Chủ Nhật, 05/05/2024Mới nhất
Zalo

Man City đi theo trường phái Liga?

Thứ Bảy 30/07/2011 14:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Riêng tính ở triều đại chủ Ả rập Sheikh Mansour, Robinho là người đầu tiên. Kế đến là Yaya Toure và David Silva. Hôm qua là Sergio Aguero. Tiếp theo có thể là Juan Mata. Một câu hỏi: Phải chăng Man City muốn đi theo trường phía Liga?

Nếu điều này trở thành sự thật thì sẽ rất thú vị. Một HLV người Italia, dẫn dắt một CLB Anh, có ông chủ là người Ả rập, chủ trương xây dựng đội bóng theo trường phái Tây Ban Nha. Trong thế giới phẳng, quả thực điều gì cũng có thể xảy ra.

Thành công của Barca đang thay đổi tư duy của bóng đá thế giới, trong đó có bóng đá Anh. Tiqui-taca đang là mốt, là kiểu mẫu, là mục tiêu phấn đấu của hàng loạt đội bóng. Không phải đội nào cũng có thể đá được tiqui-taca. Hiện tại, ngoài Barca thì chỉ có thêm... tuyển Tây Ban Nha, với thành phần chính là các cầu thủ Barca. Điểm nổi bật nhất của tiqui-taca là sự kiểm soát bóng vượt trội. HLV Mancini đã và đang xây dựng Man City theo hướng đó. Từ mùa trước, Man City thường vượt trội đối phương về thời lượng, tỷ lệ kiểm soát bóng. Sự khác biệt so với Barca, ngoài yếu tố đẳng cấp và chất lượng cầu thủ, là mục đích. Barca cầm bóng nhiều để gây sức ép, khiến đối phương mắc sai lầm, tìm khoảng trống, ghi bàn và chiến thắng. Man City chỉ đá được vài trận như thế trên sân nhà, trước các đối thủ yếu. Còn lại, họ cầm bóng nhiều cho... an toàn, tức phục vụ mục đích phòng ngự.

Man City đi theo trường phái Liga?

Thực tế, hệ thống tấn công của Man City chưa đủ mạnh và quá vượt trội để có thể lấy công bù thủ. Đó là lý do Man City vẫn đầu tư mạnh cho hàng công, vẫn chi ra số tiền kỷ lục để mua Sergio Aguero (không phủ nhận mục đich phòng ngừa Tevez ra đi) và giờ đang "săn" tiếp Juan Mata.

Để theo đuổi mô hình của một đội bóng Liga, cách tốt nhất và đơn giản nhất là đưa về những cầu thủ từ Liga. Các vụ mua sắm ngôi sao Liga đều rất tốt kém, từ phí chuyển nhượng cho đến lương; nhưng may thay Man City lại không thiếu tiền. Ngày đầu tiên thuộc triều đại Sheikh Mansour, Man City đã phá kỷ lục về phí chuyển nhượng (32,5 triệu bảng) lẫn lương (160 nghìn bảng/tuần) ở Premier League để mua Robinho từ Real Madrid. David Silva cũng nhận mức lương 160 nghìn bảng, có giá 25 triệu bảng từ Valencia. Giá của Yaya Toure, từ Barca, thấp hơn 1 triệu bảng nhưng tuyển thủ Bờ Biển Ngà được trả mức lương kỷ lục thế giới như Cristiano Ronaldo: 200 nghìn bảng/tuần. Giờ là Aguero, giá kỷ lục (38 triệu bảng), lương cũng kỷ lục (200 nghìn bảng/tuần).

Các chữ ký từ Liga đắt giá, nhưng "xắt ra miếng", kể cả Robinho. Mùa đầu tiên, Robinho đã chơi cực hay, là chân sút số 1 của đội bóng. Vấn đề của anh không phải là khả năng, trình độ mà là tâm lý (cũng chán cuộc sống ở Anh như Tevez). Ngoài ra, sự hiện diện của Robinho đã giúp Man City gặp thuận lợi hơn trong việc thu hút các ngôi sao hàng đầu thế giới.

Mùa trước, mùa giải mà Man City giành danh hiệu đầu tiên sau 35 năm chờ đợi (Cúp FA) và đoạt vé Champions League, ảnh hưởng, đóng góp của David Silva và Yaya Toure chỉ kém mỗi thủ quân Carlos Tevez. Silva khiến người hâm mộ xứ sương mù ngây ngất với những pha xử lý tinh thế, thông minh và đẳng cấp. Yaya Toure thì toàn diện, vừa khỏe vừa kỹ thuật và khép lại mùa giải với 10 bàn - thành tích rất đáng nể. Chính từ thành công hơn cả mong đợi từ Silva và Yaya, Mancini càng muốn đẩy nhanh tiến trình Liga hóa Man City. Aguero đã đến, giờ chỉ còn Mata. Trong trường hợp không thể "cướp" Mata từ tay Arsenal thì họ nhiều khả năng thành công ở thương vụ Nasri, một cầu thủ có lối chơi thiên về kỹ thuật cá nhân, mang phong cách rất Liga. Thậm chí, Man City có thể mua được cả Mata lẫn Nasri.

Hãy thử tưởng tượng tuyến trên của Man City mùa tới. Balotelli, Aguero và Mata là bộ ba trên hàng công. Silva và Yaya Toure là cảm hứng sáng tạo cho hàng tiền vệ. De Jong sẽ đảm nhận vai trò đánh chặn. Lấy được bóng trong chân họ là thách thức cực lớn đối với mọi đối thủ.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X