- 10 bí mật về Marcos Rojo, tân binh sắp cập bến Man Utd
- NÓNG: Man Utd chính thức đạt được thoả thuận chiêu mộ Marcos Rojo
Sinh năm 1990, Rojo bắt đầu thi đấu ở châu Âu vào năm 2011 trong màu áo Spartak Moscow (Nga) sau khi có được 2 danh hiệu (VĐQG Argentina và Copa Libertadores, giải đấu được xem là "Champions League của Nam Mỹ") ở CLB Estudiantes, đội bóng đào tạo ra anh. Chuyến phiêu lưu tại xứ sở Bạch Dương diễn ra khá ngắn ngủi khi mà Rojo lọt vào mắt xanh của Sporting Lisbon, một tên tuổi lớn của bóng đá BĐN từng cung cấp cho Man Utd thiên tài Cristiano Ronaldo. Tại đây, Rojo đã trải qua hai mùa bóng khá thành công nhưng sự thể hiện của anh không đến mức quá nổi trội. Chính xác phải đến VCK World Cup 2014 vừa rồi, cái tên Rojo mới được biết đến nhiều hơn thông qua màn trình diễn khá ấn tượng trong vai trò hậu vệ trái tại ĐTQG Argentina (thực ra, Rojo đã khoác áo Albiceleste từ năm 2011 và có gần 30 lần được ra sân thi đấu). Marcos Rojo đã có mặt ở đại bản doanh của Man Utd để hoàn tất những khâu cuối cùng của bản hợp đồng
Nhờ đó, anh đã lọt vào danh sách chiêu mộ của HLV Louis Van Gaal sau khi lên nắm quyền ở Man Utd nhưng rõ ràng anh không phải mục tiêu số 1. Dẫu vậy, trong bối cảnh Man Utd liên tiếp gặp thất bại trên TTCN (chẳng hạn Borussia Dortmund nhất quyết không nhả Matt Hummels còn Thomas Vermaelen lại chọn Barcelona) và đang lâm vào cảnh khát người, Rojo bỗng dưng nổi lên như một sự bổ sung quý giá cho "Quỷ đỏ". Cần lưu ý rằng, kỳ chuyển nhượng hè 2014 chỉ còn vài tuần nữa sẽ khép lại nên Man Utd mà cứ "kén cá chọn canh" thì không cẩn thận sẽ chẳng mua thêm được ai hoặc phải vội vàng vồ lấy một món hàng hớ như Fellaini vào mùa hè năm ngoái khi thương vụ được hoàn tất chỉ vài giờ trước thời điểm TTCN đóng cửa. Thêm vào đó, hẳn ban lãnh đạo Man Utd cũng như HLV Van Gaal quá hiểu sức hút hiện giờ của "Quỷ đỏ" đã suy giảm mạnh mẽ sau một mùa giải thê thảm và tương lai phía trước vẫn rất mơ hồ nên không còn dễ chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu như trước, kể cả khi chấp nhận chi bộn tiền (nói thực, rất ít tên tuổi lớn chịu gia nhập đội bóng không được tham dự Champions League mà lại đang trên đà suy thoái).
Bởi thế, đánh giá tổng thể, Rojo vẫn là giải pháp hợp lý cho Man Utd trong thời buổi khốn khó này dù rằng không phủ nhận, đẳng cấp, trình độ hiện tại của Rojo cũng chỉ mức "thường thường bậc trung" (nhưng giàu tiềm năng) giống như hai tân binh trước đó được Man Utd chiêu mộ (Luke Shaw, Ander Herrera) chứ làm sao mang tầm vóc thế giới giống các tân binh nổi bật của các đại gia khác (Cesc Fabregas, Diego Costa, James Rodriguez, Toni Kroos hay Alexis Sanchez). Ít ra, Man Utd có thêm một nhân sự để lấp vào khoảng trống mà Nemanja Vidic và Rio Ferdinand bỏ lại, dù tuyển thủ Argentina còn lâu mới sáng ngang với 2 tượng đài của sân Old Trafford. Rõ ràng, một khi Van Gaal quyết trung thành với đấu pháp 3-5-2 thì việc ông chỉ sở hữu đúng 3 trung vệ "xịn" đã là quá mạo hiểm và rủi ro, chưa bàn đến chuyện Jonny Evans, Phil Jones hay Chris Smalling đâu đã là trung vệ đầu bảng.
Ngoài ra, Rojo còn có thể đá tốt ở vị trí hậu vệ trái hay rộng hơn là quán xuyến toàn bộ cánh trái như đòi hỏi của đấu pháp 3-5-2 (có một lưu ý, xét về mặt bản chất của sơ đồ này thì hai cầu thủ chạy cánh nên thiên về hướng thủ chứ không phải công, đồng nghĩa nếu có hậu vệ cánh tốt thì cần được sử dụng thường xuyên chứ không phải xài một tiền vệ cánh) như đã từng thể hiện trong màu áo ĐTQG Argentina nên Rojo sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh với Luke Shaw, gương mặt duy nhất trong thành phần đội 1 Man Utd hiện tại có thể đá được hậu vệ trái trước khi Rojo cập bến (đừng nhắc đến Ashley Young bởi anh là một tiền vệ cánh đơn thuần trong khi Reece James còn quá trẻ, quá non nên chưa thể mạo hiểm đặt niềm tin trong mùa tới). Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, cạnh tranh luôn là động lực phát triển. Cứ cho Luke Shaw thực sự là một thiên tài nhưng nếu chẳng vấp phải bất cứ sự đe doạ vị trí nào thì tin rằng hậu vệ sinh năm 1995 này khó thăng tiến một cách vượt bậc như mong đợi.
