Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Làn gió mới ở Premier League: Khi người ta trẻ...

Thứ Bảy 03/09/2011 21:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ấn tượng nào khi mùa giải mới trôi qua 3 vòng và khép lại tháng khởi động? Đó chính là hình ảnh M.U bay cao còn Arsenal sa sút mà không có một minh họa nào tỉ mỉ hơn 90 phút với tỷ số “khủng khiếp” 8-2 ở Old Trafford cuối tuần qua.

Chelsea vẫn chưa thể hiện nhiều nét mới mẻ dưới thời Villas-Boas. Liverpool hồi sinh hay Man. City mạnh bạo là những điều đã được chờ đợi thậm chí từ mùa Đông năm ngoái, khi tiền bạc nhất định sẽ thể hiện được sức mạnh. Khiến người ta chú ý hơn cả chính là cuộc chuyển giao thế hệ trơn tru ở M.U còn ngược lại, ở Arsenal là tình cảnh hỗn mang đến kinh ngạc.

Xét về lý thuyết, thua 8 bàn với thua 1 bàn, chẳng khác gì nhau vì đều chỉ là trắng tay một chặng trong khi đường đua mới chỉ mở màn. Old Trafford cũng chẳng phải là nơi mà Arsenal thường trở về với niềm vui. Nhưng, khi đó là cuộc chiến từng một thời mang tính chi phối ngôi Vương của Premier League, khi nỗi ám ảnh khủng hoảng đã sớm bao trùm Emirates, nó thực sự là một đòn trí mạng. Thất bại nặng nề nhất trong hơn một thế kỷ này buộc ban lãnh đạo Arsenal phải xoa dịu người hâm mộ đến mức đền cả tiền vé. Và triều đại Arsene Wenger tưởng chẳng bao giờ lung lay cũng đã ngả nghiêng. “Giáo sư” khẳng định không từ chức. Nhưng những nghi ngờ về một sự sụp đổ đang lớn dần.

Chris Smalling và Tom Cleverley, hai trong số những cầu thủ trẻ thường xuyên đá chính của M.U ở mùa giải này

Đau hơn với Arsenal, họ bị “tàn sát” ở Old Trafford không phải theo kiểu “người lớn bắt nạt trẻ con”. Độ tuổi trung bình của cả hai đội xấp xỉ nhau, đều khoảng 23. Song cách biệt về đẳng cấp lại quá mênh mông. Không thể đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng lực lượng. Đẳng cấp đội bóng thể hiện ở khả năng giải quyết tình thế đó. Càng khó vịn lí do những “tân binh” non nớt. Phân nửa đội hình xuất phát M.U cũng là các gương mặt mới toanh. Đáng trách nhất là Wenger, là ban lãnh đạo đã ném vào sân “những đứa trẻ” chưa đủ sức lực lẫn tinh thần, ý chí nhập cuộc chơi “người lớn”.

Khôn đâu đến trẻ?

Công thức của một CLB trong bóng đá hiện đại nhìn bề ngoài rất đơn giản: tập trung đào tạo trẻ, nuôi dưỡng những thế hệ kế cận bên cạnh việc mua sắm, tăng cường “nóng” đội hình. Đương nhiên, hoàn hảo nhất là cân bằng giữa hai hướng này. Song tùy từng mục đích và trường hợp, có thể “bên trọng, bên khinh”.

Chelsea trước đây hay Man. City hiện nay thuộc diện dùng sức mạnh tài chính để tập hợp nhanh chóng các ngôi sao lớn. Khiếm khuyết về độ ăn ý, gắn kết sẽ được bù đắp bằng chất lượng cao của cầu thủ. Họ đã và đang thành công. Nhưng, để lâu bền thì sao? Chelsea đã sa sút khi không còn Jose Mourinho, khi thế hệ vàng trước đây sang sườn dốc bên kia sự nghiệp. Man. City cũng phải mất một thời gian không ngắn để vươn lên “thượng tầng” Premier League, và dù đang hùng hổ lấn át, họ vẫn chưa có được cái gọi là bản sắc của riêng mình.

Arsenal thì quá thiên về đào tạo trẻ. Đừng chỉ trích Wenger không biết tiêu tiền. Khi thực sự cảm thấy cần tăng cường lực lượng để vực dậy đội bóng đuối thế rõ rệt so với M.U trong giai đoạn 3 năm trắng tay ở Premier League từ 1998 đến 2001, “Giáo sư” đã đều đặn đem về các hảo thủ như Fredrik Ljungberg, Thierry Henry, Robert Pires, Sylvain Wiltord…Thế hệ này góp công lớn giúp Arsenal đoạt cú đúp mùa 2001-02 và sau đó vô địch ngoạn mục bất bại mùa 2003-04. Tuy nhiên, có cảm giác sau khi đã quen với thắt lưng buộc bụng để xây Emirates và đặc biệt là sau trận CK Champions League 2005-06 thua 1-2 tiếc nuối trước Barcelona, Wenger quá tự tin rằng con đường “trẻ, rẻ” mà ông đi là đúng hướng.

Sáu năm trắng tay. Thời gian đủ dài để khẳng định thất bại. Về tài chính, Wenger thành công khi bằng một ngân sách khiêm tốn, ông vẫn duy trì được vị thế “đại gia”, sân chơi Champions League lắm tiền thưởng cho Arsenal và vài mùa thậm chí còn góp mặt hào hứng trong cuộc đua tranh đỉnh cao. Về lý luận, Wenger cũng chẳng sai. Nhưng mô hình của ông quá mong manh. Nó dễ dàng đổ vỡ khi các học trò bỏ đi. Những lời chia tay với Cesc Fabrgas, Samir Nasri... mùa Hè qua là điển hình.

