Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Lierpool: Bi kịch một "lâu đài"

Thứ Tư 13/10/2010 08:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vậy là thời khắc tưởng như sẽ không bao giờ đến với đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Anh như Liverpool rốt cuộc vẫn xảy ra. 11h25 sáng hôm qua, người ta đã đưa Liverpool ra Tòa án Tối cao cho một cuộc ngã giá tàn khốc.

Ngã giá một "lâu đài"

Ông thẩm phán danh tiếng Floyd tới đây có thể sẽ phải đưa ra một trong những phán quyết khó khăn nhất trong sự nghiệp. Ở nước Anh, CĐV Liverpool thuộc diện đông đảo nhất. Và chính ông nằm trong số những tín đồ của sân Anfield.

Người Liverpool biết điều này. Họ đang hy vọng “Ngài” Floyd sẽ để tình cảm lấn át lý trí. Báo chí Anh cũng nhờ thế mà đưa ra dự báo. Số đông cho rằng, thẩm phán Floyd sẽ ra phán quyết đồng ý cho Liverpool được đổi chủ.

Động cơ nào đằng sau quyết định bán rẻ Liverpool của Broughton?

Bộ đôi ông chủ Liverpool là Tom Hicks và George Gillett không phải không biết đến điểm yếu của họ. Nhưng khi những chuyên gia kinh tế người Mỹ bậc thầy quyết đâm đơn kiện, hẳn họ cũng có những toan tính riêng. Ngoài cuộc chiến pháp lý được cho là không khó giải quyết xem ai đúng ai sai, như chúng ta từng phân tích, còn đó khúc mắc liên quan đến tài chính, đến giá cả mà không dễ bề xử trí.

Đúng là Hicks và Gillett đáng trách, khi làm ăn thua kém để tình cảnh bi đát này xảy ra. Nhưng cũng không thể không quở trách phe Broughton, dù họ được cho là đại diện của “công lý”. Ai đời đem bán một “lâu đài” đồ sộ và nguy nga từng được định giá tới 518 triệu bảng như Liverpool chỉ với mức 300 triệu bảng!

Cảm giác, RBS đã vì lợi ích của họ mà sẵn sàng bán rẻ Liverpool. Ông chủ tịch Martin Broughton thực ra chỉ là một người làm thuê, chỉ đâu đánh đó. Thế mà thoắt cái ông đã ký một bản ghi nhớ đồng ý bán đội bóng cho NESV. Trong quyết định chóng vánh của BLĐ Liverpool, hẳn có RBS hậu thuẫn.

Giờ thì tất cả các bên đều đang ở thế há miệng mắc quai. Họ đành chấp nhận phó mặc số phận Liverpool cho phán quyết của Tòa án. Cho đến lúc thẩm phán Floyd “tuyên án”, người ta sẽ còn được chứng kiến nhiều hơn những cuộc ngã giá bán mua. Nhưng như thế cũng hay. Bởi ít nhất, mọi uẩn khúc sẽ đều được đưa ra ánh sáng.

Kẻ phá bĩnh Peter Lim

Sáng qua, đúng vào lúc các bên rục rịch đi hầu tòa, sân Anfield nhận được một lời đề nghị. Người đưa ra lời đề nghị ấy không mới, bởi ông là Peter Lim - tỉ phú người Singapore - đã từng bị chính John Henry đánh bật ra trong cuộc đua tay đôi mới đây.

Lần này, Lim đến mang theo một kế hoạch nghiêm túc. “Đại gia” Đông Nam Á phất lên nhờ chứng khoán tuyên bố sẵn sàng mua Liverpool với giá 360 triệu bảng. Chỉ tính riêng về con số cũng đã hơn đứt 300 triệu bảng BLĐ Liverpool gật đầu với NESV.



Trong 360 triệu bảng trên, Lim dự kiến trả nợ ngân hàng 220 triệu bảng (hơn NESV), 100 triệu bảng cho chi phí phát sinh (bằng NESV) và quan trọng hơn, sẵn sàng chi ngay 40 triệu bảng cho HLV Roy Hodgson bổ sung lực lượng (NESV không có).

Để chọn, dù có đồng ý bán đội bóng, Hicks và Gillett cũng sẽ không vì tình đồng hương mà gật đầu với NESV. Đơn giản, lời đề nghị của Peter Lim tốt hơn, có thể không cho Hicks và Gillett, nhưng cho tương lai của Liverpool.

Từ đây, có thể vụ đưa Liverpool ra Tòa sẽ đi theo một hướng mới. Người Anfield vốn đã chán chủ Mỹ, đương nhiên sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với đối tác Singapore. Nhưng ngoài nỗ lực của Peter Lim, cũng cần có sự quyết đoán của BLĐ The Kop.

Sự quyết đoán ấy, dưới sự bảo trợ của RBS, có thể bằng nhiều cách. Hướng an toàn nhất tránh cho Liverpool thoát khỏi bi kịch (bị tịch thu và bị trừ điểm) là giãn nợ cho Hicks và Gillett, rồi sau đó hãy tính chuyện bán mua…

Điều trần trước tòa: 10 câu hỏi lớn

Phiên tòa phán xử vụ tranh chấp quyền lực tại Anfield đã bắt đầu từ hôm qua. Giới phân tích đưa ra 10 câu hỏi mà tất cả các bên đều quan tâm:

1. Đối chất để làm gì?
Hôm qua, đã diễn ra đối chất giữa BLĐ Liverpool và 2 ông chủ Mỹ. Mục đích để phe Broughton chứng minh họ có quyền bán CLB. Ngược lại, cũng để xem Hicks và Gillett lấy quyền gì để ngăn cản.

