Sự giàu sụ không ngừng tăng tiến của Premier League khiến cho đây hoàn toàn không còn là sân chơi cho những ngôi sao mai triển vọng. Danh hiệu hay tài năng trẻ, HLV của các CLB lớn giờ đây chỉ được phép chọn một giữa hai khái niệm “không đội trời chung” này.
“Đó là một trong những lý do vì sao Pep được đánh giá cao đến như vậy và trở thành ứng cử viên hàng đầu của chúng tôi. Ở Barcelona và Bayern Munich, anh ấy đã mở ra cả một thế hệ.” – Khaldoon Al Mubarak, Chủ tịch Man City, phát biểu trong một ngày tháng Năm 2016, trước cả khi Guardiola đi tìm nhà ở thành phố Manchester.
“Những tài năng trẻ đầy triển vọng, chúng tôi không bao giờ có chuyện thiếu hụt chúng nơi đây.” – Al Mubarak tiếp tục. “Năm vừa qua, Man City đã thống trị các danh hiệu vô địch ở hầu hết các cấp độ giải trẻ - U10, U13, U15 và U18. Pep có trong tay cả một kho báu để khai quật và mài dũa nên những viên ngọc sáng bóng nhất.”
Guardiola được kỳ vọng sẽ nâng tầm công tác đào tạo trẻ của Man City... |
Sau tất cả, bên cạnh những thành công tức thời trên khía cạnh danh hiệu, đào tạo trẻ dẫn lối cho một Man City có bản sắc thực sự chính là những gì mà thượng tầng sân Etihad, từ cặp tỷ phú Sheikh Mansour và Khaldoon Al Mubarak đến Giám đốc Txiki Begiristain, kỳ vọng về lâu về dài ở Pep Guardiola. HLV Tây Ban Nha cần phải bù đắp thất bại của những người tiền nhiệm Roberto Mancini và Manuel Pellegrini.
Man City đã quy hoạch xây dựng Trung tâm Huấn luyện City Football Academy trên mảnh đất 33 hecta và đầu tư xấp xỉ 200 triệu bảng vào cơ sở hạ tầng, tất cả như để dành sẵn ra cho riêng “hiệu trưởng” Pep Guardiola. Đối với giới chóp bu, ông là người được chọn để đảm bảo mọi thành công, từ ngắn hạn đến dài hạn.
Thấm thoắt một năm trôi qua, người ta hẳn rất tò mò những gì Al Mubarak đang suy nghĩ về sự tự tin ngày nào của mình sau khi nghe những đánh giá mới nhất của Pep Guardiola về lực lượng tài năng trẻ Man City: “Tôi có trong tay rất nhiều sao mai, 16-18 tuổi đủ cả. Chất lượng và triển vọng phát triển thì khỏi phải bàn cãi, nhưng có lẽ chúng chưa sẵn sàng cho mùa giải tới đây.” – Với ngữ cảnh này, “có lẽ” dịch thẳng thành “chắc chắn” cũng không sai.
... thế nhưng thậm chí đến sao mai triển vọng Iheanacho cũng phải bán xới khỏi Etihad chỉ sau một mùa giải tại vị của Pep |
Trong mùa giải Premier League đầu tiên của mình, Guardiola trao 464 phút tung hoành sân cỏ cho các cầu thủ tuổi teen, chính xác là ba người. Trong số này, tân binh 27 triệu bảng Gabriel Jesus chiếm 203 phút thi đấu và 186 phút thuộc về “cây nhà lá vườn” Kelechi Iheanacho song tài năng trẻ người Nigeria mới chính thức bán xới khỏi Etihad để mong cứu vãn sự nghiệp ở Leicester City. 75 phút còn lại được dành cho Aleix Garcia, người đã ăn tập với Man City từ hai năm nay sau khi chia tay Villarreal tại TBN.
Nhìn vào thực trạng tấp nập các ngôi sao đắt giá hiện tại ở Etihad, người hâm mộ sẽ cần một đức tin vô điều kiện, gần như là mù quáng, để đặt cược cho sự phát triển của các sản phẩm đào tạo Man City ngay trên sân nhà của mình. Hè này, Man City đã duyệt chi hơn 200 triệu bảng, kỷ lục chuyển nhượng một mùa cấp CLB, chỉ cho năm tân binh. Khoản tiền ngất ngưởng trên đủ để xây chắc chỗ đứng cho những Ederson, Benjamin Mendy, Kyle Walker hay Bernardo Silva.
