Chủ Nhật, 03/11/2024Mới nhất
Zalo

Lò đào tạo trẻ của Man United đang mất giá trầm trọng

Thứ Tư 09/09/2015 16:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Lò đào tạo của M.U từng sản xuất ra những thế hệ cầu thủ tài năng, tiêu biểu là lứa Busby Babes hay thế hệ vàng 1992. Tuy nhiên, giờ đây hệ thống đào tạo trẻ của Quỷ đỏ không còn cung cấp được nhiều tài năng xuất chúng.

Manchester City 9-0 Manchester United. Đó là kết quả của trận derby giữa lứa U14 của hai đội bóng thành Manchester cuối tuần trước. Những người đã theo dõi trận đấu đó đều phải thốt lên rằng đội trẻ của Man City quá mạnh và kể cả đội trẻ M.U có bung hết sức đi chăng nữa thì những cầu thủ teen mặc áo xanh vẫn có thể giành chiến thắng đậm đà một cách dễ dàng. Tất nhiên kết quả một trận đấu ở cấp độ bóng đá trẻ chẳng thể nói lên nhiều điều bởi chưa chắc đã có bất kì cái tên nào trong số những cậu nhóc ra sân sẽ góp mặt ở đội 1 của hai đại gia nước Anh trong tương lai. Tuy nhiên, nó cũng phần nào chỉ ra một sự thật rõ ràng rằng hệ thống đào tạo trẻ của Man United đang gặp vấn đề nghiêm trọng.

Van Gaal tiêu xài bạt mạng biến M.U thành CLB hoang phí nhất Premier League
(Bongda24h.vn) - Từ xưa đến nay, Man City hay Chelsea luôn được xem là những gương mặt chịu chơi nhất Premier League và chưa bao giờ ngại ngần vung tiền trên...

Cả phó chủ tịch Ed Woodward lẫn HLV Louis van Gaal có lẽ đều đã biết rằng lò đào tạo trẻ của M.U hiện giờ không còn tốt như trước. Tuy nhiên cả hai cũng không mấy mặn mà cải thiện bởi đơn giản áp lực thành tích đè nặng lên vai. Nếu muốn đội bóng mau chóng đoạt danh hiệu và sớm lấy lại vị thế xưa kia thì cách nhanh nhất và hiệu quả nhất bao giờ chẳng là vung tiền trên TTCN mang về những cầu thủ chất lượng có thể ngay lập tức giúp cho đội bóng mạnh.

Rõ ràng, ở vào tình cảnh của "tulip thép" thì ông không có đủ thời gian để trông đợi những cầu thủ trưởng thành từ chính đội bóng vươn tầm thành siêu sao vì quá trình này chắc chắn phải tốn hàng năm trời mà khả năng thành công cũng rất mông lung trong khi chỉ cần một mùa trắng tay nữa thôi thì nhà cầm quân người Hà Lan khó lòng giữ nổi chiếc ghế của mình. Như thế, đương nhiên các cầu thủ trẻ mang trong mình dòng máu quỷ thuần chủng làm sao được trao cơ hội thể hiện mình và buộc phải bán xới hoặc đi học việc ở những đội bóng khác chứ cơ hội trụ lại, được trưởng thành bên các đàn anh tại đội 1 Manchester United là cực nhỏ.

HLV Van Gaal và Woodward không mấy quan tâm đến hệ thống đào tạo trẻ của M.U
M.U xưa nay nổi tiếng với khả năng bồi dưỡng, chăm bẵm "măng non" thành sao lớn. Chẳng thế mà có tới 4 trong 5 cầu thủ khoác áo Man Utd nhiều nhất trong lịch sử: Ryan Giggs, Paul Scholes, Gary Neville và Bill Foulkes – đều gắn bó với đội bóng từ khi còn bé và trọn vẹn sự nghiệp cầu thủ chỉ cống hiến cho duy nhất màu áo Đỏ danh giá. Ngoài ra, theo thông kế, M.U đã trải qua tổng cộng 3.750 trận đấu liên tiếp mà có ít nhất 1 cầu thủ “gà nòi” góp mặt trong đội hình thi đấu (có thể được vào sân hoặc chỉ ngồi trên băng ghế dự bị). Dẫu vậy, truyền thống tốt đẹp đó đang bị mai một dần và nhiều khả năng sẽ biến mất trong tương lai không xa.

Thậm chí, lò đào tạo trẻ của Quỷ đỏ hiện bắt đầu tỏ ra yếu thế so với người hàng xóm không đội trời chung Man City vốn những năm qua từ lúc rơi vào tay các tỷ phú người Ả Rập (năm 2008) bị xem là dùng tiền mua danh hiệu và không hề có truyền thống đào tạo trẻ. Thế nhưng, 1-2 năm trở lại đây, Man xanh đã tập trung đầu tư rất nhiều vào công việc đào tạo trẻ, qua đó dần dịch chuyển sang triết lý "phát triển đội bóng bền vững từ gốc" và hướng đến giảm bớt sự phụ thuộc vào TTCN.

