Quyết định mới nhất của Ban lãnh đạo Manchester City sẽ cho phép Giám đốc thể thao Txiki Begiristain can thiệp khá sâu vào công tác huấn luyện vốn trước đây hoàn toàn thuộc về ông Roberto Mancini, nhằm xây dựng đội bóng này theo phong cách Barcelona.
Ngọn lửa "mồi" cho mâu thuẫn
Ông Mancini sẽ phải viết báo cáo chi tiết về tất cả những giáo án đang được áp dụng ở các đội dự bị và tuyến trẻ của Man City để trình cho Giám đốc thể thao Begiristain xem và định hướng lại, theo thông tin từ Daily Mail. Cựu Giám đốc Barcelona muốn tất cả các cấp độ của Man City, từ lứa U-15 cho đến đội hy vọng đang chơi ở giải U-21 Premier League, được đào tạo theo một giáo án thống nhất mang phong cách Tiki-taka của Barcelona.
HLV Mancini sẽ lại bị thu hẹp quyền hạn ở Man City
Rất nhiều HLV hiện đang dẫn dắt các tuyến trẻ của Man City là do ông Mancini bổ nhiệm, và quyết định mới nhất của Ban lãnh đạo Man City có thể tạo ra những rạn nứt. Bởi số HLV ấy có thể cảm thấy bị giằng xé giữa sự trung thành với ông Mancini và việc phải tuân theo chỉ đạo của Begiristain.
Lĩnh vực chuyển nhượng do CEO Fernando Soriano, cũng là một cựu Barca, đảm trách. Với sự thay đổi mới nhất này, chiến lược mua cầu thủ của Man City về lâu dài sẽ nhắm vào các cầu thủ trẻ tốt nhất trên toàn thế giới. Họ sẽ được đào tạo trong một học viện bóng đá mà Man City dự kiến sẽ đổ ra 150 triệu bảng để xây dựng, có tên The Etihad Campus. Tất nhiên, trong tương lai ngắn hạn, Man City vẫn theo đuổi các ngôi sao hạng A, với hai mục tiêu mới nhất là Edinson Cavani (Napoli) và Neymar (Santos).
Quyền hạn của ông Mancini đã bị thu hẹp tương đương với một HLV trưởng đơn thuần (Coach) của bóng đá Anh, chỉ đảm trách những vấn đề liên quan trực tiếp đến chuyên môn. Những quyết định liên quan đến nhân sự và chiến lược phát triển của đội bóng được trao cho các CEO và Giám đốc thể thao. Ông Mancini không còn được quyền lựa chọn chất liệu xây dựng đội bóng nữa, mà chỉ có thể dựa vào chất liệu người khác cung cấp cho ông.
Man City có thể đi theo Barcelona?
Tại Anh, khái niệm "Nhà quản lý" (Manager) được phổ biến khá rộng rãi. Đó là người có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến đội bóng, từ quản trị cho đến chuyên môn. Sir Alex Ferguson tại Manchester United, HLV Arsene Wenger ở Arsenal, David Moyes của Everton v.v là những nhà quản lý tiêu biểu.
Những đội bóng chọn mô hình này trao số phận của nó vào tay một cá nhân, chấp nhận cả sự đúng đắn và sai lầm của cá nhân ấy. Ưu điểm của hình thức này là các quyết định đưa ra kịp thời, thống nhất và đúng lúc, nhưng khuyết điểm của nó là không có một ai xem xét lại các quyết định của nhà quản lý có quyền hạn bao trùm ấy.
Mô hình Barcelona cũng chia sẻ quyền hạn, nhưng nền tảng của các quyết định là sự thống nhất về mặt triết lý được xây dựng trong nhiều năm: Các HLV và thành viên Ban lãnh đạo vốn là các cựu cầu thủ của CLB, trưởng thành chính nhờ tinh thần ấy và khi được trao quyền thì phục vụ trở lại chung tinh thần ấy. Điều đó giải thích vì sao HLV Pep Guardiola, với cá tính không quá mạnh, vẫn có thể quản lý Barca một cách suôn sẻ và không phải lo va chạm với những cái tôi. Quá trình thay thế ông bằng Jordi Roura cũng không vấp phải trở ngại đáng kể nào.
Man City chưa có nền tảng ấy. Dù có thể thống nhất về chiến lược chuyển nhượng và con người nhờ sở hữu hai Giám đốc thể thao xuất thân từ Barca, thì dung hòa các quyết định giữa họ và HLV trưởng có cái tôi không nhỏ Roberto Mancini vẫn là nhiệm vụ không đơn giản. Và đó mới chỉ là bước đầu. Để chơi Tiki-taka như một bản năng, Barca đã được xây dựng với sự thống nhất triệt để và liên tục trong một thời gian dài, để thói quen chơi bóng của các cầu thủ lẫn thói quen quản lý đều trở thành một phần máu thịt của họ.
Nếu có ý định copy Barca, thì Man City sẽ chấp nhận là người đi sau đội bóng xứ Catalunya hàng chục năm. Và nếu không thể san lấp khoảng cách ấy, đế chế của họ (nếu thành công) sẽ chỉ dừng lại trong phạm vi nước Anh. Xây dựng theo mô hình Barca lại là quá trình mà tiền không thể thúc đẩy cho nó diễn ra nhanh hơn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)