Tuy nhiên, điểm trọng yếu nhất ở đây còn nằm ở độ tuổi mới 22-23 của họ, đồng nghĩa tương lai lâu dài ở Etihad nếu duy trì nguyên phong độ và tinh thần cống hiến. Điều tương tự cũng vận vào 5/8 tân binh năm ngoái của Man City với độ tuổi thậm chí chỉ dao động từ 19 lên 20. Với thực trạng này, cơ hội sẽ kiếm đâu ra cho những người đồng nghiệp cùng trang lứa xuất thân từ lò đào tạo 200 triệu bảng kia? Rõ ràng, Man City đang như thả rơi tự do các tài năng trẻ ngay từ buổi bình minh sự nghiệp của họ.
Quyết định từ nhiệm bất ngờ của Sam Allardyce khiến thế hệ HLV trên 60 tuổi chỉ còn sót lại một mình Arsene Wenger. Ngoại hạng Anh giờ trở thành cuộc chơi trẻ trung...
John Terry, biểu tượng duy nhất cho trung tâm đào tạo trẻ của Chelsea giờ không còn ở Stamford Bridge nữa. Và số phận của những cậu bé trưởng thành từ Cobham...
Một ví dụ tiêu biểu gần đây mang tên Pablo Maffeo, hậu vệ phải 20 tuổi mới chia tay Etihad năm thứ hai liên tiếp để đi học việc ở Girona. Ba trận giao hữu đầy ấn tượng, trong đó có hẳn derby Manchester, vậy là đủ để Maffeo thuyết phục Guardiola trao niềm tin cho anh ở Etihad sau sự ra đi của Bacary Sagna và Pablo Zabaleta? Song sự xuất hiện của Kyle Walker và Danilo mùa hè này với tổng giá trị hơn 70 triệu bảng chính là câu trả lời phũ phàng cho câu hỏi mang tính chất tu từ dó.
Khi ngay cả một cầu thủ trẻ được đánh giá cao, người tỏa sáng ngay trong màn ra mắt ở một vị trí vốn luôn tồn tại nhiều vấn đề, cũng không thể có cho mình một suất trong đội hình Man City, ai sẽ là người có thể đây? Jadon Sancho và Phil Foden chăng? Cả hai vốn là những cầu thủ tài năng bậc nhất Châu Âu vị trí tiền vệ tấn công ở thế hệ lứa tuổi U17 của mình. Cơ mà làm ơn, hãy cứ ngồi yên chờ Kevin De Bruyne, Bernardo Silva, David Silva, Leroy Sane và Raheem Sterling chấn thương cả loạt hết đi!
Pep Guardiola cũng không phải HLV Premier League duy nhất biến công tác đào tạo trẻ trở thành cơn đau đầu kinh niên. Hồi tháng tư, Antonio Conte hùng hồn chỉ trích bộ đôi đại gia thành Manchester chỉ biết đầu tư tiền tấn cho các tân binh thay vì tập trung phát triển những gì mình sẵn có trong tay.
Thành công năm ra mắt của Antonio Conte đánh đổi bằng sự ra đi của hàng loạt tài năng trẻ Chelsea |
Sang mùa hè, nhà cầm quân người Ý như thể “tự vả vào miệng” với 130 triệu bảng duyệt chi cho ba cầu thủ, thậm chí đó mới chỉ chiếm một nửa so với những gì ông kỳ vọng rước về Stamford Bridge hè này. Ngoài ra, không một cầu thủ tuổi teen nào dưới trướng ông có phút giây hít thở bầu không khí Premier League mùa giải 2016/17 vừa rồi.
Trên thực tế, chính Chelsea, bất chấp sở hữu lò đào tạo trẻ chất lượng hàng đầu nước Anh với 6/8 chức vô địch FA Youth Cup gần đây nhất, mới là CLB nổi tiếng nhất với chính sách không trọng dụng các tài năng “cây nhà lá vườn” của mình. Thay vào đó họ đem đi cho các CLB khác mượn và tiến tới bán đứt khắp Châu Âu, cụ thể… 87 đội bóng.
