Danh sách những ngôi sao Man City thể hiện thái độ bất bình với HLV Roberto Mancini ngày càng dài ra, với hai gương mặt mới nhất là tiền vệ Samir Nasri và thủ quân Vincent Kompany.
Phải đến nửa đội hình Man City có mâu thuẫn với HLV của họ. Tevez bất bình vì bị bỏ rơi một cách "vô cớ", dẫn đến vụ nổi loạn đình đám ở Munich, kèm theo đó là gần nửa năm bỏ về Nam Mỹ. Sau 1 năm, mối quan hệ giữa Mancini và Tevez vẫn ở trạng thái "bằng mặt chứ không bằng lòng".
Joe Hart bất bình với Mancini vì HLV người Italia chỉ trích anh như tát vào mặt, giữa bàn dân thiên hạ. Joe Hart chỉ đưa ra lời bình luận rất nhẹ nhàng sau trận thua Real Madrid tại vòng bảng Champions League năm nay. Mancini mắng anh cực kỳ gay gắt trong cuộc họp báo: "Nhiệm vụ của cậu ta là bắt gôn chứ không phải bàn về chiến thuật". Mancini bảo Hart tốt nhất im mồm đi.
Joleon Lescott bất bình với Mancini. Micah Richards bất bình với Mancini. Edin Dzeko bất bình với Mancini. Ngay cả Mario Balotelli, cậu học trò cưng, cũng tỏ ra thái độ khó chịu với Mancini, nhất là sau sự kiện ông thầy đồng hương đòi đánh anh trên sân tập.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Mancini nói rằng ông thường xuyên muốn "tẩn" Balotelli. Mới đây, sau trận thắng Newcastle 4-0, ông lại đòi muốn "đấm" Samir Nasri. Trận ấy, Nasri chơi rất tốt. Mancini vẫn khen Nasri, nhưng khen 1 thì chê 10: "Tôi muốn đấm vào mặt cậu ta. Đáng lẽ cậu ta trận nào cũng phải đá tốt như hôm nay. Nhưng cậu ta đã không cố gắng hết sức, chỉ cống hiến 50%, ngay cả trên sân tập". Nasri tức điên, thông qua báo chí đáp trả: Ông ta nói dối, tôi vẫn tập luyện và thi đấu hết sức. Trước đó, Nasri từng bị Mancini chỉ trích "hèn nhát" khi đứng làm hàng rào ở một tình huống đá phạt, dẫn đến bàn thua quyết định ở derby Manchester.
Vincent Kompany là thủ quân của Man City. Anh vốn rất kín tiếng. Nhưng rồi, trung vệ người Bỉ cũng không thể kiềm chế bản thân khi Mancini yêu cầu anh không đá cho ĐT Bỉ, ưu tiên Man City hơn. Kompany vẫn đá cho ĐT Bỉ ở lượt trận ĐTQG vừa qua. Mancini lên tiếng chỉ trích anh.
Nhiều lời chỉ trích của Mancini nhắm vào các học trò không phải là không có lý. Nhưng vấn đề là ông thường xuyên chỉ trích họ sau những thất bại. Nói cách khác là đổ lỗi cho cầu thủ. Cầu thủ này thi đấu không hết sức. Cầu thủ kia bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Chưa bao giờ Mancini nhận lỗi về mình. Trừ Balotelli, Mancini hiếm khi bảo vệ cầu thủ. Ông công khai chỉ trích họ, muốn thể hiện quan điểm "thương cho roi, cho vọt", phải mắng họ thì họ mới khá được.
Quan điểm đó không sai. Nhưng cách thức thể hiện khiến cầu thủ bất bình. Họ là những cầu thủ nổi tiếng, muốn gìn giữ thể diện, hình ảnh cho tương lai. Nasri đương nhiên là nổi cáu khi bị HLV công khai chỉ trích thi đấu không hết mình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm CLB mới trong trường hợp rời Man City.
Ở nửa đỏ Manchester, HLV Alex Ferguson nổi tiếng với biệt danh "máy sấy tóc". Nhưng ông không chỉ trích một cá nhân cụ thể trong cuộc họp báo. Đóng cửa bảo nhau, đó là quan điểm của Sir Alex. Trong phòng thay đồ, sự giận dữ của ông đối với cầu thủ còn khủng khiếp hơn nhiều so với Mancini. Chắc chắn Sir Alex không có kiểu nói trong cuộc họp báo rằng "muốn đấm cầu thủ" hay túm cổ áo học trò trên sân tập.
Jose Mourinho cũng là một HLV cứng rắn, đề cao tính kỷ luật. Nhưng luôn bảo vệ cầu thủ trước dư luận. Ông chưa bao giờ chỉ trích Casillas trong cuộc họp báo dù mâu thuẫn giữa họ là có thật. Mancini muốn "thương cho roi cho vọt". Nhưng những đòn roi vọt của ông không thể dạy được cầu thủ. Thay vào đó, chúng chỉ làm bùng phát mâu thuẫn giữa ông và các học trò.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)