Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Liverpool sắp đổi chủ: Bán Quỷ, mua thiên đường?

Thứ Bảy 07/08/2010 14:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Anfield đang đứng trước 1 thách thức có tính bước ngoặt trong lịch sử. Sự có mặt của Kenny Huang tạo ra một luồng gió mới, một sự tin tưởng rất mới mẻ đối với các CĐV Liverpool, những người đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng niềm tin dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Nhưng 4 năm sau khi Tom Hicks và George Gillett mang tới Merseyside những lời có cánh, một câu hỏi rất lớn đặt ra: Liệu người Trung Quốc sẽ mang tới thiên đường, hay lại là một địa ngục mới cho Quỷ đỏ?


Trước hết, hãy nói một chút về lộ trình hướng tới sự thâu tóm của Huang tại Liverpool. Như đã biết, từ 4 tháng trước, Broughton & Co đã được ủy quyền trong việc liên hệ bán lại The Kop. Giá trị của thương vụ này ước chừng 800 triệu bảng, nghĩa là vượt rất xa con số 218,9 triệu bảng mà Hicks-Gillett đã mua Liverpool cách đây 4 năm. “Đã làm ăn thì phải có lãi” – tư duy ấy đã được người Mỹ thực thi triệt để. Tuy vậy, vẫn còn 1 rắc rối rất lớn nữa để Liverpool được chuyển quyền sở hữu, đó chính là khoản nợ 350 triệu bảng Anh. Trong số này, chủ nợ lớn nhất (và dĩ nhiên cũng là quan trọng nhất) là Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), nơi đang kiểm soát số nợ lên tới gần 240 triệu bảng của Liverpool. Tới nay, thời hiểm đáo hạn khoản nợ đã qua (31-7-2010), và gã khổng lồ vùng Merseyside đang phải gánh một khoản lãi không nhỏ (ước tính trên 100.000 bảng mỗi ngày).

Kenneth Huang - Ông chủ mới của Liverpool?


Không còn nghi ngờ gì nữa, Lữ đoàn Đỏ đang phải đối mặt với một sức ép cực lớn trước mùa giải mới. Vấn đề là tại sao Hicks-Gillett lại không bắt tay ngay với Kenny? Rất đơn giản, Huang không muốn thế! Thay vì trực tiếp đàm phán với Broughton, cựu kiện tướng cầu lông của Trung Quốc đã đi 1 nước cờ hay hơn nhiều: Làm việc thẳng với chủ nợ (RBS), đồng thời công khai trên báo chí về khả năng sẽ xóa sạch nợ nần cho Liverpool chỉ sau 1 đêm “gom hàng”.

Kết quả, các ông chủ Mỹ đã lập tức bị đẩy vào thế bị động trước áp lực từ ít nhất 3 phía: 1, Các CĐV; 2, Báo chí; và 3, Các chủ nợ, với RBS được hiểu là đại diện cao nhất. Giới truyền thông ở Anh đã có lý, khi khẳng định doanh nhân người Syria, Yahya Kirdi không đủ khả năng tài chính để cạnh tranh với China Investment Corp (CIC), Tập đoàn đang hậu thuẫn cho Huang. Có thể hiểu, thông tin này được đưa ra như một hành động làm giảm sức ép và kéo dài thời gian của bộ đôi Hicks-Gillett. Một viễn cảnh khó chấp nhận đang tới gần hơn với các nhà tài phiệt Hoa Kỳ: Kenny sẽ ép bằng được RBS trong thời hạn 11 ngày tới, qua đó khiến các ông chủ cũ của Liverpool phải ra đi mà không kiếm được đồng lãi nào.

Rõ ràng, Huang không phải tay vừa. Thương gia sinh ra tại Quảng Đông đã nắm rất rõ 3 yếu tố để giành chiến thắng trên thương trường: 1, Biết người, biết ta; 2, Nắm đúng thời điểm; và cuối cùng là Thần tốc quyết chiến.

Thiên đường hay thảm họa?

Nếu CIC sở hữu Liverpool, Premier League sẽ có thêm 1 đội bóng thuộc quyền kiểm soát ở cấp chính phủ (trước đó là Man City). Trên giấy tờ, CIC là một quỹ đầu tư. Nhưng thực ra, nó nằm dưới sự điều hành của nhà nước, với nhiệm vụ quản lý 1 phần ngoại tệ của Trung Quốc (khoảng trên dưới 2000 tỷ USD). Vẫn còn quá sớm để nhận định đây sẽ là một tiền lệ xấu hay tốt đối với bóng đá Anh. Tuy nhiên, nếu như xem đây là một xu hướng kể từ khi giải Ngoại hạng mở cửa cho các ông chủ ngoại, thì đã quá muộn để thay đổi bất cứ điều gì. Sau thời kỳ được xem là keo kiệt của các ông chủ Mỹ, Liverpool đang choáng váng với lời hứa đầu tư tức thời 150 triệu bảng cho Roy Hodgson. Thêm vào đó, sân vận động mới có sức chứa 60.000 chỗ ngồi tại Stanley Park cũng sẽ được xây ngay, chứ không còn phải nhì nhằng năm này qua năm khác như dưới thời người Mỹ.

Ấn tượng lắm! Nhưng chẳng phải tất cả những điều đó cũng đã được Hicks-Gillett nói tới cách đây 4 năm hay sao?

Một câu hỏi thôi, CIC sẽ quản lý Liverpool theo tư duy thể thao hay đầu tư tài chính? Rất khó nói. Cho dù người ta đã đề cập tới sự dung hòa giữa 2 điều đó như một bí quyết thành công. CIC hứa sẽ không can thiệp vào chuyện chuyên môn, nhưng khả năng mỗi mùa có vài cầu thủ Trung Quốc tới thử việc là điều không ngạc nhiên. Đó là còn chưa kể đến những xung đột giữa cách quản lý đầu tư của Trung Quốc và các giá trị truyền thống ở Anfield. Chỉ có thời gian mới trả lời được tất cả.

Cuối cùng, hãy xem Huang có gì? Người Trung Quốc nói về Kenny như một siêu tỷ phú. Người Mỹ bất ngờ phủ nhận thông tin ông đang sở hữu 15% cổ phần Cleveland Cavaliers. Người Anh tuyên bố không tìm ra nỗi một khoản đầu tư nào đáng kể của Chủ tịch Huang ở hãng thể thao QSL. Và mới nhất, báo chí châu Âu đã phát hiện quỹ Phát triển tài năng thể thao trẻ của QSL chỉ hoạt động chủ yếu nhờ... tiền quyên góp từ thiện.

Nếu Kenny lên nắm quyền ở Anfield, có lẽ Liverpool sẽ có một vị Chủ tịch bí ẩn nhất ở giải Ngoại hạng.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X