Chưa gắn bó được bao lâu nhưng Conte cũng đã sớm tiếp nối truyền thống không mấy vẻ vang này. Đơn cử như trong mùa hè hiện tại, ông gửi 24 tài năng trẻ đi học việc bốn phương ở lục địa già, bên cạnh đó là tám thương vụ bán đứt rất khó hiểu, bao gồm không ít măng non sáng giá triển vọng như Dominic Solanke, Bertrand Traore hay Nathan Ake.
Dẫu sao, Antonio Conte cũng đã đúng về Man City, và cả Man Utd, với hơn 300 triệu bảng chưa có điểm dừng ném vào thị trường chuyển nhượng chỉ sau 14 tháng tại vị của Jose Mourinho. Không hẳn là một sự hứa hẹn nào đó với 49 cầu thủ được trình làng ngay trong mùa giải ra mắt của mình, khi hầu hết chỉ là những giải pháp chữa cháy thời vụ cho cơn khủng hoảng chấn thương trầm trọng ở Old Trafford.
Trong nhóm Top 6 Premier League, MU là đội bóng trao số phút thi đấu nhiều nhất cho các sao mai tuổi teen mùa giải vừa rồi (1924). Tuy nhiên, thống kê này cũng chẳng mang nặng ý nghĩa, bởi lẽ tận 1702 phút đã thuộc về riêng mình Marcus Rashford, thần đồng có thể nói “muôn người có một”. Còn lại Tim Fosu-Mensah, Andreas Perreira, Axel Tuanzebe hay Scott McTominay..., những ấn tượng nhất định ban đầu chưa thể khiến giới mộ điệu tự tin trả lời câu hỏi bao lâu mới thực sự đến thời của họ.
Giành 6/8 chức vô địch FA Youth Cup gần đây, vậy mà lò đào tạo trẻ của Chelsea không thể sản sinh ra bất kỳ cái tên đáng chú ý nào cho đội một |
Các HLV tất nhiên phải chịu trách nhiệm cho thực trạng chảy máu tài năng hiện tại ở Premier League, thế nhưng sự ỷ lại của họ vào các tân binh đắt giá nào đâu có thể tránh khỏi cứ với cái giàu sụ ngày càng tăng tiến của các CLB Anh. Cứ trông vào giá trị bản quyền truyền hình giải ngoại hạng đạt mức kỷ lục 2,4 tỷ bảng năm vừa qua để thấy những Chelsea hay Man City vô hình chung được khuyến khích “ăn xổi” bạt mạng ra sao.
Bên cạnh đó, cũng khó có thể buông lời trách móc nặng nề các HLV, những người vốn đã luôn đứng sẵn dưới cả tấn áp lực dư luận và sự thiếu kiên nhẫn của các ông chủ. Mourinho, Guardiola, Conte, Pochettino, Klopp và Wenger, bất cứ 2/6 chiếc ghế nóng trong số này đều sẽ nhanh chóng lung lay dữ dội trong tháng Năm 2018, thời điểm Top 4 Premier League được ấn định với hai cái tên còn lại phải ra rìa.
Thành tích và danh hiệu hay công tác đào tạo trẻ, các HLV chỉ có thể chọn một giữa hai khái niệm xung khắc này. Cũng không quá khó để đoán được con đường mà hầu như tất cả sẽ đi, nhất là trông vào thời gian tại vị trung bình vỏn vẹn 1,23 năm của các nhà cầm quân làm việc ở xứ sương mù.
Trong thời đại kim tiền chi phối bóng đá ngày nay, chính công tác chuyển nhượng mới định hình nên đẳng cấp và danh tiếng của mỗi HLV. Trong khi đó, quyết định đặt trọn niềm tin vào thế hệ tài năng trẻ quả thực là một con dao hai lưỡi dành cho họ. Giữa dũng cảm hay ngu ngốc giờ đây tồn tại một ranh giới vô cùng mong manh như vậy.
Gia Khoa (TTVN)