Bao năm qua, Man United luôn hấp dẫn hơn đối thủ cùng thành phố về khả năng lôi kéo các "viên ngọc thô" trong làng bóng đá nhờ danh tiếng, thương hiệu hàng đầu hành tinh cũng như bản thân đội chủ sân Old Trafford thường có sự ưu ái nhất định cho lứa cầu thủ tự sản xuất ra. Song giờ đây, cán cân đó không còn chênh lệch nhiều hay nói một cách khác, Man City gần như ở vị thế ngang bằng với Man Utd ở việc thu hút tài năng trẻ. Càng ngày càng có ít sao mai có cơ hội được tập luyện và thi đấu cùng các đàn anh ở đội một. Việc có thể trụ lại thì càng mơ hồ bởi từ khi HLV Van Gaal lên nắm quyền, "Quỷ đỏ" mua sắm quá ồ ạt, dẫn đến tình trang thừa nhân sự nên vô hình chung giết chết cơ hội của các sao trẻ M.U

Adnan Januzaj đã buộc phải rời sân Old Trafford ở kì chuyển nhượng hè 2015
Adnan Januzaj từng được đánh giá là cầu thủ trẻ giàu tiềm năng nhất của lò Carrington. Thế nhưng cuối cùng thần đồng người Bỉ cũng đã phải khăn gói rời khỏi đội bóng để tới Dortmund học việc do không thể cạnh tranh một vị trí chính thức trên hàng công M.U. James Wilson, tiền đạo bằng tuổi với Januzaj (đều sinh năm 1995) cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và kì vọng rất nhiều, song nhiều khả năng cũng phải sớm chia tay sân Old Trafford thời gian tới để được ra sân thường xuyên, nhất là khi M.U mới bỏ ra khoản tiền kỷ lục 36 triệu bảng đưa về Anthony Martial từ Monaco.

Trong khi đó, một người con Manchester chính hiệu, Tyler Blackett cũng đã phải tới Celtic trong những ngày cuối của kì chuyển nhượng hè 2015. Hay trước đó những Tom Thorpe, Reece James và Saidy Janko đều lũ lượt rời khỏi “Nhà hát của những giấc mơ” khiến cho số lượng tài năng trẻ tự đào tạo trong đội hình 1 của M.U hiện giờ trở nên cực kỳ hiếm hoi, đếm không hết một bàn tay (Sam Johnstone, Paddy McNair, Andreas Pereira, Jesse Lingard). Quan trọng hơn, họ gần như không có cửa cạnh tranh suất đá chính, thậm chí chỉ là "dự bị của dự bị" mà thôi.

Với Van Gaal sao trẻ M.U làm gì còn đất diễn
(Bongda24h.vn) - Từ khi cập bến Old Trafford, HLV Van Gaal đã đẩy đi rất nhiều sao trẻ M.U. Ở mùa giải này, những sao mai của Quỷ đỏ gần như không có cơ hội ra...

 

Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, Quỷ đỏ có thể dễ dàng mang về những cầu thủ trẻ tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới như trường hợp của Depay hay Martial vừa qua nhưng xét cho cùng họ không thể giá trị bằng những "măng non" do đội bóng nuôi dưỡng từ khi còn bé. Lứa cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của đội bóng đã đuợc thấm nhuần tư tưởng, triết lý, truyền thống hào hùng của CLB từ lâu nên tất yếu tình yêu dành cho đội sẽ lớn hơn rất nhiều so với dàn cầu thủ được dùng tiền mua về. Họ nếu được trọng dụng hợp lý và được tạo điều kiện phát triển sự nghiệp sẽ dễ có sự trung thành lớn, giảm bớt khả năng đòi ra đi tìm kiếm chân trời mới sau khi nổi lên được một vài mùa giải như trường hợp David de Gea. Chẳng có gì đảm bảo Depay hay Martial sẽ trở thành biểu tượng bất tử về tình yêu bất diệt dành cho CLB như các bậc tiền bối huyền thoại Ryan Giggs hay Gary Neville.

Tuy nhiên, việc xây dựng một lứa cầu thủ "tự đào tạo" chất lượng ở Man United vào thời điểm hiện tại không phải là chuyện đơn giản. Cả BLĐ và ngay CĐV đều đòi hỏi HLV Van Gaal phải lập tức mang về danh hiệu, xa xôi hơn là trở lại vị thế đích thực sau những mùa giải bết bát thời hậu Sir Alex. Lòng kiên nhẫn và chấp nhận cảnh trắng tay, tiếp tục lép vế các ông lớn khác trong khoảng thời gian 5 năm hay lâu hơn nữa dường như là điều viễn tưởng ở M.U hiện tại. Bởi thế, hãy dần chấp nhận thực tế rằng cái chất M.U đích thực, thuần khiết, đỉnh cao như trong quá khứ sẽ còn không ngừng phai nhạt trong tương lai. Man Utd hứa hẹn một thời gian dài nữa vẫn sẽ phải sắm vai một gã nhà giàu liên tục phá két và chi tiêu số tiền kỉ lục ở mỗi kì chuyển nhượng như cách ngắn nhất để quay về thời hoàng kim. Chỉ khi nào mục tiêu đó hoàn tất, may ra Man đỏ mới trở lại đúng bản ngã của mình.

Xuân Phong

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:
Dòng sự kiện

"Siêu kinh điển" M.U vs Liverpool vòng 5 Premier League 2015-2016

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X