Sự vươn lên rất đáng khen của Raheem Sterling đang đem đến những tia hy vọng cho bóng đá Anh. Nhưng quá khứ cho thấy các tài năng trẻ nước Anh đa phần không thăng hoa như mong đợi. Theo Walcott, James Milner, Paul Gascoigne, Lee Hendrie… là những minh chứng tiêu biểu.
NHỮNG TÀI NĂNG KHÔNG LỚN
Raheem Sterling (19 tuổi) được xem là cầu thủ trẻ sáng giá nhất của Premier League mùa này. Phong độ cực cao của anh vào cuối mùa giúp Liverpool cạnh tranh quyết liệt chức vô địch Anh với Chelsea, Arsenal, Man City. Nhiều chuyên gia cho rằng Sterling có thể là nhạc trưởng của ĐT Anh ở World Cup 2014. Hàng công tuyển Anh với Wayne Rooney (cũng từng là một thần đồng) và Daniel Sturridge kết hợp với Sterling sẽ tạo nên mũi đinh ba lợi hại trên đất Brazil.
Những cú ngã của các đàn anh trước kia hẳn sẽ là bài học kinh nghiệm để Sterling đúc rút
Lý thuyết thì có vẻ khá thuyết phục, nhưng... hãy đợi đấy! Đội tuyển Anh có cái dớp khó xóa là hay chơi dưới khả năng ở những giải lớn. Những ngôi sao trẻ của họ cũng hiếm khi khẳng định được mình, thậm chí còn gây thất vọng cực lớn. Rooney ở World Cup 2006 và 2010 là ví dụ điển hình.
Ngôi sao trẻ thành công nhất của tuyển Anh trong hơn 2 thập kỷ qua có lẽ là Paul Gascoigne. Nhưng khi cùng Tam sư vào đến bán kết World Cup 1990 thì khi đó, cầu thủ lắm tài nhiều tật này đã 23 tuổi. Thời ấy, lứa tuổi 23 còn được cho là trẻ chứ bây giờ, chuẩn mực trẻ phải là 20 hoặc nhỏ tuổi hơn. Khi 23 tuổi, Messi đã 2 lần giành Quả bóng vàng và gặt hái vô số danh hiệu cùng với Barcelona. Ronaldo khi mới 19 tuổi đã là ngôi sao chủ lực giúp Bồ Đào Nha giành được thành tích tốt nhất lịch sử (hạng nhì EURO 2004). Nhiều đội tuyển thậm chí từng giàu tài năng trẻ đến mức có thể lập nên đội hình U23 cạnh tranh chức vô địch thế giới, như Brazil hay Argentina, Hà Lan. Tuyển Anh tất nhiên không dám mơ đến chuyện đó.
Các giải đấu lớn vẫn chỉ thường đem lại hy vọng và mong chờ cho giới hâm mộ Anh về sự xuất hiện của các tài năng trẻ, nhưng hy vọng chỉ trở thành nỗi thất vọng.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
“Bóng đá Anh nuông chiều tài năng, nhất là người trẻ vì thực tế là họ khan hiếm các tài năng trẻ”, đó là nhận xét của Sir Trevor Brooking, một trong những nhân vật uy tín và am hiểu nhất về bóng đá trẻ của Anh.
Sir Trevor Brooking cho rằng sự giàu có của Premier League đã góp phần làm hỏng tài năng trẻ, vì những người như Andy Carroll chưa làm được gì đáng kể đã được tung hô lên tận mây xanh. Mùa Đông 2011, Liverpool mua một Carroll 22 tuổi với giá 35 triệu bảng, sau khi cầu thủ này ra đi thì huyền thoại của The Kop là John Barnes than thở: “Tôi không thù ghét Carroll, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận đây là một trong những vụ chuyển nhượng tồi nhất lịch sử Premier League”.
Sir Trevor Brooking cũng thừa nhận cầu thủ trẻ của Anh có kỹ năng và tư duy bóng đá không bằng các nước khác. Ông ví dụ là Rooney có thể đưa ra 2 giải pháp nhưng trong một pha bóng tương tự, Ronaldo có thể đưa ra 11 giải pháp. Thiếu nỗ lực, thói quen nhậu nhẹt ăn chơi, tinh thần và ý chí không cao là những nguyên nhân khác theo lời thừa nhận của Lee Sharpe, cũng là một tài năng sớm nở tối tàn.
Trường hợp tài năng sớm nở tối tàn, chưa nở đã tàn hoặc không hay như mong đợi trong bóng đá Anh vài chục năm qua rất nhiều. Walcott, Milner, Sharpe, Lee Hendrie, Carroll, Downing có lẽ chỉ là một vài cái tên tiêu biểu. Và họ cũng là những tấm gương cho Sterling. Hy vọng mầm non này biết đúc rút kinh nghiệm của các đàn anh đi trước để không ngừng trưởng thành.
Theo Bongdaplus.vn