450 triệu bảng là số tiền mà tỷ phú Al Maktoum, người đứng đầu đế chế tài chính Dubai International Capital (DIC), bỏ ra để mua đứt quyền sở hữu CLB giàu truyền thống nhất nước Anh. Đây là điều mà BLĐ và giới CĐV Liverpool chờ đợi sau 3 năm nỗ lực kêu gọi các đối tác đầu tư.
Al Maktoum sẽ là chủ sở hữu mới của Liverpool. |
Ngày 4/12/2006 chắc hẳn sẽ cực kỳ đáng nhớ cho tất cả những ai yêu mến "Quỷ đỏ" vùng Merseyside. Chỉ sau một thời gian ngắn đàm phán, tập đoàn DIC của tỷ phú Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Rashid Al Maktoum đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận mua lại toàn bộ quyền kiểm soát đội bóng giàu truyền thống nhất xứ sở sương mù. Như vậy, với vụ mua bán này, Liverpool đã trở thành CLB thứ 7 ở giải Ngoại hạng Anh rơi vào tay những nhà đầu tư nước ngoài sau Fulham, Chelsea, MU, Portsmouth, Aston Villa và mới đây nhất là West Ham United.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, tỷ phú Al Makoum sẽ chi 200 triệu bảng trong số 450 triệu bảng kể trên để xây một sân vận động mới có sức chứa 60.000 người, 170 triệu bảng để mua lại 51% cổ phần của chủ sở hữu cũ, David Moores và 80 triệu bảng còn lại để thanh toán các khoản nợ của Liverpool. Tuy nhiên, trước mắt, DIC và Al Maktoum vẫn trọng dụng bộ máy điều hành hiện có ở sân Anfield trong một thời gian rồi mới trực tiếp kiểm soát mọi hoạt động của Liverpool vào một thời điểm phù hợp trong năm 2007. Cụ thể, David Moores vẫn ở lại trong vai trò Chủ tịch danh dự và Rick Parry, một nhân vật được xem là có ảnh hưởng rất lớn đến nội tình đội bóng, thì tiếp tục làm Giám đốc điều hành, còn chủ sở hữu mới chỉ can thiệp vào lĩnh vực tài chính của CLB.
Những nhà đầu tư từng ngấp nghé mua Liverpool |
- 2004: Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng và nhà tài phiệt Thái Lan - 2005: Robert Kraft, tỷ phú Mỹ, chủ sở hữu New England Patriots, thành viên giải bóng đá nhà nghề kiểu Mỹ (NFL) - 2006: George Gillet, tỷ phú Mỹ, chủ sở hữu Hãng dao cạo Gillette lừng danh toàn cầu. |
Đây được xem là một nước cờ cao tay của phía Al Maktoum và DIC bởi nó đã giúp nhà tài phiệt người UAE này qua mặt đối thủ sừng sỏ George Gillet (tỷ phú Mỹ), và 3 nhà đầu tư khác trong thương vụ mua lại quyền kiểm soát Liverpool. Không như Al Maktoum, những đối thủ của ông chỉ muốn thâu tóm quyền lực ở sân Anfield càng sớm càng tốt mà không đoái hoài gì đến bộ máy lãnh đạo cũ.
Chủ tịch Moores (phải) và GĐĐH Parry sẽ lãnh đạo Liverpool một thời gian nữa trước khi chuyển giao quyền lực cho DIC và Maktoum. |
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận với BLĐ cũ, đại diện nhà chủ sở hữu mới và là Giám đốc điều hành của DIC, Sameer al-Ansari đã phát biểu: "Việc mua lại Liverpool sẽ giúp chúng tôi có cơ hội hỗ trợ cho đội bóng trong lĩnh vực thể thao cũng như những hoạt động khác của CLB". Ông này cũng cam đoan sẽ làm hết sức mình để đưa Liverpool trở lại vị thế của một đội bóng giàu thành tích bậc nhất nước Anh và châu lục như thời hoàng kim ở thập niên 80 trong thời gian ngắn nhất.
Rõ ràng những lời phát biểu trên đã làm an lòng HLV Rafa Benitez, người luôn phải vò đầu bứt tai mỗi khi cần mua sắm cầu thủ bởi khả năng tài chính không mấy dư dả hiện nay của CLB. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha này vui ra mặt khi biết tin Liverpool tìm được nhà đầu tư mới: "Tôi đã nói chuyện với chủ tịch David Moores và Giám đốc điều hành Rick Parry và nhìn chung, tôi tán thành việc DIC mua lại quyền sở hữu CLB. Hy vọng CLB sẽ có thêm nhiều tiền để tăng cường sức mạnh".
Nếu phản ứng tích cực của BHL "Quỷ đỏ" là điều hoàn toàn dễ hiểu thì dư luận Anh tương đối bất ngờ khi vụ mua bán kể trên diễn ra chóng vánh mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ giới CĐV Liverpool có tiếng dữ dằn bậc nhất xứ sở sương mù. Cách đây một năm rưỡi, khi xúc tiến việc mua lại quyền sở hữu MU, nhà Glazers đã vấp phải một làn sóng phản kháng lớn chưa từng có từ người hâm mộ. Các fan của MU đã biểu tình rầm rộ kêu gọi tẩy chay đội bóng nếu nó thuộc về nhà đầu tư người Mỹ.
Giới CĐV không phản đối việc Liverpool rơi vào quyền kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài. |
Chẳng những không cản trở quá trình mua lại đội bóng như người hâm mộ MU từng làm với nhà Glazer, giới CĐV Liverpool còn cho rằng việc Liverpool rơi vào tay chủ sở hữu mới là tất yếu và thậm chí còn tin tưởng sự hiện diện của DIC và Maktoum là có lợi cho tương lai đội bóng. Đại diện một hội CĐV ở Merseyside lạc quan: "Sớm muộn gì các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ xuất hiện. Suy cho cùng, Liverpool cũng cần tiền để tăng cường lực lượng, mà tiền thì một đế chế tài chính hùng mạnh như DIC chẳng thiếu. Có tiền, chúng ta sẽ đủ khả năng cạnh tranh với những đối thủ giàu có như MU, Chelsea trên thị trường chuyển nhượng".
7 thành viên giải Ngoại hạng rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. |
|
Theo VnExpress