Man City cần nhiều hơn để có thể vươn lên ngang tầm với đẳng cấp của đội bóng hàng xóm Man Utd.
“Man City đang tạo ra một cuộc chuyển giao quyền lực trong lòng bóng đá Anh”, rất nhiều tờ báo đã giật tít như vậy hoặc tương tự, khi đoàn quân dưới quyền Roberto Mancini vô địch Premier League mùa 2011/12. Thế nhưng đó là câu chuyện của 10 tháng về trước. Còn hiện tại, Man Utd lại là đội đang thống trị làng túc cầu xứ Sương mù.
Man City săn danh hiệu bằng những ngôi sao |
Man City đâu phải cái tên đầu tiên đánh cắp được vương miện Premier League từ nhà Vua thực sự của nó. Nhưng cũng giống như một Blackburn với cặp sát thủ huyền thoại Chris Sutton - Alan Shearer, một Arsenal đầy quyến rũ với lối chơi tấn công đa dạng dưới thời Arsene Wenger và một Chelsea thực dụng nhưng hiệu quả do Jose Mourinho dẫn dắt, Man City đã buộc phải hoàn trả thứ dường như sinh ra là để dành cho Man Utd.
Thật vậy, CLB chủ sân Old Trafford đang ở rất gần với chức vô địch Premier League thứ 20 trong lịch sử, một thành tích vô tiền khoán hậu. Thành công của M.U được đánh đổi bằng rất nhiều tiền. Nhưng đó còn là thành quả của một chiến lược phát triển đội bóng cực kì khoa học và đúng đắn.
Sir Alex Ferguson chính là người có công lớn nhất, khi ông không chỉ biết chiêu mộ những cầu thủ tốt cho M.U, mà còn giúp Red Devils đào tạo ra những ngôi sao từ chính học viện bóng đá của mình. Ngày trước, người ta nói về thế hệ vàng mang tên David Beckham, Ryan Giggs, Paul Scholes, Gary Neville, Phil Neville, Nicky Butt. Còn bây giờ, M.U cũng đang sở hữu những tài năng lớn xuất thân từ lò đào tạo của họ có thể kể tới Danny Welbeck, Tom Cleverley, Jonny Evans, Darren Fletcher. Xét về khoản đào tạo, rõ ràng Red Devils hoàn toàn vượt trội so với đội bóng hàng xóm.
Trong đội hình hiện tại, Man City chỉ có duy nhất một gương mặt là sản phẩm chính hãng từ lò đào tạo của họ là Micah Richards. Song tuyển thủ Anh này thậm chí không thể cạnh tranh một suất trong đội hình chính thức. Rõ ràng, The Citizens đang phát triển theo kiểu ăn sổi. Họ bỏ rất nhiều tiền ra nhằm đưa về Etihad những cầu thủ đẳng cấp thế giới. Song đó không thể coi là một chiến lược lâu dài.
Hầu hết các đội bóng lớn tại Anh đều có những cầu thủ gắn bó với họ khi còn là những cậu bé đã và vẫn đang đóng vai trò nòng cốt. Đó là Chelsea với John Terry, Liverpool với Jamie Carragher, Steven Gerrard, M.U với Welbeck, Cleverley, Evans, Fletcher, Tottenham với Steven Caulker hay Arsenal với Kieran Gibbs.
Man City không thể tiếp tục bạo chi trên TTCN và hướng đến những thành tích mang tính thời điểm. Họ cần nhìn xa hơn về tương lai của mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ban lãnh đạo The Citizens quyết định mời Txiki Begiristain và Ferran Soriano về làm lần lượt GĐTT và GĐĐH cho Man City. Họ muốn 2 vị lãnh đạo cũ của Barcelona sẽ giúp The Citizens thiết lập một hệ thống đào tạo trẻ có khả năng sản sinh ra nhiều cầu thủ tuyệt vời, như lò La Masia nổi tiếng của Barca.
Man City đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng hệ thống sân tập hiện đại, tất cả chỉ là để phục vụ cho mục đích đào tạo ra những lứa cầu thủ trẻ thật tốt. Có lẽ chính Man City hiểu rằng để bắt kịp rồi thực sự vượt qua gã hàng xóm đáng ghét về tầm vóc, họ cần nhiều hơn là việc bỏ ra nhiều triệu bảng trong mỗi kì chuyển nhượng. Bởi có những thứ, chỉ tiền thôi thì không thể mua được.
(Theo VTC)