Những kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới của Liverpool đang bị xáo trộn vì tuyên bố đòi ra đi của chân sút chủ lực Luis Suarez. Về khoản đối mặt với yêu cầu ra đi của các cầu thủ, có lẽ Liverpool cần học Tottenham.
1. Ở Premier League, Tottenham là một "bậc thầy" trong việc giải quyết chuyện các ngôi sao đòi ra đi, nhờ vị Chủ tịch cực kỳ "rắn mặt" Daniel Levy. Với vị Chủ tịch "rắn mặt" Daniel Levy, Tottenham không bao giờ chịu thỏa hiệp với các cầu thủ muốn ra đi.
Đầu mùa giải 2008-2009, Robbie Keane, khi đó đang là đội trưởng của Spurs, đòi chuyển đến Liverpool, đội bóng mà anh hâm mộ từ bé. Levy dọa sẽ kiện Liverpool lên FA: "Tôi cảm thấy hết sức thất vọng khi biết rằng Liverpool đã bí mật đưa Robbie về Anfield, dẫn tới việc Robbie muốn rời khỏi White Hart Lane và đệ đơn xin ra đi".
Rốt cục, Liverpool phải bỏ ra 20,3 triệu bảng, gồm 19 triệu tiền chuyển nhượng, và 1,3 đóng góp cho Quỹ từ thiện của Spurs. Keane là một thất bại lớn của Liverpool, và chỉ 6 tháng sau khăn gói trở lại White Hart Lane với giá chỉ 12 triệu bảng. Tottenham lãi tới 7 triệu trong vụ chuyển nhượng này.
Cũng ở mùa Hè năm 2008, M.U đã bày tỏ mong muốn có tiền đạo của Spurs là Dimitar Berbatov, và anh cũng tha thiết muốn được đến thi đấu cho những nhà vô địch châu Âu. Tiền đạo người Bulgaria thậm chí đã đình công, bỏ tập để thể hiện rõ mong muốn được ra đi.
Nhưng Spurs không muốn bán cho M.U, vì những lời lẽ mà Sir Alex từng nhằm vào mình. Họ thậm chí chủ động hạ giá xuống còn 25 triệu bảng để cho các đội bóng lớn nước ngoài như Barcelona và AC Milan vào cuộc. Nhưng khi thấy rằng không còn cách nào khác là phải bán cho M.U, Tottenham "làm giá" rất quyết liệt, buộc M.U phải đến những giờ cuối cùng của kì chuyển nhượng mới sở hữu được Berbatov, với cái giá kỉ lục 30,75 triệu bảng.
2. Rồi còn đó trường hợp của Luka Modric. Tiền vệ người Croatia đã đòi ra đi từ hè năm 2011, với Chelsea đề nghị mức giá 40 triệu bảng, nhưng Spurs kiên quyết từ chối. Modric thậm chí từng đăng đàn chỉ trích Levy là kẻ nuốt lời, khi đã từng hứa rằng anh có thể ra đi nếu một đội bóng lớn có lời đề nghị. Vô ích, Spurs giữ được Modric thêm 1 năm, và anh vẫn thi đấu tốt, giúp đội bóng cán đích ở vị trí thứ 4.
Mùa Hè năm ngoái, Real Madrid là đội tích cực theo đuổi Modric nhất. Nhưng vụ chuyển nhượng này cũng kéo dài sang tận tháng Tám mới kết thúc, và Real phải bỏ ra 33 triệu bảng.
Có thể thấy, Tottenham luôn làm khó cho các đối thủ trong những vụ chuyển nhượng các ngôi sao của mình, buộc cuộc thương lượng kéo dài, khiến các đối tác phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với giá trị thực của cầu thủ, và còn được dịp thoải mái chỉ trích các đội bóng lớn. Mùa Hè năm nay, họ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong thương vụ Gareth Bale, khi đòi cái giá kỉ lục thế giới, khoảng 85, 90 triệu bảng mới bán.
3. Dù cuối cùng, Spurs đều phải để cho các ngôi sao của mình ra đi, nhưng ít nhất, họ không thỏa hiệp với yêu cầu đòi ra đi của họ, không bị cầu thủ gây sức ép, và không bị các đối thủ ép giá. Họ là tấm gương sáng để Liverpool, cũng như các đội bóng khác ở Premier League học tập.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)