Mặc cho những lời động viên của đội bóng QPR, Anton Ferdinand khẳng định rằng anh không hề có ý định bắt tay Terry trong trận đấu sắp tới, giả dụ như cậu em nhà Ferdinand đồng ý, liệu chăng Terry có xứng đáng nhận nó.
LĐBĐ thế giới (FIFA) hoạt động với tôn chỉ xây dựng nền bóng đá tốt đẹp hơn, trong đó, tuyên ngôn “Say no to racism” (tạm dịch là: “Nói không với phân biệt chủng tộc”) chính là điều mà tổ chức này hướng tới trong những năm trở lại đây.
Nhưng trong thời gian qua, nạn phân biệt chủng tộc lại đang rất nhức nhối trên sân cỏ, đặc biệt ở nước Anh, nơi chứng kiến tới hai vụ đình đám nhất trong năm 2011 vừa qua (Suarez với Evra, Terry với Anton Ferdinand).
Không cần nói thêm quá nhiều, bởi hậu quả của những lời miệt thị từ Suarez hay Terry chính là nỗi đau giằng xé cho những nạn nhân như Evra hay Anton Ferdinand, thậm chí, sau đó, Anton Ferdinand còn liên tục bị dọa giết (trong đó, ngày hôm qua, anh vừa nhận được viên đạn từ người bí ẩn).
QPR và Chelsea đều kêu gọi Anton Ferdinand bắt tay Terry trước trận đấu
Thật đáng buồn cho FIFA khi tuyên ngôn của họ bị “phản bội” ở nơi mà bóng đá đã phát triển tới mức cực đại như nước Anh, thậm chí, đau xót hơn khi người phạm lỗi tày trời đó lại là đội trưởng của đội tuyển Anh, Terry.
Câu hỏi được đặt ra là liệu cái bắt tay có làm xoa dịu nỗi đau Anton Ferdinand (và Evra) đã trải qua, câu trả lời chắc chắn là không. Thậm chí, ở chừng mực nào đó, những người đứng về phía Anton Ferdinand cũng không cần cái bắt tay từ phía Terry.
Gần nhất, trong tuyên bố của mình, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã khẳng định rằng những cái bắt tay sau trận đấu sẽ giúp hàn gắn những tranh cãi, hiềm khích, phân biệt chủng tộc trong trận đấu, nhưng có vẻ như ông đã lầm.
Khi ý tưởng điên rồ đó chưa được áp dụng vào trong thực tế, ông đã nhận được những sự phản đối quyết liệt từ rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, trong đó, Rio Ferdinand (anh trai của Anton Ferdinand) là người phản ứng gay gắt nhất.
Ý tưởng của Sepp Blatter nhanh chóng sụp đổ bởi đơn giản, chẳng ai có thể cao cả tới mức bắt tay kẻ thù của mình để…xóa bỏ mọi hiềm khích hay nói cách khác, cái bắt tay không thể là phương thuốc tốt để chữa trị những nỗi đau giằng xé (thậm chí cả nỗi sợ hãi như trường hợp của Anton Ferdinand).
Tất nhiên, Anton Ferdinand cũng không cao cả tới vậy, theo một vài người bạn của cầu thủ này, nhiều khả năng Anton Ferdinand sẽ không bắt tay “kẻ thù” Terry trước khi trận đấu diễn ra. Trong quá khứ, Terry cũng bị Wayne Bridge từ chối bắt tay vì “cả gan” cướp cả người yêu cầu thủ này.
Một kẻ “phản bóng đá” như Terry (liên tục đi ngược lại với cái đẹp, tôn chỉ hoạt động của FIFA) liệu có xứng đáng nhận được cái bắt tay - một điều quá “ưu ái” với cầu thủ này. Những án phạt (và cả tổn thất nặng nề về kinh tế) sau scandal với Bridge không thể “thức tỉnh” cầu thủ này, thì liệu cái bắt tay (mang tính xã giao) có thể làm nên điều thần kỳ gì?
Nhưng ở dưới góc độ thương mại, FIFA hay gần hơn FA và những CLB Chelsea, QPR lại cần một cái bắt tay của Terry và Anton Ferdinand, bởi đơn giản, cái bắt tay (biểu tượng của sự đoàn kết, hàn gắn) đang là điều tất cả hướng tới.
Sẽ còn gì tuyệt vời hơn nếu khán giả chứng kiến thái độ thân tình đó của Terry và Anton Ferdinand trên truyền hình (ở giải đấu rất được quan tâm như bóng đá Anh), nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, thương mại khá lớn, khi ấy, uy tín của FIFA và nhiều bên liên quan sẽ được gia tăng đáng kể.
Chính vì lẽ đó, không khó hiểu khi Chelsea và QPR tỏ ra khá rầm rộ trước thềm trận đấu này, họ ký với nhau bản cam kết "xóa bỏ hận thù", kêu gọi Anton Ferdinand bắt tay Terry (dù trước trận đấu cậu em nhà Ferdinand đã nhận được một viên đạn đe dọa tính mạng).
Bỗng nhiên, trận đấu với Chelsea và QPR được quan tâm hơn bao giờ hết chỉ vì… một cái bắt tay!
(Theo Dân Trí)