Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Liverpool và “hội chứng năm thứ hai”: Khi “Quỷ” chưa được… tiêm phòng

Thứ Hai 18/08/2014 18:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Bóng đá Anh vốn nổi tiếng với khái niệm “Hội chứng mùa giải thứ hai”, và điều đáng nói là nạn nhân của hội chứng này bao gồm cả các đội bóng lớn và nếu có một “đại gia” nào đang tiềm ẩn rủi ro mắc phải chính là Liverpool…

Chênh vênh trên đỉnh

Trong cuộc sống cũng như trong bóng đá, việc trụ vững trên đỉnh cao chưa bao giờ là điều dễ dàng. Về mặt tâm lý, người ta luôn có xu hướng xả hơi đôi chút sau thành công, tự cho phép mình không cần thiết phải chiến đấu với 150% sức lực. Về mặt thể chất, việc vươn đến đỉnh cao luôn đòi hỏi những nỗ lực tối đa từ phía cá nhân các cầu thủ cũng như toàn đội bóng và sau một quãng thời gian dài vắt kiệt sức lực thì cũng dễ hiểu khi nhiều người tỏ ra “hết pin” ở giai đoạn kế tiếp (Inter Milan của Mourinho mùa giải 2009/10 là một điển hình).

liverpool
 

Cuối cùng, trên góc độ khách quan mà nói, một đội bóng/cầu thủ vừa giành thành tích cao sẽ bị các đối thủ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và ít nhiều gì thì lối chơi của họ cũng sẽ bị khắc chế (ngay cả Barcelona huyền thoại những năm 2008-11 cũng dần bị bắt bài). Tất cả những lý do nêu trên đã dẫn đến cái gọi là “hội chứng mùa giải thứ hai”, khi mà một cầu thủ/CLB đột ngột sa sút chỉ sau một mùa giải thăng hoa.

Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ giải đấu nào (ở chừng mực nào đó thì nó cũng đúng cả tại Champions League, nơi chưa có CLB nào bảo vệ thành công chức vô địch), nhưng Premier League là nơi mà nó xuất hiện nhiều nhất, một phần vì đây là giải VĐQG đòi hỏi rất lớn về thể lực và phần khác cũng vì tính cạnh tranh cao độ của giải Ngoại hạng Anh (nên mọi đội bóng, kể cả M.U, đều có thể bị vượt mặt nếu như họ có một mùa giải thi đấu dưới sức).

Căn bệnh không trừ một ai

Số lượng cầu thủ mắc phải “hội chứng mùa giải thứ hai” ở Premier League là nhiều không kể xiết, nhưng nếu chỉ cần liệt ra một vài ví dụ tiêu biểu trong những năm gần đây thì có thể nhắc đến Chicharito, Papiss Cisse, Michu hay Jelavic. Số bàn thắng của họ trong mùa giải ra mắt với M.U, Newcastle, Swansea, Arsenal hay Everton lần lượt là 20, 13 (sau 14 trận), 22 và 11 (sau 16 trận). Đến mùa thứ hai, con số này lần lượt là 12, 13 (sau 47 trận), 6 và 8 (sau 43 trận), tức giảm ít nhất 40% so với mùa đầu tiên.

Nhìn rộng ra, cũng đã có rất nhiều CLB trở thành nạn nhân của hội chứng này, trong đó phần lớn là những đội bóng mới thăng hạng và vừa trải qua một mùa giải ra mắt xuất sắc tại Premier League. Mùa giải 2000/01, Ipswich Town chơi thành công ngoài sức tưởng tượng khi về đích thứ 5 ngay sau khi vừa lên hạng, tuy nhiên đến mùa 2001/02 thì Ipswich lại quay về Championship. Mùa 2002/03, Man City xếp thứ 9 – thứ hạng cao nhất của họ trong suốt một thập kỷ - sau khi thăng hạng, nhưng sang mùa 2003/04 nửa xanh thành Manchester xếp thứ 16 và phải vật lộn trụ hạng cho đến tận vòng áp chót.

