không phải là một chiến lược gia có bản lĩnh khai sơn phá thạch, dám thay đổi kể cả điều đó có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt như Sir Alex.

Vì điều đó, Moyes có thể thành công trong tương lai, nhưng nếu giữ lại tư duy này, Man United của ông sẽ không bao giờ rực rỡ nổi bằng một phần của kỷ nguyên Ferguson. Đội bóng áo đỏ có thể thua trận, nhưng thua theo một kịch bản húc đầu vào tường như 81 quả tạt vô vọng là điều tệ hại nhất mà các CĐV của họ có thể tưởng tượng. Đứng yên luôn là chết, ngay cả khi đang thành công, đừng nói là đang lún sâu vào khủng hoảng như Man United.

Moyes có lẽ cần đọc lại câu chuyện về Flappy Bird, để dám khai tử những Flappy Bird cũ mòn của ông và dũng cảm đặt dấu ấn của riêng mình. Hy vọng, sau một chú chim sẽ là một con đại bàng.

Theo Khám Phá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Amorim muốn thay đổi mọi thứ, nhưng Van Nistelrooy vẫn xứng đáng được ở lại

Amorim muốn thay đổi mọi thứ, nhưng Van Nistelrooy vẫn xứng đáng được ở lại

Amorim muốn thay đổi mọi thứ, nhưng Van Nistelrooy vẫn xứng đáng được ở lại

Ruud van Nistelrooy đã không giành được chiến thắng trong trận đầu tiên tại Premier League với tư cách huấn luyện viên tạm quyền Manchester United khi “Quỷ đỏ” bị Chelsea cầm chân 1-1 tại Old Trafford. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực về tinh thần và chiến thuật phát đi từ United.

Video

Xem thêm
top-arrow
X