Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Lăng kính Premier League: Cuộc đầu tư thanh xuân

Thứ Tư 29/06/2011 08:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tổng giám đốc David Gill của M.U đã nói rằng ông sẽ không đầu tư vào các ngôi sao đắt tiền, mà chỉ mua về những cầu thủ trẻ có khả năng bán lại có lãi.

1. Theo nhiều truyền thuyết, tháng 6 - June, được những người La Mã đặt tên theo nữ thần Juventas, nữ thần bảo hộ cho tuổi trẻ. Juventas (Hebe trong thần thoại Hy Lạp) là con của 2 vị thần quyền lực nhất: Jupiter (Zeus) và Juno (Hera), là “F1” của đỉnh Olympus, nghĩa là đầy quyền lực.

Tháng 6 năm 2011 của Premiership cũng xứng đáng nhận được sự bảo hộ của nữ thần Juventas. David De Gea đã đặt chân đến Carrington và sẽ nhanh chóng ký hợp đồng để trở thành thủ môn số 1 trẻ nhất dưới thời Sir Alex Ferguson. Trước anh, Premiership đã có những thương vụ bán mua cầu thủ trẻ như Phil Jones, Henderson. Sau anh, có thể sẽ còn là Mata, Alvarez, Thiago, Neymar…

Tổng giám đốc David Gill của M.U đã nói từ cách đây 2 năm, rằng ông sẽ không đầu tư vào các ngôi sao đắt tiền, mà chỉ mua về những cầu thủ trẻ có khả năng bán lại để thu lãi. Nghĩa là chỉ mua tài sản chứ không mua tiêu sản. Lúc đó, ai cũng chỉ nghĩ rằng ông đang chống chế cho việc M.U không có tiền mua sắm. Nhưng hóa ra là họ có một kế hoạch như thế thật.

Giải Ngoại hạng Anh đang có xu hướng thích dùng "hàng trẻ"

Nếu cứ lấy định nghĩa “tuổi trẻ” theo… Ngân hàng thế giới (vì chúng ta đang nhắc đến góc độ đầu tư) thì cứ từ 24 tuổi trở xuống là trẻ. Nếu theo định nghĩa ấy thì không chỉ có M.U, mà dường như đang có một cơn sốt đầu tư vào tuổi trẻ trong nhóm các ông lớn nước Anh.

Chelsea muốn có Neymar, Coentrao. Liverpool đã có Henderson và giờ đang cùng Arsenal đuổi theo Mata. M.U đã bỏ ra 35 triệu bảng để có Phil Jones và De Gea, nhưng vẫn đang thèm khát Nasri và Thiago Alcantara.

2. Có một điều gì đó đã thay đổi trong tâm lý mua sắm của các ông lớn nước Anh. Những cầu thủ vừa có giá trị đầu tư vì sự trẻ trung, lại vừa đạt độ chín để có giá trị hiệu dụng ngay tức thì luôn rất đắt. Hàng triệu bảng cứ ném vèo đi qua mỗi thương vụ. Mà với từng ấy tiền, chỉ cần nhắm vào những cầu thủ 25, 26 tuổi thôi, là cũng ra được khối cái tên bổ-rẻ hơn nhiều rồi.

Và chính họ vài năm trước vẫn còn ném cả đống tiền ra để rước về nào là Berbatov, Shevchenko, Aquillani, Robbie Keane, những ngôi sao đã lên đến đỉnh dốc của sự nghiệp.

Đó có thể là một sự tiên liệu về một thời kỳ “trắng mua sắm” khi Luật công bằng tài chính của UEFA được áp dụng. Luật ấy có hiệu lực thì ai cũng phải thắt lưng buộc bụng. Và Premiership giờ không chỉ cần hàng tốt nữa, mà còn phải cần hàng bền. Nghĩa là cầu thủ trẻ.

Đó có thể là hành động của một cậu thiếu gia đã tiêu tiền như rác suốt nhiều năm, bây giờ tỉnh ngộ và vét nốt những đồng xu cuối trong gia sản để đầu tư. Những cầu thủ ấy vài năm nữa vẫn dùng tốt thì bán kiểu gì cũng có lãi như kế hoạch của David Gill.

3. Tất nhiên đó là một xu hướng hứa hẹn. Đã qua rồi cái thời Premiership tin rằng mình có thể mua toàn bộ danh vọng trên trời Âu chỉ trong một mùa Hè bằng việc đưa về những ngôi sao sáng nhất. Họ đã bắt đầu nghĩ xa hơn. Những kế hoạch đã tính bằng 5-10 năm.

Nhưng bất kỳ cuộc đầu tư nào cũng có nguy cơ. Thị trường cổ phiếu có thể tuột dốc, thị trường bất động sản có thể đóng băng, thì khối tài sản trị giá cả trăm triệu bảng mang tên “cầu thủ trẻ” mà Premiership đang muốn đầu tư cũng có thể mất giá. Đến một nhà đầu tư bậc thày như Arsene Wenger còn từng lỗ nặng với Jose Antonio Reyes.

Chắc người La Mã và Hy Lạp có lý do để chọn người bảo hộ cho tuổi trẻ là một nữ thần. Phụ nữ hay bốc đồng.

(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X