Ở nước Anh, biệt danh The Academy – Học viện được sử dụng để gọi West Ham, nơi đã tạo ra Frank Lampard, Joe Cole… Nhưng trong tâm thức của nhiều người, thì ở nước Anh, nói đến đào tạo trẻ là nói đến Arsenal.
1. Đào tạo trẻ ở Arsenal là hiện thân của một chính sách làm bóng đá đặc biệt trong kỷ nguyên Premier League, đã tiêu tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Tony Adams, Ashley Cole, Martin Keown, Andy Cole, Ray Parlour, Paul Dickov… rất nhiều danh thủ đã ra đời từ lò đào tạo đó. Tất nhiên không thể quên sản phẩm nổi tiếng nhất của nó, Cesc Fabregas, người đến Arsenal từ năm 16 tuổi và thật ra không thể tính là sản phẩm của La Masia, mà phải là của Wenger hay Arsenal nói chung.
Bây giờ trong đội hình Arsenal vẫn còn Gibbs, Szczesny, Nicklas Bendtner và Jack Wilshere là “cây nhà lá vườn”.
2. Đêm nay, tại đấu trường FA Cup, HLV Wenger chắc chắn sẽ lại sử dụng những cầu thủ trẻ từ học viện. Có một cái tên rất đáng chú ý và nhiều khả năng sẽ ra sân là Gedilon Zelalem, tuyển thủ U17 Đức. Cầu thủ 16 tuổi này đã được các tuyển trạch viên Arsenal phát hiện ra trên đất Mỹ từ năm ngoái, và thuyết phục cả gia đình chuyển tới London.
Arsenal vẫn rất đầu tư cho tuyến trẻ. Họ vẫn chi ra khá nhiều tiền để đưa về các ngôi sao tuổi teen. Cần biết rằng luật của Premier League chỉ cho phép CLB tuyển mộ cầu thủ trẻ trong một phạm vi nhất định quanh đại bản doanh, nghĩa là nếu muốn có một mầm non nước ngoài, thì CLB sẽ phải di chuyển cả gia đình anh ta đến London. Nhưng có một điều lạ là so với các thế hệ trước, thì những thử nghiệm gần đây của HLV Wenger không mang lại nhiều hiệu quả.
Hãy nhìn Emmanuel Frimpong. Đó là một cái tên đã được nhắc đến từ khá lâu, nhưng ở tuổi 21, chưa thấy có điều gì chứng minh được rằng anh đủ sức đá cho Arsenal hay thuộc về đẳng cấp Premier League. Cả mùa trước, Frimpong chỉ được đá có 6 trận khi được đem cho mượn sang Fulham. Gibbs, Bendtner, Wilshere và Szczesny đều là những cái tên cũ. Vậy chuyện gì đã xảy ra với hàng loạt những cái tên trẻ được HLV Wenger tung ra trong các tour giao hữu mùa Hè hay là tại đấu trường Cúp quốc nội?
Kể từ sau Thế chiến 2, đã có tổng cộng 65 cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo Arsenal được gọi vào ĐTQG nước họ. Nghĩa là nếu tính đến năm 2009, thì cứ trung bình mỗi năm họ sản sinh ra được một cầu thủ tạm gọi là ngôi sao. Đó là năm mà Szczesny lên chơi cho đội 1. Và cái “nhịp” sản xuất của một cỗ máy lừng danh liệu có dừng lại ở đó?
3. Tất nhiên, không thể quy kết ngay là lò đào tạo Arsenal đang trì trệ. Họ vẫn có quyền chờ đợi một thế hệ mới. Vẫn đang có khá nhiều cái tên triển vọng được đem cho mượn ở những CLB tốt, như Coquelin (Freiburg), Ignasi Miquel (Leicester) hay Djourou (Hamburg), và trong biên chế của “lò” vẫn còn những cầu thủ như Gedilon Zelalem, vốn có thể vụt sáng bất cứ lúc nào.
Hay là những Frimpong và Gnabry? Họ đang bị đóng băng trong đội 1 nhưng vẫn còn rất nhiều thời gian. Bản thân Szczesny cũng mất vài năm ở đội 1 để lấy được chỗ đứng cả anh. Nhưng hôm nay, trong một ngày mà HLV Wenger sẽ thử nghiệm một vài nhân tố trẻ, cần nhìn lại để thấy rằng rất có thể một chính sách, một lò đào tạo lừng danh đã rất gần với một trong số những biểu trưng của thời đại Premier League có thể đang gặp nguy.
Theo Bongdaplus.vn