Thực ra, chuyện ngôi sao đến rồi đi vốn dĩ rất bình thường trong bóng đá. Song, một HLV giỏi cần xử lý tình huống tốt nhất. Đơn cử như M.U đầu mùa giải năm ngoái từng đối mặt với cuộc khủng hoảng “Wayne Rooney” nhưng Sir Alex Ferguson đã thuyết phục được bằng lời lẽ lẫn một mức lương mới. Để rồi chính Rooney sau này nhận sai khi đánh giá thấp tham vọng của đội bóng, chính Rooney đang tỏa sáng với một phong độ đỉnh cao. Trường hợp Rooney cũng như Nasri vốn chủ yếu liên quan đến lương bổng, còn trường hợp Cristiano Ronaldo cũng như Fabregas. Khi không thể ngăn cản được, cần ứng phó tốt nhất có thể. M.U kiếm bộn được từ Real Madrid, thừa đủ cho một cuộc cách mạng mạnh mẽ như Hè qua. Trong khi đó, Arsenal bị Barcelona ép giá, đồng thời nhùng nhằng để vụ Fabregas kết thúc quá muộn, không còn nhiều thời gian lo liệu cho các phương án thay thế. Hậu quả, hãy nhìn các pháo thủ trẻ non nớt bị ném vào “cỗ máy xay” Old Trafford. Họ lạ lẫm với Premier League, lạ lẫm với chính nhau. Không thể đòi hỏi những chắp vá vội vàng, kém chất lượng như vậy tạo thành một khối gắn kết.

Những gạch nối thế hệ

Thực tế, những cuộc cách mạng lực lượng luôn là bài toán khó với mọi đội bóng. Chính M.U hiện nay cũng đã từng trải qua không ít màn chuyển giao khó khăn khi một thế hệ lên đến đỉnh cao rồi thoái trào.

Đầu năm 2001, cũng ở Old Trafford, M.U vùi dập Arsenal 6-1. Đó là thế hệ vàng với vinh quang tột đỉnh ăn ba 2 năm trước đó, vẫn hừng hực khí thế để đăng quang mùa 2000-01 ấy. Nhưng 5 năm kế tiếp, họ chỉ lên ngôi được thêm đúng một lần (mùa 2002-03).

M.U của đại thắng 6-1 đó có độ tuổi trung bình 27, với duy nhất một trường hợp U-24 là Wes Brown. Không ngạc nhiên khi họ già đi, yếu đi trong những năm kế tiếp. M.U của đại thắng 8-2 vừa qua gồm tuyệt đại đa số chào đời khi Sir Alex đã ngồi ghế huấn luyện ở Old Trafford! Họ được dẫn dắt bởi Rooney, “đàn anh” mới 25 tuổi! So với đội hình xuất phát trận CK Champions League trước Barcelona 3 tháng trước, đội hình xuất phát của M.U trước Arsenal chỉ còn đúng hai cái tên là Patrick Evra và Rooney! Không phải bởi khủng hoảng lực lượng mà là một cuộc thay máu triệt để. Những thiếu vắng từng một thời là nỗi lo lắng nặng nề như với bộ đôi trung vệ Rio Ferdinand-Nemanja Vidic giờ giống như “chuyện nhỏ”. Nếu David de Gea hòa nhập nhanh hơn nữa, có thể nói cuộc chuyển giao ở Old Trafford là thực sự hoàn hảo.

Đương nhiên, cuộc chuyển giao đó được bôi trơn nhiều bằng tiền. Nhưng cũng phải bằng quá nhiều tiền nếu nhìn các bản hợp đồng vừa qua của M.U đều “hàng tốt, giá phải chăng”. Quan trọng hơn là một kế hoạch thích nghi phù hợp. Những Ashley Young, Phil Jones đều đã có kinh nghiệm ở Premier League và còn thêm khát khao khẳng định khi “lên đời”. Cứ nhìn Young là rõ. Ở Aston Villa, anh như con cá lớn trong một chiếc ao nhỏ. Ở M.U, anh chỉ là “tầm tầm” nhưng vẫy vũng ngoài biển lớn, đòi hỏi càng nhiều quyết tâm hơn. Những Tom Cleverley, Danny Welbeck là sản phẩm đào tạo trẻ của M.U, gắn kết với nhau từ nhỏ và các mùa gần đây tích lũy kinh nghiệm ở những đội bóng hạng thấp như tại Championship rồi lên dần các CLB nhỏ ở Premier League.

Một M.U trẻ trung, khí thế hiện nay không phải gây dựng trong một mùa Hè. Đó là kết quả của cả một quá trình dài hơi, có kế hoạch rõ ràng. Làm được như vậy cần không chỉ chiến lược, tiền bạc mà cả danh vọng để thuyết phục những giấc mơ.

Cũng là trẻ, nhưng ở Arsenal đang chỉ thấy sự non nớt dễ suy sụp, nông nổi với những thẻ đỏ liên tiếp. Còn ở M.U, đó đang là lời cảnh báo cho phần còn lại vì sự nguy hiểm nhất của họ là họ còn vô khối thời gian để mạnh hơn, hoàn thiện hơn. Hãy chờ xem những đội hình trẻ này sẽ lớn lên như thế nào trong mùa giải này, một mùa giải không là cuộc đua giữa họ, song sẽ mang ý nghĩa quyết định cho tương lai phía trước...

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X