Dù rằng phải chờ đợi đến 44 năm nhưng rốt cuộc, HLV người Italia Roberto Mancni đã giúp Man City vượt qua cái bóng của người hàng xóm M.U để trở thành một thế lực mới của Premier League. Đặc biệt, vinh quang mà họ đoạt được ở mùa giải này là hoàn toàn xứng đáng.
Cuộc diễu hành chiến thắng bắt đầu ở quảng trường Albert vào lúc 6g30 chiều ngày thứ Hai. Cũng trong thời gian đó, các cầu thủ M.U ngồi xuống bàn tiệc để có bữa tối chia tay mùa giải. Một phần Manchester, những cuộc tiệc tùng thây đêm suốt sáng bắt đầu, trong khi phần bên kia là những nụ cười chấp nhận và thậm chí là cả chia vui với những gì diễn ra cách đó chỉ hơn một dặm.
Rốt cuộc cúp vô địch đã được quyết định bằng hiệu số bàn thắng và Alex Ferguson sẽ nhớ lại buổi chiều Chủ nhật hỗn loạn vào tháng 10 năm ngoái khi Man City đến Old Trafford và đè bẹp đội chủ nhà theo một cách họ chưa bao giờ làm được trước đó. Kết quả 6-1 đó càng có ý nghĩa vào cuối mùa, khi số lượng những bàn thắng đã quyết định đội vô địch.
Man City vô địch một cách xứng đáng
Nhà vô địch thuyết phục
Mùa hè này, mệnh đề nếu-thì sẽ là cấu trúc ngữ pháp được sử dụng nhiều nhất ở Old Trafford, nhưng với những người trung lập, chiếc cúp vô địch Premier League mùa này đã tìm được chỗ xứng đáng. “Đội mạnh nhất vô địch”, HLV Roberto Mancini của Man City kết luận, với lá quốc kỳ Italia quanh vai và bọt champagne vẫn chưa tan trên tay. “Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá hay nhất, để thủng lưới ít nhất, ghi nhiều bàn nhất và đánh bại M.U hai lần, chúng tôi xứng đáng vô địch”.
Lập luận hoàn toàn thuyết phục. Man City đã ghi 93 bàn ở mùa này, xếp thứ 3 trong lịch sử Premier League, sau Chelsea với 103 bàn mùa 2009-2010 và M.U với 97 bàn mùa 1999-2000. Chỉ trong 10 trận đầu tiên, Man xanh đã có 36 bàn và, tổng cộng, 18 bàn được ghi từ phút thứ 85 trở đi, bao gồm hai bàn thắng trong thời gian đá bù giờ vào Chủ nhật, ngày 13/5/2012, ngày lịch sử không chỉ của riêng các CĐV áo xanh. Ferguson thường tự hào rằng không có đội nào khác trên thế giới ghi được nhiều bàn vào những phút chót như M.U. Man City giờ đã có quyền khẳng định điều đó không đúng.
Trong cuộc chinh phục của mình, Man xanh cũng đã biến Etihad thành một trong những pháo đài vững chắc nhất châu Âu. Hai đội vào chung kết Champions League, Chelsea và Bayern Munich, đều đã thua cuộc ở đây mùa này. Thật ra, mọi đội bóng của Premier League, trừ Sunderland, đều đã thua trận ở Etihad. Các cầu thủ của ông Mancini đã có thành tích sân nhà tốt nhất trong thời đại Premier League, ở sân bóng mà Ferguson từng có thời bỉ bai là “ngôi đền u ám”.
Giờ thì ngôi đền đó đã được chiếu sáng bởi thứ vinh quang rực rỡ, bởi những cái tên sẽ sánh ngang với thế hệ vàng duy nhất của Man City trong suốt lịch sử, Colin Bell, Francis Lee hay Mike Summerbee của năm 1968. Trong khi Nemanja Vidic vẫn đang bình phục vết thương đầu gối, Vincent Kompany đã khẳng định vị trí trung vệ xuất sắc nhất giải của anh. Joe Hart, như lời chính Ferguson, đang cho thấy anh là thủ môn ổn định nhất của tuyển Anh trong 20 năm qua. David Silva, ít nhất trong ba phần tư mùa giải, đã là đối thủ một chín một mười với Robin van Persie cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Mùa giải đầu tiên của Sergio Aguero ở Manchester mang về cho anh 30 bàn thắng, mà bàn cuối cùng sẽ được dát vàng trong mọi cuốn lịch sử về Man City. Chấn thương dây chằng của Yaya Toure khiến anh không thể có mặt trong những khoảnh khắc tối hậu không thể nào quên vào 5 phút bù giờ cuối cùng, nhưng đóng góp của tiền vệ người Bờ Biển Ngà là điều ai cũng thấy.
Những người hùng thầm lặng
Nhưng chiến thắng trước QPR cũng là thời khắc khiến nhiều người nhớ lại các người hùng thầm lặng đã không được chú ý nhiều như vậy tại Etihad. Gael Clichy, chẳng hạn, đến từ Arsenal mùa hè năm ngoái với danh tiếng một hậu vệ trái dễ tổn thương, mất tập trung và chậm chạp, giờ đã là một cầu thủ cảm nhận vị trí cực tốt, một chuyên gia phòng ngự. Anh cũng là người kiến tạo bàn thắng thứ 2 cho Toure ở trận gặp Newcastle và có quả tạt chính xác tới từng cm cho bàn đầu tiên của Aguero vào lưới Wolves.
Rồi còn cả Joleon Lescott, người đã tiến bộ rất nhiều cho tới sai lầm dẫn đến bàn gỡ hòa của Djibril Cisse cho QPR. Một năm trước, Mancini hoàn toàn có lý khi đòi hỏi thêm một trung vệ đá cặp với Kompany, nhưng 2 người ông muốn, Gerard Pique ở Barcelona và Thiago Silva của AC Milan, ngoài tầm với. Ông cũng không tiếp tục theo đuổi Gary Cahill, khi đó còn chơi ở Bolton, hay Phil Jones, của Blackburn. Lescott rốt cuộc không làm phụ sự tin cậy của chiến lược gia người Italia.
May mắn cũng có vai trò không nhỏ trong thành công này. Đầu tiên là vấn đề chấn thương khá tồi tệ ở M.U. Rồi việc đội bóng của Ferguson bất ngờ vứt bỏ khoảng cách dẫn trước 8 điểm. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là phần phụ. Thực ra, chấn thương và sự sa sút phong độ cũng thuộc về vấn đề chuẩn bị, sự sẵn sàng và chiều sâu đội hình, chứ không thuần túy là may mắn. Khi Man City gặp QPR trong trận áp chót mùa giải 1997-1998, họ đang trên đường trở lại với hạng ba cũ (giờ là League One). Còn giờ đây, cũng trước đối thủ đó, một thời đại mới đang mở ra ở Eastlands, chói lọi rực rỡ hơn bao giờ hết.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)