Mùa 2006/07, tân binh Reading suýt nữa đã giành vé dự UEFA Cup khi kết thúc mùa bóng ở vị trí thứ 8, nhưng ở mùa 2007/08 thì chính HLV Steve Coppell cũng phải thừa nhận rằng các học trò của mình đang mắc phải “hội chứng mùa giải thứ hai” và kết cục là Reading xuống hạng. Mùa 2009/10, Hull City khởi đầu như một cơn lốc với 20 điểm/9 trận đầu tiên và thậm chí đã xếp thứ ba vào cuối tháng 10, nhưng họ nhanh chóng trở lại mặt đất khi đứng thứ 19 ở mùa 2010/11.

Liverpool mong manh nhất

Tất nhiên là hội chứng này chủ yếu xảy ra ở các đội bóng nhỏ, bởi họ thường không có đủ nguồn lực để giữ chân các cầu thủ ngôi sao cũng như để làm mới lối chơi, nhưng điều đó không có nghĩa là các CLB lớn – vốn được vận hành một cách ổn định hơn - hoàn toàn “miễn nhiễm” với nó. Những đội bóng mạnh cũng có thể phải trải qua một vài mùa giải trồi sụt vì nhiều lý do (có HLV mới, đang trong quá trình thay máu đội hình, gặp khó khăn về tài chính…) và cái tên thất thường nhất trong nhóm dẫn đầu có lẽ chính là Liverpool. Cách đây không lâu, HLV Brendan Rodgers của Liverpool đã khẳng định “Lữ đoàn đỏ” – đội bóng vừa kết thúc chiến dịch Premier League 2013/14 thành công ngoài mong đợi cho dù không thể lên ngôi vô địch - sẽ không mắc phải “hội chứng mùa giải thứ hai”. Tuy nhiên lịch sử đang chống lại ông. Mùa 2013/14, Liverpool một lần nữa xếp thứ 2 nhưng khả năng họ thêm một lần “rơi tự do” ở mùa này – như đã từng xảy ra trong quá khứ - không phải là nhỏ.

Đầu tiên, cũng giống như mùa 2009/10, Liverpool sẽ bước vào mùa giải 2014/15 sau khi mất đi mảnh ghép quan trọng bậc nhất trong đội hình. Sự ra đi của Xabi Alonso – cầu nối giữa máy quét Mascherano với hộ công Gerrard - 5 năm về trước đã khiến tuyến giữa Liverpool hoàn toàn gẫy đổ, và lời chia tay của Luis Suarez – người có thể tự mình làm gần như tất cả mọi việc trên hàng công (ghi tới 31 bàn và có 14 đường kiến tạo dù bị treo giò 6 trận đầu mùa) hứa hẹn cũng có thể gây ra ảnh hưởng tương tự đến lối đá của “Quỷ đỏ”, nhất là khi họ vẫn chưa thể mang về sân Anfield một sự thay thế tương xứng (tính đến thời điểm này).

Tiếp theo, ở cả hai mùa 2008/09 và 2013/14 thì Liverpool đều thành công với lối đá phòng ngự - phản công, nhưng bài học kinh nghiệm cho thấy rằng lối chơi này hiếm khi tỏ ra hiệu quả trong hai mùa liên tục. Mùa 2009/10, Liverpool của Rafa Benitez đã rất bế tắc khi các đối thủ chủ động lùi sâu và không cho họ có khoảng trống để tung ra những đòn phản công chớp nhoáng. Mùa 2014/15, chắc chắn là Liverpool của Brendan Rodgers cũng sẽ không có nhiều cơ hội để triển khai các pha phản công nhanh và họ sẽ phải dâng cao đội hình, cố gắng áp đặt lối chơi nhiều hơn.

Chưa rõ điều đó có mang lại nhiều bàn thắng hơn hay không, nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra nhiều sơ hở nơi hàng thủ, nhất là khi người đá thấp nhất trên hàng tiền vệ lại là lão tướng Steven Gerrard - vốn đã chậm chạp đi đáng kể. Chưa hết, một trong những lợi thế lớn của Liverpool ở mùa trước là họ chỉ phải tập trung sức cho đấu trường Premier League, nhưng tại mùa này thì ưu thế đó sẽ biến mất khi mà Champions League – giải đấu cấp CLB khắc nghiệt nhất hành tinh – sẽ đón chào sự trở lại của Gerrard và các đồng đội. Xem ra Rodgers nên cẩn trọng từ bây giờ là vừa…

Theo BĐTC

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X