2. Sao Broughton muốn bán?
Martin Broughton là người của RBS (Ngân hàng Hoàng gia Scotland) - chủ nợ lớn nhất của Liverpool (237 triệu bảng). Broughton được RBS đưa vào BLĐ Liverpool để thúc đẩy quá trình tìm kiếm nhà đầu tư mới.

3. Cán cân phiếu bầu ra sao?
Phe Broughton có 3 phiếu của chủ tịch Broughton, GĐĐH Purslow và Giám đốc Tài chính Ayre. Giới chủ Mỹ chỉ có 2 phiếu của Hicks và Gillett. Cán cân là 3-2 nghiêng về phe Broughton.

4. Tại sao Hicks và Gillett từ chối bán?
Thứ nhất, giới chủ Mỹ khẳng định Broughton không có quyền bán đội bóng. Thứ hai, mức giá 300 triệu bảng là quá thấp so với giá trị thương hiệu Liverpool. Nếu đồng ý bán, giới chủ Mỹ sẽ lỗ 144 triệu bảng.

5. Hicks và Gillett thắng kiện được không?
Có 3 khả năng giúp Hicks và Gillett thắng kiện. 1/Trả nợ thành công trước thứ Sáu. 2/Tìm được nhà đầu tư trả giá cao hơn trước thứ Sáu. 3/RBS đồng ý cho giãn nợ.

6. Vai trò của RBS?
RBS đóng vai trò tối quan trọng vì họ là chủ nợ chính. Số phận của Liverpool phụ thuộc vào ngân hàng này. Theo thông lệ, RBS sẽ không để Liverpool đắm. Họ có quyền nới thời hạn trả nợ sau ngày 15/10.

7. RBS và Broughton sẽ thắng?
Không ai muốn Liverpool bị tịch thu và bị trừ điểm. Phe RBS và Broughton chỉ thắng trong trường hợp họ bán được đội bóng. Không thì buộc phải cho giãn nợ để tìm nhà đầu tư khác.

8. “Administration” là gì?
Khái niệm “Administration - Bảo hộ phá sản” được dùng để mô tả một tổ chức kinh tế đứng trước bờ vực phá sản, không còn khả năng trả nợ, buộc phải mời cơ quan công quyền điều hành nhằm tìm giải pháp cứu công ty nếu có thể. Tình huống xấu nhất là phát mãi tài sản để trả nợ.

9. Liverpool chắc bị trừ điểm?
Tất nhiên, nếu Liverpool bị đặt vào tình trạng “bảo hộ”. Bởi luật bóng đá Anh khẳng định kể cả công ty sở hữu đội bóng phá sản, bị tịch thu thì đội bóng vẫn có liên đới và sẽ bị trừ 9 điểm theo quy chế.

10. Peter Lim thì sao?
Vị tỉ phú người Singapore từng bị loại khỏi cuộc đua giành Liverpool. Quay lại, Lim buộc phải trả cao hơn cái giá 300 triệu bảng. Ngoài ra, cũng phải chờ Hicks và Gillett lên tiếng?

Nhân vật chính gồm những ai?

Phe "độc tài"

Tom Hicks: Tỷ phú người Mỹ với tổng tài sản khoảng 1 tỷ USD. Nhảy vào lĩnh vực thể thao năm 1995 và sở hữu cổ phần của hàng loạt CLB nổi tiếng ở Bắc Mỹ cũng như Liverpool. Là người quyết định giữ chặt Liverpool khi đồng sự Gillett tỏ ý muốn ra đi.
George Gillett: Cùng mua lại Liverpool với Tom Hicks năm 2007, và chỉ một năm sau đã lên kế hoạch bán 50% cổ phần của mình cho người Dubai (bị chính Hicks ngăn cản bằng luật pháp). Đã nhận được vô số lời đe dọa tính mạng từ CĐV Liverpool trong suốt 2 năm qua.
Luật sư Paul Julian Girolami: Năm nay 50 tuổi, tốt nghiệp đại học Cambridge và là nhân vật lọc lõi của thương trường khi từng có chân trong ban quản trị của tập đoàn dược phẩm khổng lồ Glaxo. Ông được bổ nhiệm bởi công ty luật Peters&Peters để bảo vệ quyền lợi cho hai ông chủ Mỹ của Liverpool.

Phe lật đổ

Martin Broughton: Cựu chủ tịch của tập đoàn hàng không British Airways và đương kim chủ tịch Liverpool. Được bổ nhiệm bởi RBS (chủ nợ chính của Liverpool) để tìm cách bán Liverpool.
John William Henry: Triệu phú người Mỹ đang thông qua công ty New England Sports Ventures của mình để mua Liverpool. Mọi chuyện tưởng như vẫn thuận buồm xuôi gió khi ông nhận được cái gật đầu của người có trách nhiệm (chủ tịch Broughton), nhưng rồi Hicks và Gillett xuất hiện tuyên bố cái giá ông trả là quá rẻ.
Luật sư Anthony Grabiner: Một trong những luật sư nổi tiếng và có thu nhập cao nhất nước Anh với khoảng 2 triệu bảng/năm. Được bổ nhiệm bởi hãng Slaughter&Mays để bảo vệ quyền lợi cho chủ tịch Broughton.
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X