Ngoài ra, Rojo đã phần nào cho thấy sự toàn năng của mình, đặc biệt lại mang nhiều tố chất phù hợp với Premier League. Bên cạnh kỹ năng phòng ngự đơn thuần, Rojo còn rất giỏi chuyền bóng, kỹ thuật cơ bản tốt, sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, tốc độ tuyệt vời cùng khả năng không chiến. Trong trận ra quân của Argentina gặp Bosnia ở World Cup 2014, Rojo từng chạy với vận tốc lên đến 31,79 km/h, qua đó giúp anh lọt vào danh sách những cầu thủ nhanh nhất giải. Ở tuổi 24, tiềm năng của Rojo còn đầy và anh hoàn toàn đủ sức tiến bộ xa hơn nữa trong tương lai. Ngoài ra, Rojo còn mang quốc tịch Argentina mà đa phần các cầu thủ đến từ xứ Tango đều rất dễ hoà nhập và tạo dựng được sự nghiệp tại Premier League. Dĩ nhiên, có không ít trường hợp thất bại mà nói đâu xa, Man Utd thời Sir Alex Ferguson từng chi hàng đống tiền mua Veron để rồi nhận lấy thất bại khi tiền vệ này chỉ còn là cái bóng mờ so với thời hoàng kim tại Serie A. Song có điểm khác biệt lớn giữa Rojo và tiền bối Veron. Đó là hậu vệ này mang phong cách của một chiến binh chứ không phải đậm chất nghệ sỹ lãng tử, lai khá yếu ớt như Veron mà chiến binh thì luôn có đất sống ở một giải đấu khốc liệt, đề cao yếu tố sức mạnh như Premier League. Xem ra, dẫu chỉ là giải pháp tình thế, "méo mó có hơn không" nhưng vào lúc này, Rojo thực sự là phương án bổ sung tối ưu nhất có thể. Marcos Rojo sẽ tiếp bước thành công của những người Argentina tại nước Anh?
Tuy nhiên, vẫn có lý do để dư luận nghi ngờ về khả năng thành công của Rojo hoặc cầu thủ này không thể giúp giải quyết hết mọi vấn đề hiện tại nơi hàng thủ đội bóng. Thứ nhất, Rojo chưa cho thấy rằng anh mang trong người phẩm chất thủ lĩnh (có thể nó vẫn đang lẩn khuất đâu đó chưa phát lộ ra) mà ai cũng rõ, Man Utd đang rất thiếu một người biết chỉ huy hàng phòng ngự và nhu cầu này càng trở nên bức thiết nếu Man Utd trung thành với chiến thuật 3-5-2. Trong sơ đồ này, hàng thủ gồm 3 trung vệ sẽ rất khó tìm tiếng nói chung, phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp và không dẫm chân lên nhau nếu không có một người điều phối, lại có thêm tốt chất chất của một libero cổ điển thì càng tuyệt (thực ra, 3-5-2 hay 5-3-2, sơ đồ sẽ buộc phải có một libero cũng gần tương tự nhau). Nên Rojo mà chỉ đạt đến mức tròn vai hay trội hơn các trung vệ hiện tại của Man Utd thì vẫn chưa đủ. Chắc chắn Van Gaal sẽ rất mừng một khi Rojo bộc phát được tư chất lãnh đạo (nếu có).
Thứ hai, hậu vệ được đánh giá là người rất nỏng nảy, dễ mất kiểm soát, thậm chí sẵn sàng sửng cồ với cả trọng tài. Chính vì cá tính đó mà anh đã phải nhận tổng cộng 20 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ trong 2 mùa giải qua ở Sporting nên Rojo rất dễ rơi vào bẫy các cầu thủ tinh quái của giải Ngoại hạng Anh và trở thành đối tượng bị trọng tài ganh ghét nếu cứ thích bật. Một vấn đề khác của Rojo là đôi khi anh hay mất tập trung, ngay cả khi đá trung vệ vốn là vị trí luôn đòi hỏi tập trung cao độ rồi khả năng chọn vị trí cũng không tốt, khiến Rojo dễ trở thành điểm đen trong các tình huống cố định.
Dẫu sao, "nhân vô thập toàn". Rojo vẫn còn thời gian để khắc phục những điểm yếu và hoàn thiện hơn nữa, nhất là khi lại được làm việc dưới trướng Louis Van Gaal, vị HLV nghiêm khắc nhưng lại rất "mát tay" với các cầu thủ còn chưa thật sự thành danh. Vì thế, xét cho cùng, Rojo vẫn là "món hàng ngon" với "đại gia hết thời" Man Utd và đội bóng chẳng moi đâu ra sự lựa chọn nào tốt hơn. Còn liệu Rojo có thành công tại Old Trafford hay không thì chỉ thời gian mới trả lời được.
Thiên Bình