Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Loạt trận giao hữu của các CLB Anh: Những đốm lửa trong mưa

Thứ Hai 19/07/2010 08:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Arsenal, M.U và Chelsea thắng những trận giao hữu trước mùa giải không phải là điều quá lớn lao. Niềm vui dành cho xứ Sương mù nằm trong những cái tên đã tỏa sáng các trận giao hữu ấy: hầu hết đều là những cầu thủ trẻ của Anh.

1. Jay Simpson lập một cú đúp cho Arsenal trong trận giao hữu với Barnet, Danny Welbeck và Tom Cleverley đóng góp 2 bàn trong chiến thắng 3-1 của M.U trước Celtic, còn Daniel Sturridge tỏ ra vô cùng nguy hiểm trên hàng công Chelsea trong trận đấu với Crystal Palace, có một pha phát động tấn công thành bàn. Loạt trận giao hữu của các ông lớn trong ngày 17/7 dường như là một liều thuốc giảm đau cho nước Anh sau thất bại thê thảm tại Nam Phi.

Sau VCK World Cup 2010 được đánh giá là “tồi tệ nhất trong lịch sử” của Tam Sư, những người Anh đã bới móc đến tận cùng những vấn đề của nền bóng đá nước mình. Và vấn đề cơ bản nhất được chỉ ra: họ đang có một hệ thống đào tạo trẻ què quặt, nơi các ông lớn chỉ chuyên chú mua các tài năng trẻ từ nước ngoài rồi “lắp ghép” vào học viện của mình. M.U không đào tạo nên Lahm, Schweinsteiger hay Mueller, Chelsea không nhào nặn được Khedira, Arsenal không sản sinh ra Oezil, và trận thua 1-4 của Anh trước Đức tại Nam Phi vừa qua thật ra chỉ là chương kết của một cuộc đua mà Đức đã dẫn trước cả thập kỷ – cuộc đua trong đào tạo trẻ.

Và việc các cầu thủ trẻ của Anh tỏa sáng trong cùng một ngày khiến người ta cố nuôi hy vọng: phải chăng thời của những học viện đào tạo Anh giờ đã đến?

2. Có lý do để tin rằng nước Anh đang có những mầm non tài năng. Có khá nhiều những món hàng “hot” trên TTCN Premiership mùa Hè này mang quốc tịch Anh. Jack Wilshere (Arsenal) đang được Bolton theo đuổi gắt gao. Jamie O’Hara (Tottenham) là một mục tiêu của Aston Villa. James Milner (Aston Villa) thậm chí đang được liệt vào thực đơn “hàng hiệu” của Manchester City...

Nhưng đó không hề là một thực tế mới. Nước Anh đã luôn sản sinh ra những cầu thủ trẻ được định giá trên 10 triệu bảng, khi họ chưa tròn 21 tuổi. Không phải bây giờ họ mới có Wilshere hay Welbeck. Hãy nhớ lại Kevin Nolan, Francis Jeffers, Luke Chadwick (thành viên của đội tuyển U-21 Anh dự VCK giải U-21 châu Âu năm 2000) và Alan Smith, Jermaine Pennant, Stuart Taylor (VCK U-21 châu Âu năm 2002)... Họ đều đã được đánh giá rất cao, nhưng rồi trở thành những tên tuổi tầm thường chỉ đủ đẳng cấp đá ở những CLB bậc trung.

3. Trận giao hữu với Barnet không phải lần đầu tiên Jay Simpson ghi bàn trong màu áo Arsenal. Anh đã từng chơi hay hơn thế rất nhiều, từ tận năm 2008. Ngay trong trận đầu tiên khoác áo đội Một, cầu thủ quê gốc London đã lập một cú đúp vào lưới Wigan hồi tháng 11/2008. Một tháng sau, anh được thưởng một bản hợp đồng mới và... bị tống sang hết West Brom rồi lại QPR dưới dạng cho mượn. Từ đó tới trước trận đấu với Barnet, Simpson không được đá một trận chính thức nào cho Arsenal nữa.

Cơ hội cho Welbeck hay Sturridge trong màu áo M.U hay Chelsea cũng sẽ chỉ nhiều hơn thế chút ít. Chuyện rất dễ hiểu và đã được nói đến quá nhiều. Đơn giản là các CLB Premiership không đủ kiên nhẫn và mạo hiểm để có thể trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ được thi đấu trong môi trường đỉnh cao. Thứ “cao cấp” nhất mà những cầu thủ trẻ có thể hiện tốt được nhận chỉ là một vài phút vào sân từ băng ghế dự bị. Và nếu không may mắn tận dụng ngay-lập-tức những cơ hội ấy, khả năng biến mất là rất cao. Chưa kể tới những người như Simpson hay Macheda (hai lần cứu thua cho M.U tại Premiership mùa giải năm kia), dù có tỏa sáng ngay tức khắc, khả năng được tin dùng vẫn phải... xem xét.

Và như thế, ngày 17/7, ngày mà những cầu thủ trẻ Anh đồng loạt tỏa sáng trong loạt giao hữu của 3 đội bóng lớn nhất Premiership chỉ là một đốm lửa trong cơn mưa. Đốm lửa ấy sẽ không bao giờ có thể bùng cháy thành một ngọn đuốc. Vì sự khắc nghiệt của cơn mưa được tạo ra bởi... chính những CLB Anh.
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X